Từ những con ngõ nhỏ đến các tuyến phố lớn của Hà Nội, tờ rơi quảng cáo, rao vặt chằng chịt trên tường nhà, cột điện, trụ điện gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh Thủ đô trong mắt du khách. Cây xanh công cộng cũng bị đóng đinh, treo bảng quảng cáo.
Nhếch nhác vì thông tắc cống, khoan cắt bê tông
Những dịch vụ “thông tắc cống”, “khoan cắt bê tông”, “cho vay tiền”,... được in trên giấy hoặc phun sơn trực tiếp lên tường nhà, cột điện chắc chắn gây khó khăn trong việc tháo gỡ và để lại những dấu vết nhếch nhác. Cây xanh trên phố cũng trở thành “giá treo” bảng quảng cáo. Chia sẻ với phóng viên, chị Phượng, cư dân tại phường Chương Dương, Hoàn Kiếm, bức xúc trước tình trạng quảng cáo, rao vặt vừa được tháo gỡ, dọn dẹp thì ngay ngày hôm sau lại xuất hiện như cũ. “Đợt Tết vừa rồi, gia đình tôi vừa sơn lại bức tường trước nhà thì chỉ sau hơn 1 tháng đã thấy bị sơn, dán khắp tường để quảng cáo, phản cảm vô cùng”.
Khi được hỏi về việc xử lý, biện pháp phòng chống quảng cáo, rao vặt trái phép, bác Ngọc, cư dân phố Cầu Đất, lắc đầu ngao ngán: “Hồi trước cũng có mấy bạn thanh niên đến bóc giấy, sơn lại tường, nhưng chỉ thời gian ngắn là lại bị dán đầy tường lúc nào không biết. Nhà nước phải xử lý thật nặng những người vì lợi ích cá nhân mà làm ảnh hưởng đến cộng đồng và thành phố như thế này”. Nhiều tuyến đường khang trang nhưng cột điện, trụ điện lại bị bủa vây bởi “cho vay tiêu dùng”, “hỗ trợ vay trả góp”... Chỉ vì những mẩu giấy trắng đen, những vệt sơn xanh đỏ không đúng chỗ mà Hà Nội thanh lịch văn minh trở nên nhếch nhác.
Ở nhiều nơi, chính quyền huy động lực lượng thanh niên tình nguyện, công nhân vệ sinh thường xuyên gỡ bỏ, vệ sinh, làm sạch các trụ điện, tường nhà bị sơn, dán. Thế nhưng, có lẽ mức phạt còn quá nhẹ so với lợi ích mà những đối tượng vi phạm nhận được, nên bất chấp nỗ lực của chính quyền, tình trạng “quảng cáo bẩn” vẫn ngang nhiên diễn ra.
Giải pháp mới kỳ vọng ở Luật mới
Khoản 1, Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định mức phạt đối với cá nhân: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi treo, đặt, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng. Điều 5, Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định: Tổ chức có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 2 lần mức phạt cá nhân.
Tại phiên họp của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội đầu tháng 9, các đại biểu tham gia nhấn mạnh, tình trạng quảng cáo rao vặt vi phạm quy định của Luật Quảng cáo diễn ra phổ biến, làm mất mỹ quan đô thị, trong khi nhu cầu quảng cáo rao vặt cũng như sử dụng các dịch vụ của quảng cáo rao vặt rất lớn. Bởi vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu hoàn thiện quy định về quảng cáo rao vặt, về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc bố trí địa điểm để quảng cáo rao vặt, tạo hành lang pháp lý cho việc quảng cáo, rao vặt, vừa văn minh, vừa hiệu quả mà không gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị…
Để giải quyết dứt điểm tình trạng này cần có sự vào cuộc mạnh mẽ và đồng bộ từ nhiều phía, siết chặt các biện pháp quản lý, nâng cao mức phạt và hình thức xử phạt để tăng sức răn đe. Người dân và các đơn vị kinh doanh cần tuân thủ quy định trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, từ chối sử dụng các dịch vụ quảng cáo trái phép này bởi tiềm ẩn nguy cơ lừa đảo, nhất là các dịch vụ tài chính.
Một giải pháp nữa là tăng cường công nghệ trong việc giám sát và xử lý, sử dụng hệ thống camera an ninh để giám sát tại các khu vực thường xuyên bị dán quảng cáo trái phép. Các công ty viễn thông cần tích cực ngăn chặn sim số rác được sử dụng để quảng cáo rao vặt và ứng dụng công nghệ số truy vết danh tính đối tượng vi phạm để xử lý kịp thời./.