Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, định hướng “độc lập, tự chủ gắn với hội nhập” xuất phát từ tư tưởng xuyên suốt của Đảng ta về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Theo Thủ tướng, chúng ta phải lấy lợi ích quốc gia dân tộc là mục tiêu cao nhất gắn với kết nối hoà bình, hợp tác, phát triển trong khu vực, thế giới; thể hiện rõ vai trò là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế và dựa trên cơ sở 3 trụ cột là: Xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. “Việt Nam không hy sinh công bằng, an sinh xã hội, môi trường lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần”.
Khái niệm nền kinh tế độc lập, tự chủ bao hàm rất nhiều giá trị. Trong đó xác định rõ, con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực của sự phát triển; Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; Kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa các yếu tố nền tảng là con người, tài nguyên thiên nhiên và truyền thống lịch sử, văn hoá. Thủ tướng xác định rõ: “Tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện các đột phá chiến lược về thể chế, nguồn nhân lực và hệ thống kết cấu hạ tầng. Tập trung hoàn thiện thể chế phát triển, cơ cấu lại nền kinh tế và phát triển doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Nâng cao khả năng chống chịu và sức cạnh tranh của nền kinh tế, của các ngành, lĩnh vực, của doanh nghiệp và của sản phẩm”.
Để có thể thực hiện khát vọng tự chủ, Việt Nam cần có cơ cấu kinh tế hợp lý, hiệu quả và bảo đảm độ an toàn cần thiết; nền kinh tế phát triển bền vững và có năng lực cạnh tranh cao. Cần hài hòa giữa quyền lợi và trách nhiệm của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài FDI - cấu phần quan trọng của nền kinh tế. Hiện nay, khu vực FDI đóng góp tới 20,13% GRDP, chiếm 72% tổng giá trị xuất khẩu, khoảng 50% sản lượng công nghiệp. Tuy nhiên, hiệu ứng lan tỏa đến nền kinh tế trong nước còn thấp. Do đó, bên cạnh những chính sách phù hợp để thu hút đầu tư, chúng ta cần có những điều kiện ràng buộc để doanh nghiệp FDI chủ động hợp tác và chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp Việt Nam, chứ không chỉ làm giàu ở Việt Nam và mang lợi nhuận ra bên ngoài như cách một số doanh nghiệp đang làm hiện nay.
Chất lượng nguồn nhân lực cũng là yếu tố tiên quyết để có nền kinh tế độc lập, tự chủ. Theo Bộ LĐTB&XH, thị trường lao động Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc cả về quy mô và chất lượng, từng bước hiện đại, đầy đủ và hội nhập quốc tế. Quy mô lên tới trên 51,6 triệu người, trong đó tỉ lệ lao động qua đào tạo tăng qua từng năm, tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 26,2%. Tỉ lệ thất nghiệp chung của cả nước luôn dao động trong khoảng 2,2-2,3%. Tuy nhiên, thị trường lao động nước ta còn chưa phát triển kịp với tốc độ và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tính thích ứng, chủ động, linh hoạt kém.
Đại dịch Covid-19 hơn 2 năm qua hé lộ những điểm yếu của nền kinh tế như phụ thuộc nhiều vào thị trường bên ngoài, phân bố lao động chưa hợp lý... Đó là những điểm yếu cần khắc phục để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ./.