Tại cuộc họp cho ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thảo luận và thống nhất cơ bản tán thành những nhận định, đánh giá tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm theo báo cáo của Ban cán sự đảng Chính phủ. Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn được bảo đảm, nợ công, nợ chính phủ, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát tốt. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đạt 3,72%. Tuy nhiên, do kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn, rủi ro, thương mại toàn cầu phục hồi chậm, tình hình địa chính trị ngày càng phức tạp, cùng với một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong nước nên tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra.
Bộ Chính trị cơ bản đồng ý về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm, đồng thời nhấn mạnh thêm một số nội dung liên quan đến chính sách tài khóa, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy mạnh mẽ công tác giải ngân vốn đầu tư công, đẩy mạnh sản xuất tiêu dùng trong nước cùng với đa dạng hoá thị trường, mặt hàng xuất khẩu.
Trong đó, Bộ Chính trị yêu cầu: có giải pháp hiệu quả bảo đảm các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, tín dụng ngân hàng, chứng khoán, khoa học công nghệ hoạt động an toàn, lành mạnh, bền vững.
Như vậy, có thể thấy, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội theo dõi rất sát diễn biến của thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp để kịp thời có những chỉ đạo nhằm ổn định và thúc đẩy thị trường phát triển một cách lành mạnh và hiệu quả.
Hơn một năm qua, các cơ quan chức năng tiến hành những biện pháp thanh lọc thị trường tài chính, lấy lại sự lành mạnh và đảm bảo công bằng cho nhà đầu tư. Nhiều doanh nghiệp vi phạm pháp luật bị đưa ra ánh sáng, hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ bị siết chặt, các chiêu trò thao túng thị trường chứng khoán bị phơi bày, nhiều “anh tài” từng hứa hẹn với nhà đầu tư cá nhân “kiếm lãi bằng lần” bị xét xử. Dĩ nhiên, sau khi thanh lọc, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán gần như đóng băng, thanh khoản thấp, một số doanh nghiệp mất khả năng chi trả, nhà đầu tư hoang mang. Tuy nhiên, bằng các giải pháp hỗ trợ thị trường như các lần giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước; cho phép doanh nghiệp, ngân hàng mua lại trái phiếu trước hạn; vận hành hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ; hướng tới vận hành hệ thống công nghệ thông tin KRX trên thị trường chứng khoán; gỡ khó cho doanh nghiệp bất động sản…thị trường dần dần hồi phục so với cuối năm 2022. Chỉ tính riêng mảng chứng khoán, VN-Index đã đạt 1.185 điểm, lấy lại được mốc điểm từ tháng 9/2022 và đã có những phiên thanh khoản hàng triệu USD.
Vẫn còn chặng đường dài để thị trường hồi phục, phụ thuộc nhiều yếu tố như biến động kinh tế thế giới, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp… nhưng với sự quan tâm sát sao của lãnh đạo Đảng, Chính phủ, kỳ vọng thị trường bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp từng bước trở thành cấu phần quan trọng của nền kinh tế, đóng góp vào bức tranh tăng trưởng trong những năm tiếp theo./.