Nhà ở cho người thu nhập thấp vẫn là ước mơ xa vời

Theo báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng, giá nhà đất ở nhiều khu vực đều có xu hướng tăng với tỷ lệ bình quân khoảng 3% so với cuối 2021.

 

Theo báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng, giá nhà đất ở nhiều khu vực đều có xu hướng tăng với tỷ lệ bình quân khoảng 3% so với cuối 2021. Còn theo khảo sát thực tế, các đô thị lớn hầu như không còn căn hộ và đất ở với mức giá dưới 25 triệu đồng/m2, nếu có thì chỉ còn rất ít ở khu vực ven đô, xa trung tâm. Cụ thể, tại Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM), nếu như năm 2016, căn hộ hạng C (bình dân) chỉ 18 triệu đồng/m2 thì nay căn hộ tương đương giá đã xấp xỉ 50 triệu đồng/m2. Savills Việt Nam cũng xác nhận, các căn hộ, dự án hạng C ở TPHCM đều đã có giá bán lên đến 56,5 triệu đồng một m2, tăng 27% theo năm. Còn ở Hà Nội, ngay cả các khu đất tái định cư xa trung tâm (ví dụ như Sơn Tây, cách trung tâm khoảng 40km) cũng đã có giá 14 - 16 triệu đồng/m2 ở nơi hạ tầng đường xá mới nằm trong quy hoạch, còn khu vực đã có hạ tầng thì giá không dưới 20 triệu đồng/m2.

Không còn quỹ căn hộ dưới 25 triệu đồng/m2 ở các thành phố lớn

Và cũng như những lần sốt đất trước, nơi thừa vẫn thừa, nơi thiếu vẫn thiếu. Trong khi các dự án nhà ở hoặc khu đất có giá mềm ở đô thị vẫn khan hàng thì cũng tại những đô thị này phân khúc cao cấp, giá tiền lớn lại thanh khoản không cao. Nguyên nhân do doanh nghiệp quá tập trung đầu tư vào phân khúc cao cấp như trước đây với khoảng 70% số lượng dự án. Nhưng thời điểm này còn thêm một lý do khác là giá nhà đất đang bị “neo” ở mức cao hơn rất nhiều so với trước 2020. Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho biết các dự án căn hộ mới chào bán cao hơn ngưỡng giá chung cư cao cấp theo tiêu chuẩn cũ (40 triệu đồng/m2), nên giá phân khúc cao cấp cũng bị đẩy lên tương ứng nên không còn phù hợp cho đầu tư cũng như sinh sống.

Giá bất động sản tăng ở mọi phân khúc

Giá bất động sản tăng quá mạnh trong khi thu nhập thực tế không tăng, thậm chí còn giảm sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, khiến cho người có nhu cầu nhà ở thực sự, người lao động muốn an cư để lạc nghiệp phải hoang mang. Khi cung không đủ cầu thì việc giá tăng là tất yếu, bởi nguồn cung nhà mới ở TPHCM và nhiều địa phương đang giảm và mất cân đối về cơ cấu. Do đó, chỉ số giá nhà ở của Việt Nam đang cao hơn gấp hơn 20 lần so với thu nhập trung bình của xã hội, làm cho người có nhu cầu thực sự khó tạo lập được nhà ở (Ở các nước phát triển, chỉ số giá nhà chỉ cao gấp 6 - 7 lần thu nhập).

Chỉ số giá nhà ở Việt Nam đang cao gấp hơn 20 lần so với thu nhập trung bình của xã hội

Theo HoREA, để kéo giảm giá nhà cần gỡ vướng pháp lý để khơi thông nguồn cung càng sớm càng tốt. Trước hết là tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho hàng chục nghìn căn hộ thuộc các dự án quy mô lớn bị đình trệ nhiều năm, bao gồm nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà tái định cư. Hiện tại, trung bình thời gian hoàn thiện thủ tục pháp lý để dự án đủ điều kiện bán ra thị trường phải mất 5 năm, thậm chí lâu hơn, dẫn tới các loại chi phí bị đội lên và doanh nghiệp không thể duy trì được mức giá ban đầu.

Cần hoàn thiện chính sách hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu của những người có thu nhập trung bình và thấp. Chính sách quy hoạch, chính sách tiền tệ cần công  khai, minh bạch, linh hoạt, tránh tình trạng thông tin nhiễu loạn khiến giá đất, giá nhà bị đẩy lên quá cao./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận