Đau đáu với chuyện làng quê, họa sĩ Kù Kao Khải khai thác chất liệu từ cuộc sống để tạo ra những tác phẩm kể lại chính câu chuyện cuộc sống ấy. Mọi thứ phế liệu đều được anh sử dụng để tạo nên tác phẩm nghệ thuật, những câu “chuyện quê” độc đáo.
Sáng tạo không giới hạn từ phế liệu
Bỏ ngang Đại học Bách khoa để dấn thân vào hội họa, Kù Kao Khải là nghệ danh của họa sĩ Cù Cao Khải, sinh năm 1978 tại quê hương Kim Sơn, Ninh Bình. Lọ mọ 10 năm trời để tìm lối đi riêng, đến tháng 9/2017, tác phẩm “Chuông” của Kù Kao Khải đã được trao giải Nhất tại Lễ trao giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2017 và Giải A Khu vực II-Đồng bằng sông Hồng. Nói về giải thưởng quý giá này, anh chia sẻ: “Tôi thấy quê mình rất đẹp, nhưng đang xây nhiều nhà máy, vì thế, tôi đã bỏ ra 5 tháng làm tác phẩm “Chuông” này để cảnh báo. Không thể đánh đổi môi trường lấy sự phát triển kinh tế…”.
“Chuông” là hình tượng một con cá khổng lồ bằng gỗ cao gần 2,5m được treo lên giá, như một quả chuông. Trên phần giá là hình ảnh của ống khói nhà máy đang tuôn trào, những bộ mặt người câm nín và ảm đạm.
Không đi theo lối truyền thống, không bị ảnh hưởng bởi những trường phái hay xu thế hội họa, Kù Kao Khải có phong cách sáng tạo rất riêng, tự do gồ ghề, thô ráp và dường như không có giới hạn nào ràng buộc được những sáng tạo của anh. Các sáng tác của anh luôn gửi đến những thông điệp giản dị, gần gũi, trực quan, không trừu tượng. Trong mỗi câu “chuyện quê” anh kể, bản thân các chất liệu được sử dụng cũng như câu chuyện đều có sự gắn bó chặt chẽ. Cũng bởi vậy, không chỉ để trưng bày, để treo trên tường mà hơn thế, nó có không gian sống thật như chính câu chuyện mà nó thể hiện, câu chuyện cuộc sống làng quê ven biển và đồng bằng Bắc bộ.
Kù Kao Khải chia sẻ: “Chất liệu của tôi lấy từ những đồ vật thân thuộc hằng ngày, bản thân chất liệu cũng gắn liền với chính câu chuyện mà nó kể khiến người xem thấy được giá trị của nó ngay khi nhìn thấy tác phẩm. Khi kể câu chuyện, tôi đã thực sự loại bỏ ý nghĩ trong đầu về những chất liệu truyền thống mà sử dụng mọi thứ tôi thu lượm được trong quá trình đi thực tế, điền dã và ghi chép những câu chuyện cuộc sống”.
Hàng trăm câu “Chuyện quê” đã được Kù Kao Khải kể bằng sự sáng tạo, kết hợp, lắp ghép những mảnh phế liệu bị vứt ra bên lề cuộc sống. Những miếng sứ cách điện hỏng, mảnh gốm bị rạn, dây thừng cũ của ngư dân, thùng trộn bê tông, ghế da hỏng, túi xách… bị vứt ngổn ngang ngoài phố đều được anh thu lượm, chọn lọc cẩn thận để rồi biến những thứ đồ bỏ ấy thành “công cụ” giúp anh “kể chuyện”. Anh nói: “Mỗi tác phẩm là một câu chuyện, tôi muốn mọi người hãy có cái nhìn khác về những thứ mà họ đã bỏ đi, bởi ngay cả khi đã bị vứt bỏ thì nó vẫn có giá trị nào đó, nếu mình biết cách tận dụng nó. Bây giờ, người ta đã biết hạn chế túi ni lông, dùng lá chuối gói rau để giảm ô nhiễm môi trường thì tại sao nghệ thuật lại không góp phần thể hiện và truyền tải điều ấy?”.
“Từ chiếc xô đựng bê tông hỏng, chiếc lờ đánh cá cũ, cối đá vỡ hay cái chổi rách… mỗi thứ đều có “cuộc sống” và “câu chuyện” riêng của nó”. Tôi khai thác những giá trị ấy, để làm những tác phẩm, để kể những câu “chuyện quê” của mình. Bởi vậy mà người xem thấy những tác phẩm của tôi gần gũi như chính cuộc sống mà họ thường thấy, không có quy luật hay trường phái nào cả”. Họa sĩ Kù Kao Khải.
|
10 năm “Chuyện quê”
Tại liên hoan 10 năm điêu khắc Việt Nam - năm 2013, tác phẩm “Chuyện quê 1” của Kù Kao Khải đoạt giải Nhì (không có giải nhất). Đây là liên hoan điêu khắc lớn nhất cả nước. Tác phẩm còn đoạt thêm giải A trong các cuộc Triển lãm ở khu vực Đồng bằng sông Hồng, triển lãm toàn quốc và Giải Đinh Bộ Lĩnh tại Ninh Bình cùng vào năm 2013. Kể từ đó đến nay, đã hơn 100 câu “Chuyện quê” được anh kể qua những tác phẩm của mình.
“Chuyện quê 1” là câu chuyện về đôi vợ chồng ở vùng biển với nước da đen sạm đặc trưng của nắng, của gió và nụ cười vui sướng sau một mẻ cá đầy. Nụ cười của tình yêu gia đình vượt lên trên những khó khăn, thiếu thốn vật chất, nước ngọt và những khắc nghiệt của biển cả. Kể từ “Chuyện quê 1”, những chuyện quê tiếp theo của anh đã giúp anh khẳng định vững chắc phong cách “kể chuyện” của mình. Đồng thời, những câu chuyện quê mới cũng nối tiếp nhau vinh danh con đường nghệ thuật của người họa sĩ chân quê.
Năm 2014 là chuyện quê qua ký ức của người cha đã nuôi dưỡng ước mơ của anh. Ông là cựu chiến binh từng chiến đấu ở Quảng Trị, khi giải ngũ là thương binh hạng 1/4, đã kể lại những phần xương thịt của mình và đồng đội để lại nơi chiến trường khốc liệt ấy ra sao. Kù Kao Khải ấp ủ đề tài và đã thể hiện nó sau chuyến đi thực tế ở Cửa Việt và “Ký ức Quảng Trị” từ câu chuyện quê của cha anh đã ra đời. “Ký ức Quảng Trị” giản dị nhưng giàu sức biểu cảm đã chinh phục người xem. Tác phẩm đã đoạt giải A, trong triển lãm về đề tài cách mạng lực lượng vũ trang của khu vực Đồng bằng sông Hồng, tổ chức tại Nam Định năm 2014. Đồng thời tác phẩm này còn được giải A của Hội Mỹ thuật Việt Nam trao cho các khu vực trên toàn quốc.
Năm 2015, tác phẩm điêu khắc, sắp đặt Chuyện quê 10 của anh đoạt Huy chương Đồng tại Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam, tổ chức tại Hà Nội. Đó là bố cục nghệ thuật sắp đặt với hình tượng 4 người trong gia đình đi cấy từ cảm xúc qua thực tế ở quê hương Ninh Bình và hình ảnh trong câu thơ của nhà thơ Trần Đăng Khoa mà anh đã thuộc từ khi còn ngồi ghế nhà trường “Cua ngoi lên bờ mẹ em xuống cấy”.
Họa sĩ “giáo làng”
Là một họa sĩ trẻ có nhiều giải thưởng danh giá trong những năm gần đây, ít người nghĩ rằng Kù Kao Khải là là một ông giáo làng ngày ngày vẫn lên lớp dạy những đứa trẻ trường THCS Kim Tân (Kim Sơn, Ninh Bình).
Anh tâm sự, ngoài việc muốn truyền tình yêu hội họa, nghệ thuật, anh còn muốn truyền tải đến các em học sinh chính là kiến thức xã hội và kỹ năng sống. Chẳng hạn, một bức tranh về đề tài an toàn giao thông là điều xa lạ với các em nhỏ ở quê, các em không hiểu đèn xanh đèn đỏ thì cứ vẽ không đi hàng 2, hàng 3 là tuân thủ luật lệ giao thông. Vẽ cảnh đẹp đất nước, vẽ biển thì mình lồng ghép tình yêu biển đảo cho học sinh. Biết bảo vệ quê hương từ những hành động nhỏ nhất như không vứt rác bừa bãi, giữ gìn vệ sinh môi trường…
Thầy giáo Khải dạy học sinh vẽ nhưng không gò học sinh làm theo các mẫu. Thay vào đó, anh gợi ý và cùng thực hiện tác phẩm với các em học sinh. Được vẽ cùng với thầy khiến học sinh rất hạnh phúc và có cảm giác mình cũng đang sáng tác hội họa. Với cá nhân anh, cũng thông qua việc vẽ cùng học trò mà anh có thêm nhiều ý tưởng, nhiều sáng tạo cho những câu “chuyện quê” của mình.
Nghề giáo trong anh vẫn luôn thiêng liêng. Anh từ chối nhiều cơ hội làm việc tốt hơn ở thành phố để gắn bó với những đứa trẻ miền biển quê mình. Trở thành ông giáo làng cũng là cách để được bay nhảy trong nghệ thuật, trên chính miền biển mặn mòi Kim Sơn nơi anh sinh ra. Mỗi lần tới lớp, tiếp xúc với học trò, với những sự sáng tạo ngộ nghĩnh và thậm chí là những “ý tưởng điên rồ” của học trò, anh lại thấy mình thêm mới mẻ. “Bọn trẻ đang dạy tôi đấy chứ!”, Kù Kao Khải chia sẻ./.