Theo báo cáo Bộ Xây dựng gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, thị trường bất động sản Việt Nam còn tiềm ẩn nhiều bất ổn như nguy cơ bong bóng, suy thoái, thiếu nguồn cung ở các phân khúc, nhất là nhà giá rẻ.
Cụ thể trong quý II, số lượng dự án hoàn thành chỉ bằng một nửa so với quý I và bằng khoảng 29% so cùng kỳ 2022. Số lượng nhà chung cư, nhà ở riêng lẻ giao dịch thành công chỉ bằng 43% cùng kỳ năm ngoái. Đất nền có khoảng 67.500 thương vụ thành công, giảm khoảng 68% so với quý II/2022.
Nghịch lý là thị trường thanh khoản thấp nhưng giá bất động sản - nhất là ở các đô thị đặc biệt như Hà Nội, TPHCM, những nơi có mật độ dân cư lớn - vẫn đang neo ở mức cao càng khiến người có nhu cầu nhà ở thực sự khó tiếp cận. Báo cáo của Bộ Xây dựng cũng cho thấy cơ cấu sản phẩm bất động sản bình dân giảm dần từ 20% năm 2019 xuống dưới 5% vào 2022. Trên thực tế, phân khúc nhà ở giá dưới 15 triệu đồng/m2 hầu như không còn nữa, dẫn đến người dân đô thị có nhu cầu nhà ở thực sự hầu như không còn sự lựa chọn nào khác ngoài thuê hoặc mua chung cư mini, nơi có hai ưu điểm cơ bản là giá cả phù hợp với khả năng chi trả và vị trí phù hợp với nhu cầu học tập, sinh hoạt, làm việc của họ.
Để khắc phục từng bước hiện trạng này, Bộ Xây dựng cho biết, nhiều giải pháp gỡ khó đã được cơ quan quản lý thực hiện, trong đó quan trọng nhất là sửa các quy định pháp luật liên quan nhà ở, kinh doanh bất động sản, chính sách cho nhà ở xã hội, kiến nghị Quốc hội cho phép có hiệu lực thực thi từ đầu 2024, sau khi Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) được Quốc hội thông qua.
Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội đến 2030 cũng bắt đầu được các địa phương đẩy mạnh triển khai. Đến nay, 20 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân được khởi công, sẽ cung ứng cho thị trường gần 37.800 căn hộ.
Đã có 21 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ đủ điều kiện vay từ gói tín dụng hỗ trợ 120.000 tỷ đồng. Ngân hàng Nhà nước cũng đang thúc đẩy cho vay tín dụng với các doanh nghiệp bất động sản, tiếp tục giảm lãi suất vay. Ủy ban Kinh tế lưu ý cần biện pháp kiểm soát huy động vốn của các doanh nghiệp bất động sản, tránh đầu cơ, thao túng giá.
Để thúc đẩy sự phát triển nhà ở xã hội thì cần những giải pháp gỡ khó chung cho thị trường bất động sản, đặc biệt là cho doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh bất động sản. Cùng với đó là thúc đẩy các chính sách gỡ khó trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp với những doanh nghiệp đủ điều kiện, có thực lực. Khi doanh nghiệp bất động sản bế tắc thì ảnh hưởng kéo theo các doanh nghiệp tư vấn, thiết kế, thi công, kinh doanh vật liệu xây dựng, các ngân hàng và cả thị trường chứng khoán. Do đó vừa cần chính sách linh hoạt, vừa cần sự thẩm định, đánh giá kỹ tác động của chính sách để kịp thời điều chỉnh linh hoạt, hiệu quả.