Cách đây ít lâu, nhân dịp một doanh nghiệp mở bán nhà ở xã hội tại Hà Nội, dư luận lại xôn xao trước cảnh hàng đoàn xe ô tô xếp hàng để mua nhà ở xã hội, với những ý kiến đầy bức xúc, tựu chung là “đã giàu còn tranh mua nhà ở xã hội của người nghèo!”. Cảnh đó không có gì mới, bởi ngay từ lần bán nhà ở xã hội đầu tiên, dù điểm đăng ký mua ở tận Xuân Mai, cách trung tâm thành phố khoảng 45km, lượng xe ô tô cá nhân về xếp hàng mua nhà ở xã hội vẫn kéo dài hàng vài trăm mét. Cần lưu ý, thời điểm đó, nếu so với giá nhà ở xã hội khoảng 7 - 8 triệu đồng/m2 thì 1 chiếc ô tô giá trung bình đã bằng gần 2 căn nhà ở xã hội.
Đó chính là một trong những lý do khiến người có nhu cầu nhà ở thực sự, người lao động, người nghèo ở đô thị không thể hiện thực hóa giấc mơ an cư. Mặc dù theo quy định của Luật Nhà ở 2014, Nhà nước sẽ hỗ trợ cho các dự án nhà ở xã hội, người mua nhà sẽ được hưởng mức giá ưu đãi hơn so với những căn hộ thuộc diện thương mại.
Để được mua nhà ở xã hội phải thỏa mãn 02 điều kiện: Trước hết là đáp ứng các quy định về đối tượng theo Điều 49 Luật Nhà ở 2014. Nhưng quan trọng hơn là các điều kiện về nhà ở (chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, chưa được mua, thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở hoặc diện tích nhà ở bình quân đầu người trong hộ gia đình thấp hơn mức diện tích nhà ở tối thiểu do Chính phủ quy định); điều kiện về cư trú và nhất là điều kiện về thu nhập: phải thuộc diện không nộp thuế thu nhập thường xuyên trừ trường hợp người có công, người trả lại nhà công vụ hoặc bị thu hồi, giải tỏa…
Không thể chỉ nhìn vào việc người mua nhà có ô tô để đánh giá chính sách đang bị trục lợi, bóp méo. Nhưng thực tế nhà ở xã hội vẫn được mua bán, trao tay tràn lan trên thị trường, ngay cả khi nhà nước thắt chặt các quy định về thời hạn sang nhượng đối với nhà ở xã hội, việc mua bán còn lén lút, chui nhủi, thì có thể thấy không phải tất cả những người mua nhà ở xã hội đã thực sự là đối tượng phù hợp với quy định.
Còn một thực tế nữa, nếu không gần trung tâm thành phố hoặc nơi có điều kiện thuận lợi thì có những khu nhà ở xã hội như ở Hoài Đức được mở bán từ năm 2015 đến nay vẫn phải tiếp tục nhận hồ sơ đăng ký mua nhà lần thứ 27. Khu nhà này có 264 căn thương mại, 911 căn nhà ở xã hội để bán và 321 căn hộ nhà ở xã hội cho thuê.
Thêm vào đó là giá nhà ở xã hội hiện nay quá cao, trung bình khoảng 15 - 17 triệu đồng/m2. Để mua một căn nhà ở xã hội diện tích trung bình 65m2, người dân phải bỏ ra cả tỉ đồng, con số không nhỏ với người lao động.
Tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị: "Nhà nước phải quyết giá với nhà ở xã hội. Dự án do Nhà nước đầu tư thì bán đúng giá, còn doanh nghiệp bỏ vốn phải quy định giá tối đa, tức giá trần. Khi bán giá tối đa, doanh nghiệp tiết kiệm hơn, họ sẽ có lời".
Không có quyền bắt buộc người giàu, người khá giả không được sử dụng nhà ở giá rẻ, vấn đề là khi nhà ở xã hội được hỗ trợ từ Nhà nước thì Nhà nước phải đảm bảo bán nhà ở xã hội giá rẻ cho người nghèo khó thực sự có nhu cầu