Giá bán lẻ cao vô lý làm giảm sức mua

Từ sau tết Quý Mão 2023 đến nay, giá lợn hơi từ 75.000 - 80.000đ/kg chỉ còn 48.000-49.000đ/kg, giảm đến 35 - 37%.

 

Từ sau tết Quý Mão 2023 đến nay, giá lợn hơi từ 75.000-80.000đ/kg chỉ còn 48.000-49.000đ/kg, giảm đến 35-37%. Trước xu hướng giảm giá của thịt lợn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và các địa phương đang có những chỉ đạo nhằm từng bước nâng giá bán cho người chăn nuôi đỡ thiệt thòi, khi mà giá thành chăn nuôi nhỏ lẻ là 57.000-58.000đ/kg lợn hơi, cứ bán 1 con lợn thì bị lỗ xấp xỉ 1 triệu đồng. Trong giai đoạn hiện nay sức mua thịt lợn và các mặt hàng tiêu dùng khác đều có xu hướng suy giảm 20-30% so với trước thì giá lợn lẻ ở các chợ dân sinh cũng đã giảm nhanh. Lấy một ví dụ 1kg về loại thịt điển hình trên thị trường đó là: thịt ba chỉ rút xương giá cũ ở các chợ là 150.000- 160.000đ/kg nay hạ xuống chỉ còn 120.000-130.000/kg. Chợ dân sinh giảm nhanh và kịp thời như vậy, nhưng ở kênh phân phối lớn như siêu thị, trung tâm thương mại, công ty lớn chuyên về giết mổ và phân phối thịt lợn, một mặt các doanh nghiệp này vừa chậm giảm giá, vừa khuyến mại giá thịt chỉ trong một thời gian ngắn. Chênh lệch giảm giá, khuyến mại của hệ thống phân phối lớn nói trên, bình quân từ 65.000-120.000đ/kg thịt ba chỉ rút xương. Như vậy, giá bán thịt lợn ở kênh phân phối lớn nhiều năm nay vẫn cao hơn ở các chợ dân sinh từ 40-60%. Rõ ràng nếu trừ đi yếu tố chi phí lưu thông cao ở siêu thị và thuế VAT thì giá bán lẻ khá nhiều mặt hàng ở kênh này vẫn cao hơn kênh truyền thống, điều này ngược với giá bán lẻ hàng hóa ở nước ngoài là: siêu thị hầu hết có giá thấp hơn ở chợ dân sinh bởi sức mạnh về vốn, thương hiệu, chuỗi phân phối lớn. Với mức khuyến mại giảm giá cả trăm nghìn đồng một cân thịt lợn thì trong thời gian trước giảm giá họ đã kiếm lời rất lớn.

Các hệ thống phân phối lớn cần trở thành chỗ dựa cho nhà nông và người tiêu dùng

Mặc dù tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng xã hội năm 2022 tăng trưởng trên 10% , song so với bình quân về bán lẻ những năm trước đại dịch thì quy mô bán lẻ năm 2022 mới đạt trên 80% của thời kì những năm trước đại dịch, đây là điều đáng lo ngại trong năm kế hoạch 2023. Ngoài nguyên nhân tác động làm giảm sức mua do giá cao vô lí của kênh phân phối lớn như đã nêu ở phần trên cộng thêm các chi phí trung gian, chi phí nhập hàng cho kênh phân phối lớn và các chi phí khác trong quá trình lưu thông hàng hóa, … Tình hình trên bắt buộc chúng ta phải có những giải pháp để tăng doanh số, kích thích sức mua xã hội từ nay đến cuối năm. Những giải pháp cần phải thực hiện bao gồm: Tiếp tục thúc đẩy sản xuất với số lượng và chất lượng ngày càng cao đạt các tiêu chuẩn quy định khi nhập vào các kênh phân phối để tiêu thụ; Tổ chức tốt hệ thống phân phối quốc gia, thiết lập sớm các chuỗi cung ứng ngắn đi thẳng từ sản xuất đến bán lẻ, giảm trung gian, chi phí không cần thiết, xây dựng các tập đoàn bán lẻ có tính chia sẻ với nhà cung ứng, các hợp tác xã, nông dân có hàng hóa nông sản đưa vào các kênh phân phối; Kiểm soát thị trường, chống đầu cơ, tăng giá và bán giá quá bất hợp lý so với thực tế từng thời kì, nhất là các hàng hóa thiết yếu trên tinh thần “rủi ro chia sẻ, lợi nhuận hài hòa” mà Chính phủ đã chỉ đạo./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận