Phát triển 'nóng' và nguy cơ thiếu bền vững của đô thị biển Việt Nam

  • 16/10/2020 06:41:04
  • VOVGIAOTHONG.VN
  • Xã hội
  • 0

Những năm gần đây, ngành du lịch tại một số thành phố, đô thị ven biển của Việt Nam đã phát triển mạnh, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế của địa phương.

 

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển đó, còn thiếu sự kiểm soát nên tại nhiều nơi đã xảy ra hiện tượng xây dựng quá tải, phá vỡ sinh thái ven biển, ô nhiễm môi trường...

Quảng Ninh, Nha Trang, Đà Nẵng, … là những đô thị có biển phát triển rất nhanh trong những năm gần đây. Sản lượng khách du lịch tăng trưởng liên tục qua các năm, tính riêng năm 2019, số lượng khách du lịch tới Đà Nẵng khoảng 8,7 triệu khách, Phú Quốc 5,1 triệu lượt và tỉnh Khánh Hòa đón 7,2 triệu lượt khách du lịch, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân và kéo theo sự phát triển của nhiều ngành nghề liên quan.

Lối phát triển này sẽ tước đi những cơ hội phát triển kinh tế cho các địa phương có biển trong tương lai như thế nào? Giải pháp nào để kiểm soát và phát triển đô thị du lịch biển theo hướng bến vững, phát huy được những lợi thế sẵn có? (Ảnh: TN&MT)

Tuy nhiên, sự phát triển “nóng” của du lịch đã khiến đất xây dựng đô thị biển đang có xu hướng phát triển lan rộng, khó kiểm soát, nhiều khu vực cảnh quan có giá trị bị biến thành không gian sở hữu của các chủ đầu tư tư nhân.

Sự xuất hiện các tòa nhà cao tầng, các khách sạn, condotel dọc các trục đường ven biển không đi kèm với sự phát triển của hạ tầng kỹ thuật đồng bộ đã khiến nhiềuđô thị đối mặt với hàng loạt vấn đề bất cập. Thạc sỹ, Kiến trúc sư Nguyễn Thị Hồng Diệp, công tác Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia phân tích: Nếu mà chúng ta phát triển nó quá quy định của quy hoạch chung thì sẽ gặp phải những vấn đề quá tải về hạ tầng kỹ thuật. Bao gồm về giao thông về cấp nước, rác thải, vệ sinh môi trường chưa nói đến cảnh quan môi trường, cảnh quan đô thị cũng bị ảnh hưởng nặng".

Ông Phạm Văn Thịnh, Trưởng phòng quy hoạch quản lý tổng hợp biển, hải đảo của Viện nghiên cứu biển và hải đảo bày tỏ lo ngại, sự xuất hiện khối lượng lớn khách du lịch vào những mùa cao điểm ảnh hưởng đến việc cấp điện, nước, và ảnh hưởng đến môi trường biển, cũng như môi trường đất liền.

Không những thế, nó còn thu hẹp không gian tiếp cận biển của người dân địa phương, thậm chí ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động mưu sinh của các ngư dân ven biển, ông Thịnh dẫn chứng: "Như là trường hợp ở khuFLC Sầm Sơn, khi mà giao dự án này, người dân đã mất không gian khai thác hải sản, nếu muốn đi ra biển, thì phải đi cách đây khoảng hơn 10 cây số. Ví dụ như dự án The Songs dự án Nam ô Đà Nẵng. UBND thành phố Đà Nẵng thì cũng phải vào cuộc chỉ đạo và cũng đã phải mở dành không gian chung cho cộng đồng hay một loạt các dự án ở các tỉnh khác như là Bà Rịa Vũng Tàu, Khánh Hòa, Kiên Giang".

Theo một số chuyên gia đô thị, sự xuất hiện của những khối nhà đồ sộ không tạo nên được diện mạo riêng cho các đô thị biển mà còn hình thành những bức tường bê tông phá vỡ cảnh quan thiên thiên hiện có.

Phân tích về nguyên nhân dẫn đến những bất cập tại các đô thị biển hiện nay, PGS-TS Phạm Trung Lương- Phó Chủ tịch Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường biển Việt Nam cho rằng, tư duy quy hoạch đô thị của hầu hết các đô thị có biển hiện nay, không dựa trên các nguyên tắc quy hoạch không gian du lịch biển.

Ngoài việc quy hoạch các dịch vụ du lịch tập trung dọc một trục giao thông chạy song song với đường bờ biển, một số đô thị lại quy hoạch phân lô để phát triển các khu nghỉ dưỡng biển liền kề. Cách làm này làm giảm khả năng thoát nước tự nhiên, gây ngập úng cho đô thị khi xảy ra mưa lớn, giống như trường hợp ngập úng tại thị trấn Dương Đông, Phú Quốc xảy ra thời gian qua: "Hiện nay, Phú Quốc cũng đi theo mô hình giống hệt như các đô thị du lịch biển trên đất liền và điều đó nó đã góp phần hình thành một cái một dải khu nghỉ dưỡng biển dọc theo ven biển và vô hình chung nó như là một con đê hạn chế thoát nước mặt để ra biển. khi có những trận mưa lớn".

Ông Lương cho biết thêm, hệ thống cấp thoát nước hiện nay tại các resort chưa đáp ứng yêu cầu và hầu hết được thải thẳng ra biển gây ô nhiễm môi trường và về lâu dài gây ô nhiễm lớn ở vùng nước ven bờ, ảnh hưởng đến hoạt động tắm biển hay khai thác thủy hải sản.

Một số ý kiến cho rằng, những bất cập trong quá trình thực hiện quy hoạch là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự phát triển thiếu bền vững tại các đô thị có biển. Mặc dù, trong các bản quy hoạch đều xác định được tầng cao, mật độ xây dựng, bố trí các không gian công cộng, tuy nhiên trong quá trình thực hiện, nhiều chủ đầu tư đề xuất điều chỉnh quy hoạch nhằm tối đa hóa lợi nhuận.

Trong khi đó, chính quyền một số đô thị lại ưu tiên mục tiêu phát triển kinh tế trước mắt, chưa xem xét cặn kẽ những tác động, ảnh hưởng về lâu dài. Việc tận dụng, khai thác triệt để những lợi thế sẵn có của tài nguyên biển mà thiếu những biện pháp bảo vệ, bảo tồn có thể làm mất đi cơ hội phát triển ngành du lịch của chính địa phương đó trong tương lai.

Để có thể hạn chế sự phát triển tự phát, thiếu kiểm soát cho các đô thị có biển trong thời gian tới, TS Nguyễn Hồng Hạnh- Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế xây dựng và đô thị cho rằng, cần xây dựng một Chiến lược phát triển đô thị biển gắn kết chặt chẽ với “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045”. Đồng thời, cần phải thay đổi tư duy khi xây dựng quy hoạch các đô thị có biển: "Xây dựng về những quy hoạch vùng của một tỉnh hoặc vùng liên tỉnh, hoặc là quy hoạch của một huyện hoặc một đô thị thì cần phải rõ tư duy là bảo vệ môi trường môi trường biển, phải giữ lại những giá trị về mặt cảnh quan về mặt môi trường và những cái giá trị về mặt văn hóa cho những vùng đất đấy, phải được giữ nó phải là điểm mà cốt lõi để cho tất cả những cái định hướng khác nó phải xoay quanh cái đó".

Trong quá trình phát triển, chính quyền đô thị và các nhà hoạch định cũng cần phải hài hòa giữa khai thác lợi ích kinh tế với việc bảo tồn các giá trị, tài nguyên thiên nhiên biển cho các thế hệ trong tương lai (Ảnh: TN&MT)

Hiện nay Việt Nam có khoảng 41 đô thị có biển, trong đó có nhiều đô thị có ngành du lịch phát triển. Tài nguyên biển đã đem lại nguồn thu lớn cho du lịch địa phương nhưng nếu không kiểm soát việc khai thác, các địa phương có thể đối mặt với tình trạng cạn kiệt tài nguyên trong tương lai, mất đi cơ hội phát triển. Xây dựng các quy hoạch đô thị gắn liền với quy hoạch du lịch là một hướng đi bền vững cho các đô thị có biển trong tương lai.

Đây cũng là góc nhìn của Kênh VOVGT qua bài bình luận: "Kiểm soát thực hiện quy hoạch và sự tăng trưởng bền vững"

Việt Nam có lợi thế về tài nguyên biển với chỉ số biển đạt 0,01, cao gấp 6 lần chỉ số biển trung bình toàn cầu. Với hơn 3.200km bờ biển nằm trải dọc đất nước và những tiềm năng tự nhiên sẵn có, chuỗi đô thị ven biển đã và đang phát triển mạnh. Tại nhiều địa phương có biển, ngành du lịch đóng góp lớn vào GDP và sự phát triển kinh tế- xã hội.

Tuy nhiên, quá trình xây dựng ồ ạt, sự lạm dụng quá mức đất đai khiến không ít bờ biển bị chia nhỏ vụn thành các thửa, lô, gây ra tình trạng quá tải về hạ tầng xã hội và đe dọa nghiêm trọng đến môi trường, hệ sinh thái biển.

Phải khẳng định, việc phát triển kinh tế biển, trong đó có phát triển du lịch tại các đô thị biển là một chủ trương đúng đắn, đã được Đảng và Nhà nước đã thông qua từ nhiều năm nay. Trước thực trạng phát triển hiện nay, các cấp, các ngành và chính quyền địa phương cần rà soát và đưa ra những giải pháp nhằm đảm bảo cho sự phát triển bền vững trong tương lai.

Trước hết, là cần sự thay đổi trong tư duy của các nhà quy hoạch đô thị. Các đô thị du lịch biển có những đặc điểm, điều kiện tự nhiên khác với các đô thị trong đất liền, nên quá trình quy hoạch đô thị cần phải gắn với quy hoạch du lịch và nguyên tắc đảm bảo tiếp cận không gian biển cho cư dân địa phương.

Đặc biệt, các nhà hoạch định cần tính toán sức chịu tải của các đô thị, cân đối giữa lượng khách đến tham quan du lịch và cư dân địa phương để có những điều chỉnh về hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật cho phù hợp. Việc đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng cũng cần phải được xem xét trong quá trình xây dựng các quy hoạch phát triển tại các đô thị biển.

Thứ hai, quá trình triển khai thực hiện cần phải bám sát các quy hoạch phát triển đô thị biển đã được thông qua, hạn chế điều chỉnh quy hoạch. Bài học kinh nghiệm về sự phát triển thiếu kiểm soát không theo quy hoạch tại nhiều đô thị lớn đã gây ra nhiều vấn đề về ngập lụt, ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường vẫn còn nguyên giá trị. Tuy nhiên, cần gắn trách nhiệm của người đứng đầu địa phương nếu để xảy ra tình trạng điều chỉnh hay phá vỡ quy hoạch.

Trong quá trình phát triển, chính quyền đô thị và các nhà hoạch định cũng cần phải hài hòa giữa khai thác lợi ích kinh tế với việc bảo tồn các giá trị, tài nguyên thiên nhiên biển cho các thế hệ trong tương lai.

Với vị trí địa lý quan trọng, việc xây dựng và phát triển các đô thị du lịch biển không chỉ giữ vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của đất nước, xây dựng hình ảnh của quốc gia mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền dân tộc. Bởi vậy, khai thác những tiềm năng sẵn có nhưng vẫn có những biện pháp bảo tồn, phát triển nhưng phải kiểm soát là giải pháp để phát triển các đô thị ven biển bền vững trong tương lai.

Điều này phù hợp với mục tiêu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã đưa ra tại Nghị quyết số 35/ NQ- TW năm 2018 đưa ra đến năm 2030 các khu kinh tế ven biển đóng góp từ 65-70% GDP./.

Theo VOVGIAOTHONG.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận