Những động thái quyết liệt của cơ quan quản lý Nhà nước để đảm bảo sự lành mạnh của thị trường đã có tác động đến thị trường chứng khoán. Ở hướng tích cực, các cổ phiếu không có nền tảng phát triển, giá cả bị đẩy lên do tác động của các “cá mập” trong “làng” chứng khoán - thường được gọi là “cổ phiếu hàng lái” - đã dần dần được đưa về đúng giá trị thực. Nhưng ở chiều ngược lại, thị trường đã bị tác động nặng nề, khiến nhà đầu tư hoang mang, e ngại. Đó là chưa kể những ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài như biến động của thị trường chứng khoán Mỹ sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ quyết định điều chỉnh lãi suất… Tất cả dẫn đến hậu quả là thị trường liên tục giảm điểm và phiên đầu tuần sàn TP.HCM đã mất gần 60 điểm với 221 mã giảm hết biên độ, về mốc điểm thấp nhất trong vòng gần 1 năm qua. Ngay cả nhóm 30 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường cũng có 13/30 mã giảm sàn và chỉ số VN30-Index mất tới 59,17 điểm. Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index cũng mất 20 điểm. Toàn thị trường có tới 973 mã giảm giá, trong đó có 357 mã giảm sàn, và chỉ có 120 cổ phiếu tăng giá với biên độ không lớn.
Nhiều nhà đầu tư cá nhân dù đã thấy tấm gương nhãn tiền từ việc mua cổ phiếu không có thực lực, “lướt sóng”… khiến tài khoản bị thâm hụt nhanh chóng, nhưng vẫn tự tin cho rằng mình đủ nhanh nhạy để kịp trở tay trước khi thị trường hoặc cổ phiếu đang “nắm giữ” có biến. Thế nhưng, thực tế thị trường chứng khoán trên khắp thế giới cho thấy, dù nhanh nhạy đến đâu, các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ cũng khó lòng thắng được lực hút của “ngài thị trường”, do đó trở tay không kịp trước biến động.
Sự hốt hoảng, vội vàng của nhiều nhà đầu tư cá nhân là yếu tố khiến thị trường giảm điểm và cổ phiếu bị bán giá sàn chiếm tới 1/3 số cổ phiếu giao dịch trên thị trường phiên ngày 9/5/2022. Nhiều nhà đầu tư cá nhân đặt lệnh bán khi giá giảm, dẫn tới lệnh bán ồ ạt trong khi lệnh mua ít, kéo giá cổ phiếu lao dốc không phanh. Giá càng giảm thì lượng mua càng ít, và khi thị trường không còn khả năng hấp thụ lượng lớn cổ phiếu đặt bán thì trắng bên mua là điều tất yếu.
Biến động tiêu cực của thị trường chứng khoán không phải là mong muốn của cơ quan quản lý khi thanh lọc thị trường. Nhưng cơ quan quản lý cũng không thể can thiệp vào hoạt động mua bán khi vẫn đang vận hành đúng pháp luật và đúng quy luật. Do vậy, điều quan trọng nhất chính là thái độ của nhà đầu tư, cần bình tĩnh theo dõi thị trường, cân nhắc kỹ trước khi ra quyết định mua bán để tránh thiệt hại. Tỷ phú Warren Buffet từng có câu nói nổi tiếng: “Hãy tham lam khi người khác sợ hãi, và sợ hãi khi người khác tham lam”. Đó là câu nói thích hợp với các nhà đầu tư cá nhân trong hoàn cảnh hiện tại./.