Ổn định thị trường tài chính để kinh tế phát triển

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Công điện số 311/CĐ-TTg ngày 11/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp ổn định thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

 

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Công điện số 311/CĐ-TTg ngày 11/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp ổn định thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Trong đó yêu cầu Bộ Công an, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện tốt, hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp được giao nhằm chấn chỉnh và ổn định hoạt động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bảo đảm an toàn, hiệu quả, lành mạnh, minh bạch; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư theo đúng quy định pháp luật. Các cơ quan thông tấn báo chí tăng cường cung cấp thông tin kịp thời, chính thức, chính xác về tình hình hoạt động thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tình hình kinh tế vĩ mô; xử lý nghiêm các hành vi đưa thông tin không chính xác, gây tác động tiêu cực đến hoạt động của thị trường. Bộ Công an xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là các hành vi đưa tin thất thiệt không chính xác gây mất an ninh, an toàn thị trường.

Trái phiếu doanh nghiệp (ảnh minh họa, chinhphu.vn)

Đây là động thái mà các nhà đầu tư đang chờ đợi, bởi hàng loạt thông tin tiêu cực được tung ra sau khi cơ quan chức năng bắt những cá nhân vi phạm của Công ty cổ phần tập đoàn FLC và Tập đoàn Tân Hoàng Minh liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp, khiến thị trường chứng khoán chao đảo.

Thị trường chứng khoán dễ chao đảo bởi những thông tin tiêu cực

Hai phiên trước kỳ nghỉ lễ, thị trường liên tục giảm điểm, đa số cổ phiếu đỏ rực khiến các nhà đầu tư cá nhân hoang mang. Việc bắt giữ các cá nhân vi phạm là rất cần thiết để trả lại tính minh bạch, công bằng cho thị trường, nhưng cùng với việc bắt giữ và xử lý, cũng cần có những giải pháp nghiệp vụ để ổn định thị trường, đặc biệt là ổn định tâm lý nhà đầu tư để hạn chế tình trạng bán tháo cổ phiếu khiến thị trường khó phục hồi. Thông tin đầy đủ, chính xác về hoạt động sản xuất kinh doanh và tăng trưởng của các doanh nghiệp trên sàn sẽ giúp nhà đầu tư có cái nhìn chính xác trong quyết định đầu tư, tránh mất tiền oan.

Trái phiếu - kênh huy động vốn hiệu quả và hợp pháp của doanh nghiệp

Thời gian gần đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có sức hút rất lớn khi quy mô thị trường cuối năm 2020 đạt khoảng gần 16% GDP. Trong giai đoạn 2016-2020, tổng khối lượng phát hành khoảng 1.224 nghìn tỷ đồng, gấp khoảng 9 lần giai đoạn 2011-2015. Tuy nhiên, sự tăng trường quá nóng của thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bởi vậy, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, và đề xuất một số chính sách bảo vệ nhà đầu tư cá nhân như: Thu hẹp quy định về mục đích phát hành trái phiếu nhằm hạn chế việc chuyển nhượng vốn lòng vòng, gây thiếu minh bạch và khó khăn cho nhà đầu tư khi đánh giá rủi ro của trái phiếu và doanh nghiệp phát hành; quy định rõ loại trái phiếu nhà đầu tư cá nhân được mua và giao dịch...

Cần nhiều giải pháp để giảm thiểu rủi ro

Khi những giải pháp lành mạnh thị trường được triển khai đồng bộ, nhà đầu tư cá nhân có thể yên tâm hơn, góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế đang có những dấu hiệu phục hồi tích cực./.

 

Ảnh minh họa: khai thác internet

 

Bình luận

    Chưa có bình luận