Đấu thầu thuốc và thiết bị y tế - đừng chỉ nhằm chọn loại rẻ nhất

Tình trạng thiếu thuốc, hóa chất y tế, thiếu trang thiết bị y tế đang xảy ra ở nhiều bệnh viện khiến công tác khám chữa bệnh gặp khó khăn. Làm gì để giảm bớt?

 

Tình trạng thiếu thuốc, thiếu hóa chất y tế, thiếu trang thiết bị y tế đang xảy ra ở nhiều bệnh viện khiến công tác khám chữa bệnh gặp khó khăn. Làm gì để giảm bớt tình trạng này?

 

Người bệnh hoang mang vì thiếu thuốc

Mắc bệnh hiểm nghèo, bà Nguyễn Thị Ngoan ở Thái Bình không khỏi lo lắng khi một số bệnh viện nơi bà dự định khám chữa bệnh đang thiếu thuốc, nhất là thuốc đặc hiệu: "Người quen trong viện bảo tôi rằng trước thì thuốc rất đầy đủ nhưng từ đầu năm đến giờ vì sợ sai nên bệnh viện ngại đấu thầu, thế mới thiếu thuốc".

Lời giải thích của người quen bà Ngoan tuy không chính xác hoàn toàn, nhưng cũng phản ánh phần nào thực trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư, hóa chất, trang thiết bị y tế hiện nay. Không phải các bệnh viện không dám đấu thầu, mà là hành lang pháp lý đang có những yếu tố ràng buộc, gây khó cho các bệnh viện. Tại Hội nghị liên Bộ Y tế - Tài chính cách đây ít lâu, đại diện một bệnh viện lớn mang 2 ống xông hút đờm của hai công ty, có chỉ số kỹ thuật giống nhau nên được xếp cùng vào một nhóm trong Thông tư 14 và đều trúng vòng kỹ thuật. Vậy nhưng sản phẩm A (được các bác sĩ trực tiếp sử dụng đánh giá là mềm mại, không gây tổn thương cho bệnh nhân) lại trượt do giá cao hơn, mà theo quy định thì chọn sản phẩm có giá thầu thấp hơn. Hậu quả là khi sử dụng ống xông loại B đưa vào phổi bệnh nhân thì gây chảy máu phổi. Tương tự, có những chiếc máy của công ty nọ chỉ số kỹ thuật còn cao hơn máy cùng loại của Pháp, Mỹ, Nhật Bản nên được xếp cùng nhóm với những thiết bị này. Khi đấu thầu giá rẻ hơn các máy cùng loại rất nhiều nên trúng thầu. Tuy nhiên, chất lượng sử dụng không ổn định, gây khó cho công tác chẩn đoán, điều trị. Hay như câu chuyện của Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM, con dao mổ rạch 3 lần mới được 1 nhát.

Các bác sĩ BV108 can thiệp ECMO thức tỉnh cấp cứu bệnh nhân. Khi có đầy đủ trang thiết bị, công tác khám chữa bệnh đạt hiệu quả cao.

"Đừng nhìn ai cũng thành tội phạm..."

Đó là quan điểm của bà Phạm Khánh Phong Lan, đại biểu Quốc hội TPHCM, khi đăng đàn kỳ họp vừa qua. Bà Phong Lan cho rằng: "Thầy thuốc với quá trình đào tạo nhiều năm chuyên tâm với nghề nghiệp, lời thề của ngành, tôi nghĩ ưu tiên đầu tiên của họ khi lựa chọn thuốc cho bệnh nhân đó là hiệu quả điều trị cho người bệnh; đồng ý vẫn có những cá nhân tiêu cực, nhưng chúng ta phải xây làm sao để bảo đảm được chất lượng thuốc vẫn là vấn đề quan trọng nhất”.

Ông Nguyễn Tri Thức (Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM) đề nghị: Khi đấu thầu thuốc, thiết bị, vật tư y tế không nên chỉ chăm chăm vào loại rẻ nhất: "Ý kiến của các nhà chuyên môn là kinh nghiệm, là chất xám chắc chắn sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho người bệnh chứ không phải tiêu cực hoặc tham nhũng, do đó nên tôn trọng ý kiến của các nhà chuyên môn trong lựa chọn vật tư y tế, thuốc điều trị cho người bệnh chứ không phải chỉ chăm chăm vào loại nào rẻ nhất”

Thời gian gần đây, các bệnh viện lớn đã cùng phản ánh thực tế bất cập trong công tác đấu thầu thuốc, vật tư, thiết bị y tế... với các cơ quan chức năng. Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Y tế đã đồng ý về mặt chủ trương sửa một loạt văn bản pháp quy, sửa thông tư, sửa nghị định để vấn đề mua sắm, đấu thầu thuốc, thiết bị y tế được rõ ràng, thuận lợi, đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Vấn đề thu đúng thu đủ, tính đúng tính đủ cũng đã được Quốc hội đồng thuận. Khi tính đúng, tính đủ giá viện phí, các bệnh viện sẽ có nguồn thu, nguồn tài chính đúng quy định pháp luật để chi thường xuyên, trong đó có thù lao thích đáng cho người lao động, động viên, khuyến khích cán bộ, giữ chân cán bộ ở lại với bệnh viện./.

Bác sĩ giỏi sẽ cống hiến nhiều cho xã hội

Nghị quyết 144/NQ-CP về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế quyết nghị: các Bộ Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính khẩn trương rà soát, sửa đổi bổ sung theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến mua sắm, đấu thầu, sản xuất, nhập khẩu thuốc, trang thiết bị y tế thuộc phạm vi quản lý nhằm xử lý nhanh nhất các vướng mắc, tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị thực hiện việc mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế. Trường hợp xét thấy cần áp dụng thủ tục rút gọn để sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật, các Bộ liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận