Mục tiêu tăng trưởng 6% khó, nhưng có thể

Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu chọn kịch bản cả năm đạt 6% để phấn đấu, thông qua thúc đẩy các động lực tăng trưởng.

 

Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu chọn kịch bản cả năm đạt 6% để phấn đấu, thông qua thúc đẩy các động lực tăng trưởng, dù GDP 9 tháng tăng 4,24% - không như mong muốn. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đây là mục tiêu có thể đạt được, tuy còn rất nhiều khó khăn như công nghiệp phục hồi chậm, lạm phát chịu nhiều sức ép...

Theo tính toán của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, để GDP năm nay đạt 6% thì kinh tế quý IV phải tăng trưởng 10,6%, tức gần gấp đôi quý III (5,33%). Đây thực sự là một con số thách thức, bởi hiện nay ba động lực tăng trưởng của nền kinh tế là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu đều đang gặp khó. Trước mắt, Chính phủ đang tập trung tháo gỡ khó khăn cho đầu tư công, giải tỏa những "điểm nghẽn" về giải phóng mặt bằng, khan hiếm nguyên vật liệu, đặc biệt là cát; tập trung vốn, đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng trọng điểm. Việc Chính phủ thành lập 5 tổ công tác do 3 Phó Thủ tướng và 2 Bộ trưởng làm tổ trưởng cũng cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.

Đầu tư công - động lực chính của tăng trưởng

Đối với hai động lực tăng trưởng tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, các chuyên gia quốc tế cho rằng đây sẽ là động lực cho những tháng cuối năm 2023 và cả năm 2024, bởi lẽ khi vượt qua giai đoạn khó khăn nhất thì lực cầu trên thị trường thế giới sẽ tăng trở lại, trong bối cảnh giải pháp "kích" nhu cầu tiêu dùng nội địa đang được triển khai thông qua các chính sách giảm thuế, phí trong năm 2024, đặc biệt là việc giảm 2% thuế giái trị gia tăng VAT. Do đó, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đề nghị kéo dài thời gian giảm thuế VAT tới giữa năm 2024, thay vì kết thúc vào cuối năm nay. Đồng thời nhiều chuyên gia kỳ vọng, lĩnh vực tài chính, dịch vụ và bất động sản sẽ phục hồi.

Theo đánh giá của Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, Chính phủ điều chỉnh mục tiêu GDP về 6% là hoàn toàn khả thi. ADB đánh giá cao những phản ứng chính sách chủ động của Chính phủ, cân bằng ổn định kinh tế vĩ mô. Các chính sách kinh tế vĩ mô bao gồm các biện pháp tài chính và tiền tệ, cho đến nay đã đi đúng hướng và kịp thời.

Kéo dài thời gian giảm thuế GTGT cũng là cách để kích cầu tiêu dùng nội địa

Theo các chuyên gia kinh tế, muốn thúc đẩy tiêu dùng nội địa thì cần tạo điều kiện giúp người dân gia tăng thu nhập. Nên tận dụng không gian chính sách tài khóa còn nhiều dư địa để thúc đẩy giải ngân đầu tư công - động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Việc cải cách thể chế cần được tiến hành mạnh mẽ hơn nhằm củng cố niềm tin, hỗ trợ doanh nghiệp. Theo quan điểm của Tiến sĩ kinh tế Vũ Minh Khương thì "Cải cách thể chế lần này phải khác trước, thay vì đỡ phiền hà cho doanh nghiệp phải hướng tới yểm trợ, trợ lực cho họ".

Doanh nghiệp cũng cần nhanh chóng đưa ra chiến lược chuyển đổi xanh, sản xuất xanh theo hướng đột phá. Trong bối cảnh thế giới hiện nay, nếu không nhanh chóng tận dụng cơ hội để chuyển đổi, nâng cấp thì sẽ khó cạnh tranh với các đối thủ./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận