Vì sao bệnh viện lớn đồng loạt xin dừng tự chủ?

Sau hơn 2 năm thí điểm tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 33 của Chính phủ, chỉ trong vòng 1 tuần Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K đều xin thay đổi mô hình tự chủ và chuyển sang thực hiện theo Nghị định 60 của Chính phủ bởi gặp nhiều khó khăn.

 

Khó khăn chồng chất

Trong cuộc họp với lãnh đạo Bộ Y tế mới đây, lãnh đạo bệnh viện Bạch Mai đã chủ động xin dừng tự chủ tài chính toàn diện sau 2 năm thực hiện thí điểm tự chủ. Nguyên nhân được đưa ra là gặp tình trạng khó khăn chung như các bệnh viện công: nhân viên y tế chuyển công tác, thiếu thuốc và thiết bị y tế, tự chủ trên danh nghĩa…

Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, từ năm 2020, bệnh viện Bạch Mai được giao làm thí điểm tự chủ. Tuy nhiên, 3 điều kiện tự chủ là tự chủ về tổ chức bộ máy, tự chủ về giá và giao vốn để làm tự chủ nhưng bệnh viện Bạch Mai chưa bao giờ được giao đủ 3 điều kiện này, mà chỉ tự chủ trên danh nghĩa nên không đủ tiêu chí để đánh giá. Bệnh viện triển khai thí điểm tự chủ đúng lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp do đó nguồn thu giảm sâu, việc trích lập quỹ, phân bổ tài chính theo các tỷ lệ cố định của các văn bản hiện hành, ảnh hưởng tính chủ động về nguồn đầu tư, mua sắm… Về giá dịch vụ y tế, giá dịch vụ khám, chữa bệnh - nguồn thu chính của bệnh viện - do một số yếu tố khách quan, đến khi hết thời gian thí điểm tự chủ, Bộ Y tế cũng chưa ban hành giá trần dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu; Bệnh viện gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện tự chủ nhưng lại không được tự chủ về giá. Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định hiện hành của Bộ Y tế mới tính 4/7 yếu tố cấu thành giá; chưa ban hành giá trần dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu.

Bác sỹ khám chữa bệnh tại bệnh viện đa khoa Nông nghiệp

Từ thực tế nêu trên, giám đốc Đào Xuân Cơ đề xuất chưa nên thực hiện tự chủ ở các bệnh viện tuyến cuối, vì đây là bệnh viện đầu ngành, nơi điều trị tất cả bệnh nhân trong cả nước. Nếu tự chủ chắc chắn phải tăng doanh thu, lúc đó sẽ gây khó khăn cho bệnh nhân nghèo, nhiệm vụ an sinh xã hội của bệnh viện không được đảm bảo.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, có tới 221 cán bộ y tế, người lao động thôi việc (113 người do kiện toàn, tinh gọn) còn lại 28 bác sĩ chuyển công tác, trong đó có 1 phó giáo sư, 7 tiến sĩ y học, 2 tiến sĩ ngành dược học. Những bác sĩ chuyển công tác có những người nắm giữ nhiều vị trí quan trọng như: Trưởng khoa dược, trưởng khoa kiểm soát nhiễm khuẩn, trưởng khoa thăm dò chức năng và phó trưởng phòng tổ chức cán bộ.

Hai năm thực hiện thí điểm tự chủ chưa đầu tư được thiết bị mới nào

Đồng cảm với những khó khăn của Bệnh viện Bạch Mai, GS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K chia sẻ: “Đề xuất của bệnh viện Bạch Mai dừng thí điểm tự chủ toàn diện là có cơ sở, bệnh viện K là bệnh viện tuyến cuối điều trị bệnh nhân ung thư thì việc tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 33 cũng có những bất cập tương tự.Trong thời gian tới, Bệnh viện K cũng xin cho phép tự chủ theo Nghị định 60”. 

Tại Bệnh viện K, việc tự chủ toàn diện gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về nguồn vốn để đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị cùng những rào cản về pháp lí khác. Mỗi ngành nghề có đặc thù riêng, việc áp dụng tự chủ phải phù hợp với từng thời điểm và ở mức độ thích hợp.

Bác sỹ khám chữa bệnh tại bệnh viện đa khoa Nông nghiệp

GS.TS Lê Văn Quảng cho biết thêm, trong hai năm thực hiện thí điểm tự chủ toàn diện, Bệnh viện K chưa đầu tư được thiết bị mới nào. Đến tháng 9 này, Bệnh viện K đã đủ 2 năm thực hiện tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 33. Bệnh viện đã họp và phân tích những ưu nhược điểm của việc tự chủ toàn diện và đã gửi Bộ Y tế bản tổng kết 2 năm thực hiện thí điểm bệnh viện tự chủ toàn diện và xin chuyển sang thực hiện theo Nghị định 60 của Chính phủ như ý kiến của Bệnh viện Bạch Mai.

Đánh giá về vấn đề tự chủ của các bệnh viện, nhiều chuyên gia nhận định, chúng ta đã xem tự chủ như là một phương thức để tăng cường hiệu quả hoạt động của bệnh viện và chất lượng khám chữa bệnh. Song cơ chế này chịu tác động từ nhiều phương diện mà bản thân các bệnh viện tự chủ không thể chủ động giải quyết được như các chính sách, quy định như đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế, chính sách về tiền lương, chính sách về khám chữa bệnh cho người nghèo.

Theo ông Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, tính tự chủ hiện đang gây khó khăn về quyền cho các cơ sở khám chữa bệnh, trong đó có tự chủ trong chi thường xuyên, đầu tư công, mua sắm công. Đây chính là cản trở tác động đến tâm lý của cán bộ, nhân viên ngành y tế nói chung và các cơ sở khám chữa bệnh nói riêng ngại va chạm, né tránh dẫn đến tình trạng khan hiếm thuốc, các vật tư tiêu hao… Từ đó dẫn đến hệ lụy là nhân viên ngành y tế bỏ việc hoặc chuyển công tác khác.

Còn theo ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội, việc 2 trong 4 bệnh viện xin dừng thực hiện tự chủ cho thấy tính thiếu nhất quán và thiếu đồng bộ trong tổ chức thực hiện, càng chứng tỏ sự thiếu chắc chắn trong quản lý. Các nội dung liên quan đến hoạt động quản lý được thiết kế trên cơ sở giám đốc bệnh viện đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản lý, nên khi thay đổi về cơ cấu thành phần Hội đồng quản lý nhưng không điều chỉnh về phương thức quản lý điều hành là chưa phù hợp về logic luật pháp, thiếu chặt chẽ và thống nhất. Nếu tự chủ toàn diện sẽ dẫn đến hoạt động thiên về cung cấp dịch vụ có nguồn thu, ảnh hưởng đến nhiệm vụ ổn định, phát triển hệ thống và chức năng an sinh xã hội của bệnh viện.

 

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp, PGS.TS. Thầy thuốc nhân dân Hà Hữu Tùng:

Theo tôi, Chính phủ và Bộ Y tế ban đầu mới giao tự chủ cho 4 bệnh viện, sau một thời gian thực hiện cần được tổng kết, đánh giá cụ thể, để điều chỉnh… từ đó mới đi đến kết luận nên dừng hay tiếp tục tự chủ. Nếu tiếp tục thì cần phát huy điểm tích cực; những hạn chế cần được tháo gỡ như: năng lực của Ban quản lý, cơ chế hoạt động, chế tài như thế nào cho phù hợp. Bởi khó khăn lớn nhất mà các bệnh viện tự chủ toàn diện phải đối mặt là: Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật BHYT,  bộ máy - cán bộ và cơ chế tài chính...

GS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K:

Đối với ngành y tế, việc có đầy đủ máy móc, thiết bị rất quan trọng trong công tác khám chữa bệnh. Máy móc, thiết bị phục vụ việc chẩn đoán, điều trị bệnh nhân ung thư thường rất đắt tiền. Do vậy, bệnh viện sẽ khó khăn trong việc chủ động đầu tư. Hiện nay, một trong những thách thức để thực hiện tự chủ bệnh viện đó là tính phí dịch vụ y tế chưa đúng, ảnh hưởng đến nguồn thu của bệnh viện. Hơn nữa, giá dịch vụ theo yêu cầu phải tính theo khung giá nhưng đến nay khung giá cũng chưa được ban hành. Việc tính giá dịch vụ y tế phải theo quy định nên bệnh viện tự xây dựng giá là khó thực hiện và cần có cơ quan chức năng xây dựng, hướng dẫn.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân:

Từ thực tế này cần nghiêm túc đánh giá để phát hiện ra các kẽ hở pháp luật, vì có những quy định vô hình trung trở thành cái bẫy pháp lý. Do đó cần rà soát lại các quy định này, qua đó sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Có nhiều ý kiến cho rằng, trong thời gian trước mắt chỉ nên thực hiện tự chủ chi thường xuyên trong một giới hạn nhất định mà không nên tự chủ đầu tư. Việc tự chủ này cần phải được đánh giá, tổng kết cụ thể để từ đó rút ra bài học và đề xuất thay đổi chính sách. Cũng cần theo lộ trình, những bài học thực tiễn trong phòng chống đại dịch vừa qua có thể rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm xương máu cho ngành y tế.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận