Chặn đà tăng giá của bất động sản: cách nào?

Theo đánh giá chính thức của Bộ Xây dựng, trong quý I/2022, giá giao dịch bất động sản bình quân toàn thị trường đều trong xu hướng tăng.

 

Mặc dù đã có quan điểm khẳng định rằng: dòng tiền chảy vào bất động sản là dòng tiền “lười” và “tham”, rằng sốt giá bất động sản chủ yếu là “cò” bán cho “cò”, rằng không có chuyện bất động sản sốt giá..v..v..thì giá bất động sản ở hầu hết các địa phương (nếu không muốn nói là tất cả) vẫn cứ tăng chóng mặt. Theo khảo sát của Admin Diễn đàn người mua nhà trên mạng xã hội Facebook, nhiều "điểm nóng" đã tăng giá từ gấp 3 đến gấp 10 lần chỉ trong vòng một năm qua như “Măng Đen, trước chỉ 5-6 tỷ đồng/biệt thự trên nền 1000 m2, giờ nhiều căn đã ở mức 18-20 tỷ và chưa có dấu hiệu dừng lại. Khu The Phonenix Garden - Đan Phượng, Hà Nội thời điểm tháng 7-8.2021 giá đang là 28 triệu đồng/m2, nay đã 65 triệu đồng/m2. Mê Linh nhiều chỗ năm trước giá còn 18-20 triệu nay đang rao bán 35-40 triệu đồng/m2. Khu vực Đông Triều, Quảng Ninh, thời điểm tháng 7.2021 giá 200-300 triệu đồng/nền 200-300 m2 nay đã x10, khoảng 2-3 tỷ đồng”. Tương tự, giá đất ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh đang từ 15 triệu đồng/m2 tăng lên mức 60 triệu đồng/m2…

Giá mọi phân khúc bất động sản đều tăng

Còn theo đánh giá chính thức của Bộ Xây dựng, trong quý I, giá giao dịch bất động sản bình quân toàn thị trường đều trong xu hướng tăng. Đây là kết quả khảo sát, thu thập dữ liệu biến động giá bán một số loại bất động sản trong tháng 3 và quý I tại 8 địa phương (Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hoà, Bà Rịa - Vũng Tàu). Tại Hà Nội, tháng 3.2022, giá căn hộ chung cư tăng 1,53%, nhà ở riêng lẻ tăng 2,24%, đất nền cho xây dựng nhà ở tăng 2,85%. Tại TP HCM, giá căn hộ chung cư tăng 2,48%, nhà riêng lẻ tăng 2% và đất nền tăng 3,6%.

Việc đất Thủ Thiêm bị đấu với giá quá cao rồi bị bỏ cọc cũng được coi là một nguyên nhân khiến thị trường bất ổn

Cơn sốt bất động sản lan rộng trên toàn bộ thị trường chưa hề có dấu hiệu dừng lại và thực tế mang đến nhiều hệ lụy như: gây khó khăn cho người có nhu cầu nhà ở thực sự, làm mất giá trị đồng tiền, gây thiệt hại kép cho những người có tiền nhàn rỗi không tham gia đầu tư, cũng như tạo ra nhiều vấn đề bất ổn về kinh tế xã hội khác. Đây là điều ai cũng nhìn thấy nhưng chưa có giải pháp tháo gỡ, bởi lẽ, khi đầu tư bất động sản đem lại lợi nhuận cao thì nếu không có phương án mang lại lợi nhuận tương xứng, người dân vẫn mang tiền đổ vào bất động sản. Thêm vào đó, nếu chỉ siết dòng tiền cho vay để đầu tư kinh doanh bất động sản dự án, mà không siết dòng tiền từ ngân hàng chảy vào bất động sản thông qua các kênh cho vay khác - ví dụ như cho vay tiêu dùng - thì chỉ làm khó cho doanh nghiệp đầu tư bất động sản chứ không có tác dụng làm giảm nhiệt “cơn sốt” bất động sản có một số yếu tố ảo hiện nay.

Kiểm soát dòng tiền vào BĐS cần những định hướng hợp lý

Nhiều người vẫn nói câu “người đẻ, đất không đẻ” để biện minh cho việc tham gia quá trình sốt đất. Câu nói đó không sai, nhưng rõ ràng sẽ không ai đi mua một mảnh ruộng chỉ để khoe "tôi có đất" nếu như không có những thông tin kỳ vọng về cơ hội phát triển của vùng đất đó. Do đó, nếu có được sự minh bạch thực sự trong quy hoạch, chuyên nghiệp trong công tác quản lý và linh hoạt hơn trong điều phối dòng vốn thì sự tăng trưởng của thị trường bất động sản sẽ tác động tích cực đến nền kinh tế, chứ không chỉ là dẫn dắt "toàn dân đi buôn đất" như hiện nay./.

 

Ảnh: khai thác internet

 

Bình luận

    Chưa có bình luận