Hiểu thêm về những tranh cãi dự án nước sạch sông Đuống

Nhà máy nước sạch sông Đuống mới đi vào hoạt động, song đã dấy lên những đồn thổi, tranh cãi:

 

Nhà máy nước sạch sông Đuống mới đi vào hoạt động, song đã dấy lên những đồn thổi, tranh cãi: Chi phí đầu tư dự án gần 5 nghìn tỷ đồng là quá cao; Giá nước sạch sông Đuống đắt đỏ vì cõng lãi nghìn tỷ đồng; Có lợi ích nhóm… Liệu sự thật có như dư luận đồn thổi, suy đoán?

Doanh nghiệp Nhật Bản từng từ chối 

Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng xem xét đầu tư tại văn bản số 685/TTg-KTN ngày 28/4/2010, giao Viwaseen là đơn vị nghiên cứu thực hiện dự án.

Năm 2011, do tình hình tài chính khó khăn, cùng với một số vấn đề về điều kiện ràng buộc vay vốn, do đó phải tiếp cận những nguồn tài chính khả thi khác cho dự án, trong đó có phương án thu xếp nguồn vốn vay từ Quỹ hỗ trợ đầu tư khu vực tư nhân PSIF của Nhật Bản do Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) làm đại diện.

Theo yêu cầu của PSIF thì phải có sự tham gia của một số nhà đầu tư của Nhật Bản. Đáng lưu ý, đề xuất từ phía các đơn vị của Nhật Bản, có hai vấn đề khác biệt với Việt Nam, đó là: Giá bán nước sạch dao động từ 14.000 - 18.000 đồng/m3 và áp dụng hình thức chỉ định thầu EPC đối với dự án.

Ngày 4/6/2012, JICA đã thông báo doanh nghiệp của Nhật Bản không tiếp tục tham gia đầu tư dự án. Sau đó, JICA giới thiệu Tập đoàn Mitsubishi tham gia dự án.

Thời điểm 2011, với số vốn đầu tư dự kiến hơn 7.000 tỷ đồng nhưng Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống cũng không được triển khai. Phải đến năm 2016 mới có nhà đầu tư dự án này với mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng.

Ngày 17/1/2013, Bộ Xây dựng có Quyết định số 72/QĐ-BXD, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng Hệ thống cấp nước Nhà máy nước sông Đuống, công suất 300.000 m3/ngày đêm, với quy mô và tổng mức đầu tư như sau: Tổng mức đầu tư dự án khoảng 7.306 tỷ đồng... Nguồn vốn đầu tư: 20% vốn tự có của chủ đầu tư và 80% vốn vay của JICA.

Dự án chỉ đảm bảo tính khả thi và được triển khai khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận: UBND TP. Hà Nội ký hợp đồng BOT và phát triển mạng lưới đường ống nhằm tiếp nhận khối lượng nước của Nhà máy nước sông Đuống. Ngân hàng VDB tiếp nhận nguồn vốn vay từ JICA và cho doanh nghiệp vay lại với lãi suất cố định 10%/năm trong thời gian 25 năm.

Dự án được hưởng một số ưu đãi đặc thù: Miễn thuế nhập khẩu vật tư, thiết bị và áp dụng VAT 0% đối với hoạt động mua sắm thiết bị; Hỗ trợ toàn bộ chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng.

Bộ Xây dựng đã chủ trì tiến hành lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương liên quan, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 24/7/2013, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 6034/VPCP-KTN, trong đó giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội và các cơ quan liên quan trên cơ sở áp dụng chính sách ưu đãi hiện hành đối với các dự án tương tự, không đề ra cơ chế chính sách riêng.

Ngày 18/11/2013, Bộ Xây dựng đã có văn bản số 22/BXD-HTKT gửi JICA về các nội dung tham gia góp ý của các bộ, ngành, địa phương liên quan, không đồng ý các điều kiện như: Bảo lãnh của Chính phủ về hợp đồng BOT, hợp đồng tiêu thụ nước, cơ chế ngoại hối, giải ngân khoản vay bắt buộc từ VDB... Với những khác biệt ấy, phía Nhật Bản đã dừng việc tham gia dự án.

Tổng mức đầu tư giảm hơn 2.000 tỷ đồng

Để đáp ứng nhu cầu nước sạch cho TP. Hà Nội, cũng như thực hiện quy hoạch cấp nước Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Xây dựng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND TP. Hà Nội có trách nhiệm xác định chủ đầu tư mới, tìm kiếm nguồn vốn đầu tư, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện dự án. Kiến nghị này đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tại văn bản số 264/TTG-KTN ngày 28/2/2014.

Ngày 29/4/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 631/QĐ-TTg về danh mục dự án quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài đến năm 2020, trong đó có dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống.

Cũng phải 2 năm sau mới có các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài quan tâm đến dự án này. Ngày 3/6/2016, UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định số 2869/QĐ-UBND, phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy nước mặt sông Đuống, công suất 300.000 m3/ngày đêm, tổng mức đầu tư của dự án là 4.998 tỷ đồng. So với thời điểm năm 2013 thì dự án đã được triển khai với tổng mức đầu tư giảm hơn 2.000 tỷ đồng.

Đến đây, ai cũng nhận thấy dự án đã được triển khai và tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, ý kiến của các bộ, ngành liên quan, UBND TP. Hà Nội đã thực hiện hết chức trách, nghiêm túc, sự quyết tâm của doanh nghiệp thì dự án nước sạch sông Đuống mới đi vào vận hành, cung cấp nước sạch, phục vụ nhu cầu cho hàng triệu người dân. 

Hà Nội khẳng định không có lợi ích nhóm

Tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, ông Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Sở Tài chính TP. Hà Nội, cho hay: Từ năm 2017, UBND TP. Hà Nội chấp thuận giá bán nước sạch tối đa nhà máy nước sông Đuống là 10.246 đồng/m3, lộ trình tăng giá tối đa 7%/năm.

Khi đó, dự án nước sạch sông Đuống đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, trong khi để tính đúng, tính đủ giá nước thì phải đến khi dự án đi vào hoạt động, được quyết toán. Do vậy, việc xác định giá 10.246 đồng/m3 nước sạch là dựa trên nguyên tắc ước tính phần hao phí, căn cứ vào tiêu chuẩn định mức kinh tế kỹ thuật về nước sạch do Bộ Xây dựng ban hành.

“Sau quyết toán, kiểm toán để xác định chi phí chính thức, từ đó mới xác định giá bán chính thức của nhà máy nước Sông Đuống”, ông Hà cho hay.

Nhà máy nước mặt sông Đuống là nhà máy nước hiện đại nhất Việt Nam và Đông Nam Á.

Lý giải vì sao giá nước mặt sông Đuống cao hơn giá nước sạch sông Đà, đại diện thành phố Hà Nội đã chỉ rõ là do có nhiều yếu tố khác nhau giữa các nhà máy dẫn đến suất đầu tư khác nhau. Cụ thể, nhà máy nước mặt sông Đà đi vào hoạt động năm 2009, có nguyên giá tài sản là 1.555 tỷ đồng, còn giá đầu tư của sông Đuống gần 5.000 tỷ đồng.

Cũng theo tìm hiểu của phóng viên, Nhà máy nước mặt sông Đuống là nhà máy nước hiện đại nhất Việt Nam và Đông Nam Á. Nhà máy được các chuyên gia của Đức và Áo lắp đặt các thiết bị hiện đại hàng đầu thế giới, có nguồn gốc chủ yếu từ châu Âu cho ra chất lượng nước uống ngay tại vòi.

Bên cạnh đó, Công ty cổ phần nước mặt sông Đuống đã xây dựng hơn 80km tuyến ống truyền tải, bảo đảm cung cấp ổn định cho tới tận nguồn. Đây chính là điểm khác biệt rất lớn, vì trước đó một số doanh nghiệp Nhật Bản tham gia thì mức đầu tư lên tới hơn 7 nghìn tỷ đồng nhưng vẫn không có tuyến ống truyền tải này.

Thêm nữa, Công ty cổ phần nước mặt sông Đuống đã chủ động kinh phí thỏa thuận xử lý mặt bằng trên cơ sở hỗ trợ thủ tục từ các cơ quan chức năng, chứ không đẩy gánh nặng tài chính về phía thành phố. Đây cũng là điểm khác biệt lớn, vì năm 2013 khi tham gia dự án phía doanh nghiệp Nhật Bản yêu cầu thành phố phải giải phóng mặt bằng.

Tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm trước kỳ họp thứ 11 HĐND TP. Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã nhận được nhiều ý kiến quan tâm của cử tri liên quan tới việc quản lý nguồn nước sạch, những thắc mắc về giá nước mặt sông Đuống.

Ông Nguyễn Đức Chung cho biết, dự án nhà máy nước mặt sông Đuống có 4 nhà đầu tư rót vốn xây dựng nhà máy, gồm một quỹ đầu tư của Oman (27%), doanh nghiệp Aqua One (58%), Nhà máy nước sạch số 2 (10%) và 5% của một đơn vị khác.

Ông Nguyễn Đức Chung khẳng định: “Aqua One là công ty từng làm nhà máy nước lớn nhất miền Nam tại Long An. Hà Nội đã chọn những nhà đầu tư có năng lực để làm nhà máy này. Vấn đề là như vậy, chứ không có lợi ích nhóm của ai ở đây cả”. “Vừa qua quỹ đầu tư Oman đã bán lại cổ phần cho nhà đầu tư Thái Lan, họ bán mấy tháng rồi, chứ không phải bây giờ”, ông Nguyễn Đức Chung cho biết.

Cũng theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, chuyện các quỹ đầu tư mua bán phần vốn của doanh nghiệp tại dự án, công trình cụ thể là bình thường, nên khuyến khích. Thực tế nên nhìn nhận là môi trường đầu tư kinh doanh của Hà Nội phải thế nào thì nhà đầu tư mới vào đầu tư.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận