Những câu hỏi 'nhảy múa' như giá vàng

"Nhảy múa" chính là từ mà Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương sử dụng để mô tả hiện tượng tăng giảm bất thường của giá vàng miếng trong nước thời gian này.

"Nhảy múa" chính là từ mà Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương sử dụng để mô tả hiện tượng tăng giảm bất thường của giá vàng miếng trong nước thời gian gần đây. Ông Trần Quang Phương bình luận: "Thị trường gì thì thị trường nhưng không thể có thị trường nhảy múa kiểu thế được. Tôi chưa bao giờ thấy một thị trường mà giá vàng tăng giảm đột biến như thế. Đề nghị công tác quản lý phải rõ".

Giá vàng "nhảy múa" bất chấp nỗ lực điều hành của Chính phủ, và cũng bất chấp cả quy luật cung cầu. Dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần ra kết luận về việc không để giá vàng tăng giảm bất thường, song kết quả đạt được vẫn khiến Chính phủ và Thủ tướng "hết sức đau đầu vấn đề vàng" và thị trường vàng - như lời của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi thảo luận về các vấn đề kinh tế - xã hội. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải kiểm soát thị trường bằng các giải pháp đồng bộ, đánh giá toàn diện, xem nhu cầu vàng có thật hay không, tình trạng nhập lậu thế nào... Phải tìm được bệnh mới có thuốc chữa hiệu quả.

 

Điều đáng chú ý là sau hàng loạt chỉ đạo của các cơ quan quản lý, giá vàng chỉ giảm trong một hai ngày rồi tăng trở lại, như một sự thách thức với hiệu lực quản lý Nhà nước. Và bất luận biến động thế nào, giá vàng miếng trong nước luôn luôn cao hơn so với giá thế giới quy đổi cùng thời điểm (không tính thuế phí) từ 15 đến 20 triệu đồng/lượng. Mức chênh này chỉ giảm 1 ngày duy nhất - ngày thực hiện phiên đấu thầu vàng đầu tiên, nhưng dù giảm vẫn chênh tới 11 triệu đồng/lượng.

Lý giải tình trạng này, Ngân hàng Nhà nước cho rằng: giá vàng miếng trong nước tăng cao là do giá thế giới tăng cao và do cung cầu vàng trong nước chênh lệch quá lớn. Nhưng điều bất hợp lý ở chỗ, giá vàng miếng trong nước chỉ chênh lệch quá bất thường khi một mình thương hiệu vàng miếng SJC một "chợ", với mức chênh lên tới trên dưới 20% giá trị của một lượng vàng. Trong khi trước đó, giai đoạn 2010 - 2012, giá vàng miếng trong nước chỉ chênh với giá thế giới khoảng 10% đã tạo thành điểm nóng, dẫn tới sự ra đời của Nghị định 24/2012.

Vàng tuy là "hầm trú ẩn" nhưng không thực sự là hàng hóa thiết yếu trong bối cảnh kinh tế - chính trị - xã hội của nước ta hiện nay. Vì vậy sự chênh lệch giá vô lý ấy nếu không do đầu cơ thì là sự độc quyền về nhập khẩu. Nhưng cho dù lý giải giá vàng tăng do mất cân đối cung cầu thì Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa cho phép mở rộng đối tượng nhập khẩu vàng. Lý giải thế nào cho việc giá vàng miếng trong nước chỉ giảm khi có thông tin thanh tra, kiểm tra hoặc điều tra hoạt động kinh doanh vàng miếng? Đấu thầu vàng được coi là giải pháp hữu ích nhất để bình ổn giá vàng liệu có phát huy được tác dụng thực sự? Đến khi nào, những bất cập của Nghị định 24/2012 sẽ được sửa đổi?

Những câu hỏi đó đang “nhảy múa” như giá vàng./.

Bình luận

    Chưa có bình luận