Lạm phát toàn cầu lan mạnh trên toàn thế giới do ảnh hưởng kép từ hậu đại dịch Covid-19 và căng thẳng Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu suy giảm đang tác động mạnh đến mục tiêu kiềm chế lạm phát của Việt Nam.
Theo Economist, lạm phát trung bình của các nước giàu đã vượt 9%, trở thành con số chưa từng có kể từ thập niên 80, cao hơn dự báo của các nhà kinh tế, gây thiệt hại nặng nề cho thị trường tài chính và các nền kinh tế. Cục Dự trữ liên bang Mỹ Fed đã 3 lần tăng lãi suất với lần gần nhất là tăng 0,75 điểm phần trăm, khiến giá USD tăng mạnh so với nhiều đồng tiền trên thế giới (trong đó có cả VND) và buộc các ngân hàng trung ương cũng phải tính đến chuyện tăng lãi suất. Mặc dù Fed mới đây đã đưa ra dự báo đầy tính lạc quan rằng dự kiến lạm phát của nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ giảm từ 5,2% cuối năm nay xuống 2,6% cuối năm tới, nhưng theo các chuyên gia kinh tế, chưa có cơ sở gì để vững tin vào điều đó. Nhất là trong bối cảnh giá xăng dầu biến động mạnh và nguy cơ mất an ninh lương thực ở nhiều nước trên thế giới gia tăng.
Dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, chiến tranh, chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy là những tác nhân đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức dưới 4% của Việt Nam. 5 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng CPI đã tăng 2,86% và tháng 6 vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Trong số đó, cần quan tâm nhất là tỷ giá giữa VND và USD đang phải chịu sức ép rất lớn khi Fed tăng lãi suất đẩy giá USD tăng mạnh. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định chưa đến thời điểm Việt Nam phải điều chỉnh tỷ giá, nhưng việc giá USD tăng trên thị trường thế giới cũng gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động nhập khẩu của Việt Nam, nhất là khi nền sản xuất của nước ta phụ thuộc khá nhiều vào nguyên - nhiên - vật liệu nhập khẩu. Để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định tỷ giá, Ngân hàng Nhả nước tiếp tục đẩy mạnh hoạt động bán ngoại tệ, đồng thời phát hành tín phiếu trên thị trường mở sau hơn hai năm ngừng hoạt động này.
Sau phiên thăm dò đầu tiên chỉ với 200 tỷ đồng hút về với lãi suất 0,3%, quy mô ở kênh điều tiết này nhanh chóng gia tăng cấp độ. Tổng lượng tiền hút ròng trong tuần trước qua kênh tín phiếu đạt gần 70.000 tỷ đồng, với kỳ hạn 7 ngày và lãi suất bình quân 0,7%. Ngân hàng Nhà nước không ấn định lãi suất phát hành như những lần trước đó mà sử dụng hình thức đấu thầu lãi suất. Thanh khoản dư thừa trong hệ thống khiến lãi suất phát hành chỉ ở mức 0,7%, thấp hơn so với lãi suất kỳ hạn 1 tuần trên thị trường liên ngân hàng. Tính chung trong tuần, Ngân hàng Nhà nước hút ròng tổng cộng 70.200 tỷ đồng thông qua hoạt động thị trường mở. Đồng thời, biến động của tỷ giá vẫn nằm trong mục tiêu kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước, với biên độ 2-3%.
Tuy nhiên, với biến động của thị trường thế giới hiện tại, mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% vẫn khó khả thi, nên vẫn cần nhiều giải pháp đồng bộ về tài chính, tiền tệ và hỗ trợ doanh nghiệp./.