Kể từ cuối tháng 4/2022 đến nay, biến động của thị trường chứng khoán Việt Nam trở thành «ác mộng» với nhiều nhà đầu tư, đặc biệt các nhà đầu tư cá nhân, khi VN-Index liên tục sụt giảm, có thời điểm trong phiên sáng ngày 17/5 đã xuống tới mức 1.148 điểm, mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, đến buổi chiều, thị trường đảo chiều, hưng phấn trở lại với việc VN-Index tăng 56,42 điểm, lên mức 1.228,37 điểm và có 450 cổ phiếu tăng giá, trong đó 151 cổ phiếu tăng kịch trần, chỉ 58 cổ phiếu giảm giá với 2 cổ phiếu giảm sàn và 22 cổ phiếu duy trì mức tham chiếu. HNX-Index cũng tăng 8,39 điểm với 202 cổ phiếu tăng và 38 cổ phiếu giảm, trong đó có 51 cổ phiếu tăng trần và 4 cổ phiếu giảm sàn. Mặc dù vậy, nhiều nhà đầu tư cá nhân đánh giá, thị trường chứng khoán phải tăng điểm thêm nhiều phiên nữa thì tài khoản đầu tư của họ mới có thể hồi phục.
Tất nhiên đã đầu tư, cho dù vào sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hay đầu tư chứng khoán, bất động sản, vàng, kể cả gửi tiết kiệm ở ngân hàng, nhà đầu tư đều phải chấp nhận có biến cố xảy ra. Bởi vậy, việc bắt giữ những cá nhân làm ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp…như Trịnh Văn Quyết, Đỗ Anh Dũng, Đỗ Thành Nhân.v.v. và gây tác động không mong muốn khiến thị trường và một số ngành hàng, cổ phiếu liên quan giảm điểm đều được các nhà đầu tư chấp nhận như một hệ quả tất yếu. Kể cả việc thị trường chứng khoán liên tục giảm điểm cũng được coi là kết quả của quá trình thanh lọc, đưa các cổ phiếu trở về giá trị thực. Thế nhưng, khi đã triển khai ổn định quá trình thanh lọc thị trường tài chính, đã ít những vụ bắt giữ liên quan đến chứng khoán, giá cổ phiếu cũng đã giảm khá sâu - kể cả những mã được đánh giá tốt - mà thị trường vẫn lao dốc thì nhà đầu tư không tránh khỏi sự hoang mang. Nhất là trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi khá nhanh chóng và gói hỗ trợ, kích thích tăng trưởng dù có độ trễ nhất định vẫn đang triển khai trên nhiều phương diện. Đã có không ít nhà đầu tư cá nhân mất lòng tin, quyết định «nhảy khỏi tàu», đứng ngoài xem bởi e ngại thị trường có thể lao về mốc 1100, 1000, thậm chí 800 điểm như năm 2008.
Để vực dậy lòng tin của nhà đầu tư, không gì bằng phát huy sự minh bạch vốn có của thị trường chứng khoán, với các thông tin rõ ràng, đầy đủ của các cơ quan quản lý Nhà nước về việc xử lý sai phạm, về điều kiện phát triển của các doanh nghiệp tham gia thị trường. Thị trường chứng khoán được coi là hàn thử biểu của nền kinh tế. Khi thị trường giảm điểm mạnh cần phải xem lại bức tranh tăng trưởng./.
Chiều ngày 18/5/2022, Bộ Tài chính phát đi thông cáo báo chí về phương án sắp xếp, bổ sung nhân sự để thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam hoạt động ổn định. Thông cáo báo chí nêu rõ: "Chiều ngày 18/5, Ủy ban Kiểm tra Trung ương có thông báo chính thức các hình thức kỷ luật đối với tập thể và các cá nhân là nguyên lãnh đạo, lãnh đạo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), Sở GDCK Việt Nam (VNX), Sở GDCK TP. Hồ Chí Minh (HOSE) và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD).
Ngay sau khi có kết luận kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đối với Đảng ủy cơ quan UBCKNN nhiệm kỳ 2015 - 2020, Bộ Tài chính đã chỉ đạo UBCKNN, các Sở GDCK, Trung tâm Lưu ký chứng khoán và các đơn vị có liên quan kiểm điểm và triển khai các biện pháp khắc phục những vi phạm và khuyết điểm. Những sai phạm của các cá nhân sẽ không ảnh hưởng tới hoạt động của UBCKNN, các Sở GDCK, Trung tâm Lưu ký chứng khoán và thị trường chứng khoán. Bộ Tài chính đảm bảo hoạt động quản lý nhà nước về lĩnh vực chứng khoán và vận hành TTCK liên tục, ổn định, an toàn; đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đang tham gia trên TTCK Việt Nam theo đúng quy định của pháp luật.
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tăng cường năng lực toàn diện và kiện toàn tổ chức, bố trí cán bộ chủ chốt đáp ứng được yêu cầu về năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức cho Ủy ban chứng khoán Nhà nước, các Sở GDCK, Trung tâm Lưu ký chứng khoán, đảm bảo công tác quản lý, giám sát TTCK thường xuyên, liên tục và có hiệu quả. Đồng thời, Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo UBCKNN và các đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện các giải pháp về: hoàn thiện khung khổ pháp lý, thực hiện tái cấu trúc thị trường, nâng cao chất lượng hoạt động của các định chế trung gian, phát triển hệ thống nhà đầu tư chuyên nghiệp và nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát của UBCKNN và các Sở GDCK, Trung tâm Lưu ký chứng khoán để phát triển thị trường chứng khoán bền vững, minh bạch, trở thành kênh dẫn vốn trung, dài hạn chủ yếu cho nền kinh tế, là kênh đầu tư dài hạn, an toàn, công bằng cho nhà đầu tư.
Với nền tảng kinh tế vĩ mô được củng cố, các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ đang phát huy được hiệu quả, sự phục hồi và năng động của các doanh nghiệp, Bộ Tài chính tin tưởng TTCKVN tiếp tục phát triển ổn định, bền vững trong thời gian tới./."
|
Ảnh: internet