Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam vừa thông báo, Cơ quan quản lý thực tập kỹ năng người nước ngoài đã chấm dứt thủ tục xin phê duyệt kế hoạch đưa thực tập sinh kỹ năng sang Nhật Bản đối với 2 công ty phái cử lao động của Việt Nam.
Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam đã liên lạc với Cơ quan quản lý thực tập kỹ năng người nước ngoài (OTIT) về việc dự định xóa tên 2 doanh nghiệp khỏi danh sách các doanh nghiệp đủ điều kiện phái cử thực tập sinh sang Nhật Bản.
Căn cứ của việc này dựa trên những cam kết của Bản ghi nhớ hợp tác song phương về thực tập kỹ năng đã ký kết giữa Nhật Bản và Việt Nam.
Hai công ty được nêu ở trên có tên là: Công ty cổ phần nhân lực TTC Việt Nam (TTC Vietnam Human Resources Joint Stock Company) và Công ty cổ phần kết nối nhân lực Việt (Viet Human Resources Connection Joint Stock Company).
Trên cơ sở đó, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam thông báo, kể từ ngày 6/9/2019, Cơ quan quản lý thực tập kỹ năng người nước ngoài (OTIT) không tiếp nhận và làm thủ tục xin phê duyệt kế hoạch thực tập kỹ năng cho 2 doanh nghiệp nêu trên.
Được biết, thị trường lao động Nhật Bản đang thu hút khá đông lao động Việt Nam. Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, năm 2018, tổng số lao động Việt Nam đang thực tập tại Nhật Bản khoảng 126.000 người.
Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc trở thành nước có số lượng phái cử hằng năm và số lao động đang thực tập sinh tại Nhật Bản đông nhất trong số 15 quốc gia phái cử.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, Nhật Bản vẫn dẫn đầu danh sách các nước thu hút lao động Việt Nam với 33.549 lao động.
Theo luật mới, Nhật Bản sẽ tiếp nhận 345.000 lao động nước ngoài trong 5 năm tới. Dự luật đang mở ra thêm nhiều cơ hội việc làm tại Nhật Bản cho lao động Việt Nam.
Cũng trong tháng 7, tại Tokyo (Nhật Bản), Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nhật Bản Yamashi Takashi đã cùng trao Bản ghi nhớ hợp tác (MOC) về khung pháp lý cơ bản để thực hiện đúng chương trình “lao động kỹ năng đặc định”.
Việc ký kết cũng nhằm loại trừ các cơ quan trung gian xấu và các hoạt động trái pháp luật liên quan đến lao động kỹ năng đặc định.
Cụ thể: Những lao động được phái cử bởi các tổ chức, doanh nghiệp được Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam cho phép đưa lao động kỹ năng đặc định đi làm việc ở Nhật Bản.
Những công dân Việt Nam đang cư trú tại Nhật Bản đã được cơ quan tiếp nhận lao động tuyển dụng trực tiếp, gồm: Những người được miễn các kỳ kiểm tra và thi, bao gồm Thực tập sinh (TTS) đã hoàn thành chương trình thực tập sinh kỹ năng số 2 hoặc số 3; Du học sinh đã tốt nghiệp ít nhất khóa học 2 năm của các trường tại Nhật Bản và thi đỗ các kỳ kiểm tra kỹ năng nghề và tiếng Nhật.
Theo N.T/VOV.VN