Phát triển kinh tế tuần hoàn đang dần trở thành xu hướng của các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia phát triển có ít tài nguyên, nhất là khi nguồn tài nguyên trên thế giới đang ngày càng cạn kiệt. Là một những quốc gia được đánh giá có nhiều nỗ lực và đã đạt được nhiều thành quả trong tiến trình phát triển bền vững. Tuy nhiên, hiện chúng ta cũng đang phải đối mặt với lượng chất thải phát sinh ngày càng lớn trong khi nguồn nguyên liệu thô, nguyên liệu hoá thạch ngày càng cạn kiệt. Chính vì vậy, việc phát triển kinh tế tuần hoàn sẽ tháo gỡ được nút thắt cho phát triển nhanh và bền vững.
Kinh tế tuần hoàn là biến rác thải của ngành này thành nguồn tài nguyên của ngành khác, góp phần làm giảm phát thải khí nhà kính và chống biến đổi khí hậu. Phát triển kinh tế tuần hoàn đang dần trở thành xu hướng của các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia phát triển có ít tài nguyên. Kinh tế tuần hoàn là mô hình mới, nhưng rất hữu hiệu và phù hợp với tất thảy các nền kinh tế; trong đó ý thức bảo vệ môi trường đi liền với hành động thiết thực để bảo vệ môi trường trong quá trình tăng trưởng nhanh, bền vững của hoạt động kinh tế.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết: “Thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ giúp cho doanh nghiệp Việt Nam thực hiện được mục tiêu sản xuất và tiêu dùng bền vững việc lựa chọn nền kinh tế tuần hoàn đối với Việt Nam là yêu cầu tất yếu. Qua đó nhằm khắc phục hạn chế của mô hình kinh tế truyền thống, phát triển kinh tế tuần hoàn giúp Việt Nam tránh lệ thuộc vào nền kinh tế bên ngoài, nhất là về nguyên liệu nhiên liệu phục vụ cho sản xuất”.
Trong bối cảnh nguồn tài nguyên của đất nước đang ngày càng suy giảm, cạn kiệt yêu cầu đặt ra cho mỗi doanh nghiệp là cần tìm hiểu, từng bước tự giác thực hiện kinh tế tuần hoàn và đó là hành động thực tế nhằm thực hiện tăng trưởng xanh, hạn chế tối đa tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu. Bà Lê Thị Ngọc Mỹ, Giám đốc phát triển bền vững của Công ty Heineken Việt Nam chia sẻ, việc thực hiện kinh tế tuần hoàn đã đem lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và xã hội, năm ngoái Heineken gần như không còn chất thải chôn lấp vì 99% phụ phẩm, phế phẩm được tái chế sử dụng, đồng thời tạo việc làm cho người lao động
“Tại nhà máy Heineken tại Việt Nam, chúng thu hồi CO2 lại chúng tôi có thể không sự dụng trong quy trình sản xuất của mình mà chúng tôi có bán được phần đó nữa… Đối với vấn đề này chúng ta không nhìn đâu đó là rác thải mà chúng ta luôn luôn nhìn thấy cái đó là nguồn nguyên liệu và phải luôn đau đáu chuyện đó thì khi đó chúng ta đều có thể thực hiện được. Tức là tất cả các bạn đã thấu hiể về kinh tế tuần hoàn thì chúng ta cũng bắt đầu có tư duy về tiêu dùng có trách nhiệm hơn, tiêu dùng nó phải tuần hoàn mà cần ta tối đa hạn chế việc sử dụng một lần”, bà Ngọc Mỹ nhấn mạnh.
Tuy nhiên hiện để phát triển rộng khắp mô hình kinh tế tuần hoàn vẫn còn nhiều thách thức, bởi thực tế việc tái sử dụng và tái chế chưa triệt để, công nghệ còn cũ và lạc hậu, mới chỉ chú trọng kinh tế, vì thế một số mô hình tái chế chất thải nhưng lại chính là nguồn phát sinh chất thải. Các doanh nghiệp sản xuất chưa phải là một vòng đầy đủ của kinh tế tuần hoàn, đặc biệt khâu thiết kế trong sản xuất chưa được chú ý.
TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng, các yếu tố cần có để phát triển kinh tế tuần hoàn là có hành lang pháp lý đầy đủ; cần triển khai nghiên cứu sâu trong từng ngành, lĩnh vực và địa phương. Tạo được cơ chế để hình thành động lực thị trường, tăng cường trao đổi, học hỏi kinh nghiệm quốc tế, gắn với công nghệ cao và cách mạng công nghiệp 4.0
“Mô hình tăng trưởng xanh, mô hình kinh tế tuần hoàn chính là một công cụ vừa hiệu quả vừa tạo công ăn việc làm, vừa tạo giá trị gia tăng, đóng góp cho GDP, đóng góp ngân sách, tạo thu nhập cho người lao động tốt hơn. Cùng với đó nó lại giảm được lượng khí thải nhà kính, xanh hơn, giảm được phí vật chất trong quá trình sản xuất kinh doanh. Cho nên đây là mô hình vừa là xu hướng, vừa là tất yếu và đòi hỏi cho chuyển đổi và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam”, TS Võ Trí Thành.
Rõ ràng, yêu cầu chuyển đổi sang phát triển kinh tế tuần hoàn là một cơ hội lớn để nước ta phát triển nhanh và bền vững. Việc thực hiện mô hình này không chỉ đạt mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu mà còn đem lại nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp. Phát triển kinh tế tuần hoàn chính là tương lai cho các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay./.
Nguyễn Hằng/VOV1