Khi chứng khoán làm nóng nghị trường

Chủ tịch Quốc hội đánh giá thị trường chứng khoán 'sáng nắng, chiều mưa', "quá bất thường', 'Thị trường không ngày nào ổn định như thế, có yên tâm được không?"

 

Tại phiên làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội - nêu thực trạng: "Một số cổ phiếu, nhóm cổ phiếu có biến động giá bất thường, không gắn với kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, gây tổn thất trực tiếp cho nhà đầu tư và ảnh hưởng tiêu cực đến tính ổn định và minh bạch của thị trường chứng khoán". Chứng khoán, cùng với trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản được Ủy ban Kinh tế đánh giá là nhiều rủi ro, không bền vững, thiếu ổn định...

Năm 2021, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành là hơn 637.000 tỷ đồng, tăng trên 36% so với 2020, với 95% phát hành riêng lẻ. Tỷ lệ trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo hoặc bảo đảm bằng tài sản rủi ro cao còn lớn nên ảnh hưởng tới sự an toàn của thị trường. Các ngân hàng cũng đẩy nhanh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp với tổng số dư khoảng 326.500 tỷ đồng. Gần một nửa tổng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của hệ thống ngân hàng đổ vào xây dựng, bất động sản, tương đương 160.600 tỷ đồng. Theo Ủy ban Kinh tế, lượng trái phiếu đáo hạn trong năm nay là 145.500 tỷ đồng và đến thời điểm này khả năng trả nợ của các doanh nghiệp chưa được làm rõ.

Trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều bất ổn

Trong phát biểu khai mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng lưu ý các đại biểu Quốc hội về những bất ổn của thị trường tài chính, tiền tệ, chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp... cần đánh giá đúng những bất cập, yếu kém và chỉ rõ khó khăn để có giải pháp xử lý. Còn tại cuộc họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội vào nửa đầu tháng 5, Chủ tịch Quốc hội đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam là “sáng nắng, chiều mưa”, là "quá bất thường” cùng câu hỏi: “Thị trường không ngày nào ổn định như thế, có yên tâm được không?". Câu hỏi của Chủ tịch Quốc hội cũng là tâm tư của gần 2 triệu nhà đầu tư cá nhân mở mới tài khoản chứng khoán từ đầu năm 2021 đến nay, bởi suốt gần một tháng qua, thị trường chứng khoán rơi vào tình trạng sáng xanh chiều đỏ, sáng được chiều mất, «sáng tím (tăng trần) chiều lơ (giảm sàn)». Với những biến động như vậy, liệu các nhà đầu tư cá nhân có còn yên tâm khi đầu tư vào chứng khoán? Vốn không được đưa vào chứng khoán để đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thì sẽ đổ vào đâu? Liệu có kiểm soát được không?

Nhà đầu tư cá nhân đau đầu trước biến động thị trườngCùng với đó, chính các nhà đầu tư cá nhân cũng tác động đến biến động thị trường khi nhiều nhà đầu tư còn thiếu kiến thức về tài chính, chứng khoán, kinh tế, đa số đầu tư theo đám đông.

Để phòng, chống tội phạm thao túng thị trường chứng khoán, bất động sản, vừa rồi chúng ta đã xử lý nhiều cá nhân liên quan tại một số doanh nghiệp cũng như Ủy ban chứng khoán Nhà nước. Sắp tới Chính phủ đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản... để thị trường phát triển lành mạnh, để nhà đầu tư không còn lo ngại cảnh «sáng nắng chiều mưa»./.

Nguồn ảnh: internet

 

Bình luận

    Chưa có bình luận