Trong bối cảnh thời tiết biến động khó lường, lũ chồng lũ, mô hình nhà an toàn chống lũ được xem là “cứu tinh”, là giải pháp vô cùng hiệu quả trong việc giúp những người dân vùng lũ có thể chống chọi, chủ động kiểm soát những thiệt hại đáng tiếc do mưa lũ gây ra.
3 năm nay, vào mùa mưa lũ, gia đình chị Ngô Thị Tin, xã Điền Mỹ, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh không còn lo lắng bởi đã có nhà chống lũ được xây dựng khá kiên cố. Với tổng kinh phí hơn 80 triệu đồng, gia đình chị được Dự án nhà chống lũ hỗ trợ một nửa, số tiền còn lại chị vay mượn thêm và xây dựng được một ngôi nhà chắc chắn trước mùa mưa bão.
Chị Tin cho biết, nhiều năm trước, cứ mưa lũ là nước dâng ngập nhà, cả gia đình chị rất lo lắng, thường thức trắng đêm và phải sơ tán đi nơi khác để được an toàn. Đợt lũ mới đây, khi nhiều nơi ngập lút mái nhà thì gia đình chị vẫn yên tâm và an toàn khi sống trong nhà chống lũ.
Ông Lương Hùng, đồng sáng lập quỹ Sống Foundation, Trưởng ban Xây dựng và kỹ thuật của Dự án Nhà chống lũ chia sẻ, nhà chống lũ xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2013. Đây là dự án phát triển cộng đồng với mục đích xây nhà an toàn và phát triển sinh kế bền vững cho người dân nghèo ở các vùng chịu ảnh hưởng bởi thiên tai và biến đổi khí hậu. Tính đến tháng 9 vừa qua, Nhà chống lũ đã hỗ trợ thành công 795 hộ gia đình tại các tỉnh: Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Sóc Trăng, Bến Tre, Khánh Hòa và Hậu Giang trong việc xây dựng và cải tạo nhà.
Đến nay, dự án đã phát triển 9 mô hình nhà an toàn thích ứng với các kiểu hình thiên tai, đặc biệt là các dạng lũ như: lũ bùn, lũ ống, lũ quét, lũ ngâm, lũ sông...
Theo ông Hùng, nhà chống lũ có 3 loại chính: nhà kê nền, nhà phao và nhà có gác. Mức giá cho mỗi căn nhà chống lũ an toàn từ 80 - 180 triệu đồng. Trong đó, nhà chống lũ hỗ trợ trung bình 45 triệu đồng/hộ. Phần kinh phí còn lại các hộ dân sẽ huy động nguồn lực riêng hoặc đối ứng phần nhân công và tận dụng các nguồn vật liệu của nhà cũ còn sử dụng được.
Hầu hết các hộ dân được dự án hỗ trợ trong vòng 7 năm qua đều an toàn và có thể chủ động chuẩn bị trước tình hình. Khi nghe tin bão, người dân mua lương thực dự trữ, chuyển đồ đạc quan trọng và gia súc, gia cầm đến gác tránh lũ, sửa chữa, gia cố nhà phao. Do đó, thiệt hại về người và của được hạn chế đáng kể.
Mặc dù giá thành của một căn nhà chống lũ không quá cao nhưng những mô hình như vậy vẫn chưa được lan tỏa và nhân rộng ở nhiều địa phương vùng lũ.
Ông Võ Đinh Tuấn, Phó Chủ tịch xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình cho biết, toàn xã hiện có hơn 1.000 hộ dân nhưng chỉ có 47 nhà chống lũ và 1 nhà chống lũ cộng đồng (có sức chứa khoảng 50 người). Từ ngày có nhà chống lũ, các gia đình cảm thấy yên tâm hơn, thiệt hại không đáng kể về tài sản khi xảy ra mưa lũ.
Tuy nhiên, số hộ gia đình có nhà chống lũ vẫn rất ít, bởi cuộc sống gia đình của các hộ dân còn nhiều khó khăn. Ông Tuấn cho hay, để “phủ” nhà chống lũ cho các hộ trong xã thì còn rất nan giải, do vậy rất mong sự giúp đỡ của các tổ chức, ban ngành để người dân có được nhà chống lũ, không phải lo lắng khi mùa mưa lũ về.
Trong tháng 10 vừa qua, cả nước đã chứng kiến những mất mát đau thương và tổn thất quá lớn về người và tài sản do bão lũ, sạt lở đất gây ra. Nghĩa cử “tương thân, tương ái” lại bùng cháy trong mỗi con người, mỗi tổ chức xã hội. Một làn sóng mang tên “nhân đạo, từ thiện” trào dâng mạnh mẽ trong cộng đồng người Việt. Ngoài ủng hộ, chia sẻ với bà con miền Trung về hiện vật, đồ ăn, thức uống, thì ý tưởng xây dựng nhà chống lũ cho người dân rốn lũ cũng được nhiều tổ chức đề cập tới.
Ông Hoàng Anh Sướng, Chủ nhiệm Quỹ Tâm Hiểu Thương (một tổ chức thiện nguyện) cho biết, sắp tới, Quỹ sẽ tổ chức nhiều chương trình thiện nguyện, gây quỹ để xây nhà nổi cho bà con miền Trung. Trong bối cảnh lũ chồng lũ, thì việc xây nhà nổi mang lại hiệu quả vô cùng thiết thực, đó chính là chiếc phao cứu sinh giúp bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cho người dân trong mùa lũ.
Ông Sướng cũng cho hay, chi phí của một nhà phao chống lũ chỉ từ 25-30 triệu đồng, số tiền không quá lớn, song trong điều kiện đầy khó khăn hiện nay, không phải gia đình nào trong vùng lũ cũng có thể chi trả để có được một mái nhà an toàn. Do đó, Quỹ sẽ nỗ lực để giúp bà con vùng lũ phần nào vơi đi những lo lắng khi mùa lũ về.
Cùng quan điểm, TS. Đinh Việt Hòa - Chủ tịch sáng lập Hiệp hội Khởi nghiệp quốc gia (VINEN) chia sẻ, nhà nổi chống lũ là một trong những giải pháp khả thi có thể giúp cho bà con tránh được rủi ro, tránh được nguy hiểm mà mưa lũ có thể gây ra. Tuy vậy, để dự án xây nhà chống lũ cho người dân vùng lũ đạt hiệu quả thì rất cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước và nhân dân.
“Trong thời điểm người dân đang gặp nhiều khó khăn, không có đủ kinh phí, đầu tư cơ sở hạ tầng thì dự án này có thể làm theo mô hình PPP, đó là mô hình xã hội hóa, Nhà nước và nhân dân cùng làm. Nếu có sự đồng lòng, sẻ chia từ các bên thì dự án sẽ hiệu quả và thành công hơn. Với chi phí không quá cao, nhưng một dự án nhỏ, một chương trình nhỏ, quỹ phi lợi nhuận thì khó có thể đảm đương hết. Do vậy, rất cần sự chung tay của cả cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức từ thiện để cùng triển khai các dự án nhà vượt lũ cho người dân, giúp họ vượt qua những lo lắng mỗi khi mùa lũ về”, TS. Đinh Việt Hòa nói./.
Theo Chung Thủy/VOV.VN