Để nhà ở xã hội thực sự là nhà ở của xã hội

Theo Luật Nhà ở năm 2014, nhà ở xã hội là nhà ở có sự hỗ trợ của Nhà nước cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở theo quy định.

 

Chính sách nhà ở xã hội triển khai từ năm 2015 đến nay đã được gần 10 năm. Theo Luật Nhà ở năm 2014, nhà ở xã hội là nhà ở có sự hỗ trợ của Nhà nước cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở theo quy định... Hiểu rộng hơn, nhà ở xã hội là quỹ nhà ở của một quốc gia, địa phương với giá cả, diện tích và tiện ích phù hợp cho đa số dân cư và người lao động có thu nhập trung bình trong xã hội trở xuống, có thể thuê, mua, thuê mua hoặc mua trả góp...

Người mua nhà ở xã hội phải đáp ứng được những tiêu chí khá nghiêm ngặt về diện tích nhà ở bình quân, về đối tượng, về thu nhập... Nghe có vẻ chặt chẽ, nhưng trên thực tế, thị trường nhà ở xã hội vẫn diễn ra tình trạng: người đáp ứng đủ tiêu chuẩn mua - nhất là những người gặp khó khăn về nhà ở - thì lại không có tiền để mua nhà. Trong khi đó, người không gặp khó khăn về nhà ở thì lại dùng nhiều cách sở hữu nhà ở xã hội, bất chấp những quy định ngặt nghèo về chuyển nhượng. Không khó để tính được, sau một thời gian sở hữu, người mua được nhà ở xã hội sẽ được hưởng lợi như thế nào khi có thể mua với giá và lãi suất ưu đãi rồi bán với giá thị trường.

Nghịch lý này diễn ra nhiều năm nay, mà theo phân tích của chuyên gia tài chính - Tiến sĩ Vũ Đình Ánh thì người đáp ứng đúng điều kiện được mua nhà ở xã hội hiện nay thực chất không thể mua được, kể cả cho vay với lãi suất 0%. Lý do là thu nhập của họ không thể trả gốc chứ đừng nói trả lãi 6-7%/năm. Đây là thực trạng khiến ông Vũ Đình Ánh và nhiều chuyên gia kinh tế khác đề xuất chuyển hướng bán nhà ở xã hội sang cho thuê nhà ở xã hội, để những người có nhu cầu nhà ở thực sự có thể được thuê nhà với mức giá phù hợp với khả năng chi tiêu của họ.

Nhà ở xã hội phải thực sự đáp ứng được nhu cầu nhà ở của xã hội

Cách làm này không chỉ gỡ nút thắt cho vấn đề nhà ở đô thị, mà còn giảm áp lực cho các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội khi không còn bị ràng buộc bởi câu chuyện bán nhà đúng đối tượng.

Chính phủ đang tập trung thực hiện mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội đến 2025. Tuy nhiên, hiện mới có 6 dự án nhà ở xã hội tại 5 địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 415 tỷ đồng. Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, còn khá nhiều vướng mắc trong triển khai đề án này như: Nhiều địa phương chậm triển khai theo kế hoạch, thậm chí có nơi chưa có dự án được khởi công mới; Việc giải ngân gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỉ đồng còn chậm; Vẫn còn vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp đầu tư trong tiếp cận đất đai, thủ tục đầu tư xây dựng, tín dụng, chính sách ưu đãi… Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng đánh giá, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng giải ngân “vô cùng chậm”.

Điều cốt lõi là cần xác định đúng phương thức tiếp cận thị trường của nhà ở xã hội: cho thuê hay để bán? Nếu tiếp tục xây 1 triệu căn nhà ở xã hội theo hướng để bán thì hiệu quả sẽ không cao, người có nhu cầu nhà ở thực sự khó tiếp cận, và nhà ở xã hội vẫn chỉ là của một nhóm người, chứ không phải là nhà ở của xã hội./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận