Theo thông tin của hãng tin Reuters, nhiều công ty Đông Nam Á đang cân nhắc việc niêm yết tại Mỹ khi thực tế cho thấy các nhà đầu tư quốc tế đang có nhu cầu mạnh mẽ với sự tăng trưởng của các thị trường mới nổi. Cụ thể là những tên tuổi như Funding Societies, Gushcloud International của Singapore; bảo hiểm Sunday của Thái lan, khách sạn Hotel101 Global của Philippines, nền tảng thương mại điện tử ô tô lớn nhất ASEAN Carsome Group... Theo các doanh nghiệp, thị trường này có nguồn vốn dồi dào và lực lượng nhà đầu tư toàn cầu.
Cùng với đó, việc chính phủ Trung Quốc tạm thời thắt chặt giám sát hoạt động niêm yết tại nước ngoài trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng trì trệ cũng tạo thêm cơ hội cho doanh nghiệp ASEAN. Năm 2020 và 2021, các doanh nghiệp Trung Quốc đã huy động được xấp xỉ 13 tỷ USD từ IPO. Ngược lại, trong mắt các nhà đầu tư quốc tế, thị trường Đông Nam Á đang rất hấp dẫn bởi có tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và dân số ngày càng tăng của khu vực. Cũng theo Reuters, năm 2022, doanh nghiệp Đông Nam Á đã huy động được khoảng 919 triệu USD thông qua IPO ở Mỹ, trong khi sang năm 2023, con số này chỉ còn 101 triệu USD.
Ở Việt Nam, sau khi VinFast lên sàn Nasdaq, "kỳ lân công nghệ" VNG Corp cũng đã công bố các kế hoạch niêm yết cổ phiếu tại thị trường Mỹ. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam cũng giống như doanh nghiệp trong khu vực: đã nhìn ra và quyết không bỏ lỡ cơ hội tiếp cận thị trường đầy tiềm năng này.
Tuy nhiên, IPO tại Mỹ không phải chỉ có toàn màu hồng. Lấy ngay từ thực tế VinFast: dù doanh nghiệp này được niêm yết dưới tư cách pháp nhân VinFast Singapore, nhưng mọi biến động của cổ phiếu VFS trên sàn Nasdaq đều có tác động tích cực hoặc tiêu cực đến các cổ phiếu cùng một đầu mối ở quê nhà là VIC (VinGroup), VHM (Vinhomes) và VRE (Vincom Retails). Trong đó, VIC của Tập đoàn VinGroup chịu tác động mạnh nhất. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng huy động vốn của doanh nghiệp ở trong nước. Thị trường chứng khoán Mỹ không khống chế biên độ tăng giảm giá, nên cổ phiếu VFS sau những phiên tăng mạnh 40 - 50% thậm chí 78%, thì cũng có nhiều phiên giảm giá tương tự, dẫn tới giá trị doanh nghiệp liên tục thay đổi. Trong một tháng giao dịch đầu tiên, giá thấp nhất cổ phiếu VFS trong phiên giao dịch là 9,11 USD/cổ phiếu và cao nhất lên mức 93 USD/cổ phiếu, tương đương mức biến động hơn 800%. Bên cạnh đó, để không phải chờ đợi hàng năm trời mới được IPO trên sàn chứng khoán Mỹ, VinFast niêm yết thông qua SPAC - công ty mua lại với mục đích đặc biệt - là một hình thức doanh nghiệp tạo ra để mua lại doanh nghiệp khác, hoặc để cho doanh nghiệp khác mua lại mình khi muốn nhanh chóng niêm yết trên sàn chứng khoán thay vì phải chờ đợi 1 năm. Như vậy, việc thay đổi giá cổ phiếu đột ngột như cách mà ở thị trường chứng khoán Việt Nam gọi là "thao túng giá" cũng rất dễ dàng thực hiện.
Khát vọng vươn xa, gọi vốn ở thị trường quốc tế của các doanh nghiệp là rất đáng trân trọng, tuy nhiên, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để cơ hội không bị những bất ổn thị trường biến thành thách thức./.