Sáng 10/11, vụ ly hôn của vợ chồng chủ hãng cà phê Trung Nguyên được đưa lên nghị trường, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Pha (đoàn Nam Định) cho rằng, vụ ly hôn giữa 2 vợ chồng chủ sở hữu cà phê Trung Nguyên được sự quan tâm rất lớn của dư luận. Đi liền với đó là một doanh nghiệp tư nhân có giá trị hàng nghìn tỷ đồng, một thương hiệu Việt Nam đã đi ra được quốc tế bị ảnh hưởng.
Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Pha, vụ án đã qua 2 cấp xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, với những nhận định, quyết định chưa thực sự thuyết phục. Vụ án này đã bị Viện kiểm sát nhân dân Tối cao kháng nghị.
Rất nhiều doanh nhân, luật sư cho rằng nếu tòa án giải quyết vụ ly hôn này không đúng đắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của doanh nghiệp, lớn hơn là có thể hủy hoại một doanh nghiệp lớn có tầm ảnh hưởng ra quốc tế, đại biểu Nguyễn Văn Pha cho biết.
“Việc giải quyết có thể biến con đại bàng thành con chim sẻ và hụt hơi ngay trên chính vườn nhà. Điều đó tác động rất lớn tới niềm tin của doanh nghiệp vào chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân” - đại biểu Nguyễn Văn Pha nói.
Vụ ly hôn đã được kháng nghị lâu nhưng chưa thấy Toà án nhân dân Tối cao xét xử giám đốc thẩm, đại biểu Nguyễn Văn Pha phản ánh.
Ngay sau những vấn đề đại biểu Nguyễn Văn Pha đặt ra, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân có ý kiến “về một vụ án ly hôn cụ thể, Tòa án có gì trao đổi thêm với đại biểu Quốc hội. Tất nhiên như đại biểu Quốc hội có nói, nếu Tòa xử không đúng bản chất có thể ảnh hưởng đến một thương hiệu quốc gia".
Trước đó, trả lời đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (đoàn Khánh Hòa) về hoạt động xét xử, đặc biệt án hành chính có còn hiện tượng thẩm phán xin ý kiến lãnh đạo tòa án không? Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, không chỉ riêng án hành chính mà tất cả loại án khác đều không có chuyện tòa án cấp trên chỉ đạo hội đồng xét xử đối với tòa án cấp dưới. Tòa án tôn trọng xét xử độc lập của án cấp dưới, không can thiệp.
“Trên thực tế, quá trình xét xử, khi địa phương lúng túng về áp dụng pháp luật, có những cách hiểu khác nhau và có văn bản hỏi, tòa cấp trên sẽ hướng dẫn cách áp dụng pháp luật. Trong hướng dẫn ghi rõ đây là tài liệu tham khảo. Còn chỉ đạo án tức là phải có hồ sơ gốc mang lên rồi cùng nhau nghiên cứu, bằng một văn bản không thể xem là chỉ đạo” - ông Nguyễn Hòa Bình nói.
Đây là thỉnh thị về mặt nghiệp vụ, hướng dẫn những vấn đề còn cách hiểu khác nhau, nói chỉ đạo án là không đúng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết thêm./.
Lam Lê/VOV.VN