Phục hồi du lịch trong trạng thái 'bình thường mới'

Thông tin mở cửa đón du khách có 'hộ chiếu vaccine' đến Phú Quốc cũng như tiến độ tiêm vaccine phòng Covid-19 trên cả nước đang cổ vũ những người làm du lịch...

 

Thông tin mở cửa đón du khách có “hộ chiếu vaccine” đến Phú Quốc cũng như tiến độ tiêm vaccine phòng Covid-19 trên cả nước đang cổ vũ những người làm du lịch. Tuy nhiên, đảm bảo du lịch an toàn trong trạng thái “bình thường mới” là một thách thức không nhỏ.

Hình mẫu du lịch Phú Quốc sống chung với dịch

Nhiều người cho rằng, ngành du lịch đã “ngủ đông” quá lâu và không thể phục hồi theo phương cách cũ, phải tìm ra hướng đi mới. Bây giờ là lúc ngành du lịch cần xác định phải sống chung với dịch, nhưng sống chung bằng cách nào và như thế nào?

Tại Tọa đàm trực tuyến “Hộ chiếu vaccine và cơ hội kích cầu cho ngành hàng không, du lịch và dịch vụ” mới đây, GS,TS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho rằng, khái niệm “sống chung với dịch” cần được hiểu là vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Hay nói cách khác, chúng ta phải kiểm soát được dịch.

Vì vậy, mở cửa ngành du lịch phải làm thận trọng, an toàn, mở đến đâu đảm bảo an toàn đến đó. Việc thí điểm cho Phú Quốc đón khách du lịch có “hộ chiếu vaccine”, hay cũng gọi là “thẻ xanh Covid-19” sẽ là mô hình mẫu để các các địa phương khác nghiên cứu, rút kinh nghiệm trong việc khôi phục du lịch trong trạng thái “bình thường mới”.

Mở cửa ngành du lịch phải làm thận trọng, an toàn, mở đến đâu đảm bảo an toàn đến đó. (ảnh chụp năm 2019)

Trong bối cảnh sống chung với dịch, vừa chống dịch vừa làm kinh tế, có ba vấn đề đặt ra cho việc mở cửa du lịch Phú Quốc là: miễn dịch cộng đồng; giải quyết các thủ tục công nhận “hộ chiếu vaccine”; kiểm soát dịch tễ đối với khách quốc tế và khôi phục thị trường khách nội địa.

Theo đại diện Tổng cục Du lịch, để đảm bảo an toàn cho khách du lịch khi áp dụng “hộ chiếu vaccine”, có hai vấn đề: thứ nhất, chính quyền địa phương cần tuân thủ các biện pháp bảo đảm an toàn điểm đến, nâng cao năng lực y tế; thứ hai, lựa chọn doanh nghiệp lữ hành với tiêu chí cao để đề xuất, thí điểm đón khách.

Đối với du khách quốc tế có “hộ chiếu vaccine”, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, hiện mỗi quốc gia trên thế giới sử dụng một ứng dụng (app) khác nhau. Vietnam Airlines và Bamboo Airways đang dùng App “AITA Travel Pass” mà gần 200 hãng hàng không và 80 quốc gia trên thế giới sử dụng để liên kết cung cấp dịch vụ hàng không. Ngoài ra, một số quốc gia như Tây Ban Nha, Anh, Mỹ không sử dụng app này mà họ có app riêng của châu Âu hay Mỹ.

Còn về kiểm soát dịch tễ trong nước, theo chuyên gia du lịch Nguyễn Đức Chí, Việt Nam hiện có quá nhiều App khai báo y tế, theo dõi sức khỏe khác nhau. Ngay cả ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn (Vietnam Safe Travel) của Tổng cục Du lịch cũng đang liên kết với app “Hồ sơ sức khỏe” của Bộ Y tế, nhưng app này của Bộ Y tế vốn dành cho người Việt và không có tiếng Anh, không áp dụng được đối với du khách quốc tế. Việt Nam cần có ngay một app chung, kết nối tất cả mọi ứng dụng, tích hợp đủ thông tin cần thiết để sử dụng cho đi lại cả trong nước và quốc tế. Đây là vấn đề của toàn thế giới, cần giải quyết trước mắt và lâu dài trong tương lai.

Năm 2020, khách nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34,1% so với năm 2019.

Mở quốc tế vẫn cần nguồn khách nội địa

Ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group, cho rằng: trong làn sóng Covid-19 thứ nhất, doanh nghiệp đã nhanh chóng chuyển đổi sang thị trường nội địa cao cấp và thành công nhất định trong năm 2020. Theo đó, qua 3 đợt dịch đầu tiên, doanh nghiệp kiên cường vượt qua, không bỏ cuộc. Bước sang năm 2021, doanh nghiệp du lịch kỳ vọng về một “mùa hè vàng” du lịch nội địa, nhưng đó chỉ là kỳ vọng.

Đồng quan điểm, ông Murali Viswanathan, Quản lý Renaissance Riverside Hotel Saigon cũng cho rằng, trong trạng thái “bình thường mới” vẫn cần tập trung vào khách nội địa trước. Đây là cơ hội để “đánh nhanh” và là cơ hội để các công ty du lịch và lữ hành có thể chuẩn bị tốt hơn để đón lượng khách nước ngoài ở các giai đoạn tiếp theo.

Nói về việc thí điểm đón du khách có “hộ chiếu vaccine” tại Phú Quốc, ông Hà cho rằng, trong tình hình mới, khách quốc tế phải ở Phú Quốc 7 ngày tại một khách sạn và không được tham gia các hoạt động thì họ sẽ không hào hứng. Do nhu cầu khách quốc tế đi du lịch hoàn toàn khác nên không thể kỳ vọng họ ồ ạt đến Phú Quốc như thời gian trước.

Về lâu dài, Việt Nam cần một chiến lược thu hút du lịch có bài bản, có tầm nhìn và có nhạc trưởng, điều hành từ trung ương tới địa phương cho hiệu quả. Ngành du lịch đã “ngủ đông” quá lâu và không thể cứ nghĩ tới việc phục hồi theo phương cách cũ, phải tìm ra hướng đi mới, cách làm mới trong trạng thái “bình thường mới”.

“Cần cân bằng các thị trường, không tập trung quá vào một thị trường như những năm qua dẫn đến phát triển nóng, mất cân đối nguồn khách và không bền vững. Đặc biệt, Việt Nam cần phát triển song hành thị trường khách quốc tế và khách nội địa, nâng cao chất lượng thay vì chỉ chạy theo sự vụ và kích cầu, giá rẻ mãi”, ông Hà nêu ý kiến.

Việt Nam cần phát triển song hành thị trường khách quốc tế và khách nội địa

Nhiều địa phương sẵn sàng đón khách du lịch

Không chờ sau khi rút kinh nghiệm từ Phú Quốc, nhiều địa phương trong cả nước thuộc “vùng xanh” cũng đã sẵn sàng đón du khách có “hộ chiếu vaccine” như Quảng Ninh, Khánh Hoà, Đà Nẵng, Quảng Nam, Lâm Đồng…

Là một trong những tỉnh “xanh” trong bản đồ Covid-19 của cả nước, Quảng Ninh hiện đã lên các phương án để sẵn sàng đón khách có “hộ chiếu vaccine” nhằm phục hồi ngành du lịch với kinh nghiệm phong phú từ việc đón các chuyến bay quốc tế đưa hàng vạn đồng bào, chuyên gia từ khắp các vùng dịch trên thế giới về sân bay Vân Đồn và đưa đi cách ly an toàn với 228 chuyến bay, với gần 46.000 người. Ngoài ra, các khách sạn 3 -5 sao trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cũng tổ chức thành công cách ly theo hình thức trả phí, tuân thủ chặt chẽ các quy định phòng dịch của Bộ Y tế. Qua đó phần nào đem lại nguồn thu nhập cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lưu trú, vận tải, cung cấp suất ăn… trong bối cảnh kinh tế khó khăn do tác động của đại dịch.

Trên cơ sở thực hiện thành công nhiệm vụ đưa người về từ vùng dịch trên, đặc biệt vẫn duy trì là địa bàn an toàn trong “làn sóng dịch lần thứ 4” tại Việt Nam nên Quảng Ninh là địa phương đầu tiên được Chính phủ cho phép thực hiện chương trình đón khách “hộ chiếu vaccine” với thời gian cách ly 7 ngày.

Nhiều địa phương trong cả nước thuộc “vùng xanh” đã sẵn sàng đón du khách có “hộ chiếu vaccine”

Đến nay, Khánh Hòa đã tiêm vaccine phòng Covid-19 đạt 72% và đến cuối tháng 9 này sẽ tiêm 100% mũi 1 vaccine cho người dân trên 18 tuổi. Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, cho biết: Ngành du lịch Khánh Hòa tiêm được 20.000 liều vaccine, sắp đến sẽ tiêm thêm 30.000 liều vaccine cho nhân sự ngành du lịch. Đầu tháng 10, nhân sự ngành du lịch được tiêm mũi 2 nên bà Thanh đề xuất hoạt động du lịch trở lại vào ngày 15/10 theo 3 giai đoạn.

Ở giai đoạn 1, tập trung vào du lịch nội tỉnh, các cơ sở đón khách du lịch nằm trên địa bàn các thôn, tổ “vùng xanh”, bảo đảm an toàn phòng chống dịch Covid-19; Giai đoạn 2, căn cứ vào tiêu chí phòng chống dịch sẽ xúc tiến thị trường lân cận như Lâm Đồng, Đắk Lắk… Đối với thị trường Hà Nội, TP.HCM là thị trường truyền thống sẽ đón khách khi bảo đảm phương án an toàn phòng chống dịch; Giai đoạn 3, Sở đã gửi phương án lên UBND tỉnh Khánh Hòa để tham mưu Chính phủ thí điểm đón khách quốc tế theo hình thức “hộ chiếu vaccine”. Trong đó, Khánh Hòa đề xuất thí điểm đón khách ở 12 cơ sở du lịch tại khu du lịch bắc bán đảo Cam Ranh (khu vực Bãi Dài) vào tháng 12.

Ông Nguyễn Bá Quân, Giám đốc Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh, cho biết, sân bay Cam Ranh đã được cấp chứng nhận quốc tế là cảng hàng không an toàn, thời điểm dịch bệnh cảng vẫn hoạt động liên tục. Hiện nay, 100% nhân viên của cảng đã được tiêm vaccine đủ 2 mũi, đảm bảo miễn dịch cộng đồng khi đón khách có “hộ chiếu vaccine”./.

Năm 2020, sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, lượng khách du lịch quốc tế trên toàn thế giới giảm 74% so với năm 2019, khiến doanh thu sụt giảm khoảng 1.300 tỷ USD. Tại Việt Nam, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, năm 2020, khách quốc tế chỉ đạt khoảng 3,8 triệu lượt, giảm 78,7% so với năm 2019; khách nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34,1%; tổng thu du lịch đạt 312 nghìn tỷ đồng (tương đương 19 tỷ USD), giảm 58,7%. Khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã ngừng hoạt động.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận