Bất cập biển báo, tiềm ẩn tai nạn giao thông

  • 06/11/2020 05:38:25
  • VOVGIAOTHONG.VN
  • Xã hội
  • 0

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, Bộ GTVT đã 3 lần sửa đổi Quy chuẩn quốc gia về báo hiệu đường bộ - Quy chuẩn 41 (QCVN 41: 2019).

 

Quy chuẩn 41 được xây dựng nhằm phù hợp với công ước quốc tế, cũng như điều kiện phát triển giao thông ở nước ta, thế nhưng hệ thống biển báo, hướng dẫn giao thông trên nhiều tuyến đường vẫn còn bất cập, tiềm ẩn về TNGT.

Biển báo bị cây che khuất trên Quốc lộ 1B Hà Nội - Bắc Giang.

Tình trạng cắm biển báo, biển hướng dẫn giao thông một cách tùy tiện đã xảy ra nhiều năm qua trên nhiều tuyến đường. Tại thành phố lớn, những “rừng” biển báo, biển hướng dẫn giao thông, cái này che lấp cái kia khá phổ biến.

Thêm vào đó, những biển phụ được gắn kèm biển báo, cấm đối với xe taxi theo giờ, đèn đỏ được đi thẳng, hay được rẽ phải, rẽ trái nhưng cấm quay đầu ..vv.. đã khiến người tham gia giao thông bị rơi vào “ma trận” biển báo.

Một người dân bức xúc nói: "Biển báo trên đường dày đặc khó quan sát, biển quá nhỏ.. như lối rẽ sân bay Nội Bài đoạn qua cầu Đông Trù quá nhỏ khó quan sát".

Biển báo vào đường cao tốc chỉ dẫn khó hiểu.

Trên thực tế, biển hướng dẫn giao thông, biển quảng cáo được giao cho nhiều cấp, nhiều ngành khác nhau thực hiện. Đường tỉnh lộ giao cho địa phương, quốc lộ do Tổng cục Đường bộ Việt Nam quản lý.

Trong đô thị, hệ thống biển báo và biển hướng dẫn giao thông do Sở giao thông vận tải quản lý, vỉa hè, đường nhỏ do quận, huyện cắm biển hướng dẫn, băng rôn quảng cáo do ngành văn hóa chịu trách nhiệm. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến câu chuyện xuất hiện “rừng” biển báo, biển hướng dẫn như hiện nay.

Quy chuẩn 41 mới áp dụng cho tất cả các tuyến đường từ quốc lộ, tỉnh lộ đến cấp xã, cũng như tiêu chuẩn quốc tế mà Việt Nam tham gia, các đơn vị phải thực hiện cắm biển báo đều phải tuân thủ quy chuẩn.

Tuy nhiên, từ nhiều năm nay Quy chuẩn 41 vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành để triển khai thực hiện theo quy chuẩn còn hạn chế. Gần đây, dư luận rất bất bình về tình trạng xe đi lùi, thậm chí đi ngược chiều trên đường cao tốc.

Điển hình là vụ tai nạn thương tâm trên tuyến Cao tốc Hà Nội- Thái Nguyên do lái xe đi lùi, làm 5 người chết, 5 người bị thương.

Một người tham gia giao thông nêu ý kiến: "Trên nhiều tuyến cao tốc biển báo ghi tên địa danh như trên tuyến Pháp Vân- Cầu Giẽ ghi nút giao Vực Vòng, Liêm Tuyền gây khó hiểu, nên ghi nút giao Đồng Văn, Phủ Lý…. Hay như nút giao vào thành phố Yên Bái ghi là Văn Phú khiến nhiều người không biết nên xảy ra tình trạng xe đi lùi, hay đi ngược chiều".

Trên Quốc lộ 18 hệ thống biển hạn chế tốc độ chưa phù hợp.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản yêu cầu các Sở GTVT, Cục quản lý đường bộ, các Ban QLDA, nhà đầu tư BOT triển khai Quy chuẩn quốc gia về báo hiệu đường bộ. Theo đó, quy định biển báo, vạch sơn, cơ bản giữ nguyên theo quy chuẩn hiện hành, nhưng điều chỉnh theo hướng rõ ràng hơn, hạn chế tình trạng hiểu nhầm, hiểu chưa đúng, đồng thời cập nhật một số tình huống thực tiễn phát sinh.

Ông Vũ Ngọc Lăng, Vụ trưởng Vụ ATGT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho biết: "Trong Quy chuẩn 41 quy định rất nhiều biển báo, chúng ta quan tâm đến biển báo hướng dẫn địa danh để người tham gia giao thông đỡ nhầm lẫn, chập chờn trong suy nghĩ. Địa danh đường quốc lộ phải dùng địa danh phổ thông, tránh sử dụng địa danh một nhóm người biết. Biển báo phải rõ ràng thậm chí phải nhắc lại 2-3 lần trước lối ra để tránh nhầm lẫn, thậm chí đi lùi. Chúng tôi đã có những văn bản hướng dẫn cho các địa phương".

Quy chuẩn 41, điều chỉnh bổ sung năm 2019 mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020, nhưng đến nay vẫn chưa được các cơ quan hữu quan thực hiện nghiêm túc.

Việc chậm triển khai đồng bộ Quy chuẩn 41 không chỉ khiến người điều khiển phương tiện khó nhận biết quy định pháp luật được chỉ dẫn trên biển báo, gây khó khăn cho lực lượng chức năng khi xử lý vi phạm còn là tiềm ẩn nguy cơ mất trật tự ATGT.

Theo VOVGIAOTHONG.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận