Trong cuộc họp thường kỳ Chính phủ tháng 7 mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, nhìn chung tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều khó khăn. Ở trong nước, thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, nhất là nước ta là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn, độ mở cao, sức chống chịu hạn chế.
Trong bối cảnh đó, đáng mừng là tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 tiếp tục xu hướng tích cực, đạt kết quả tốt hơn tháng 6, tính chung 7 tháng tốt hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực. Tăng trưởng được thúc đẩy ở cả 3 khu vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm và có thặng dư.
Đáng chú ý là trong tháng 7, chúng ta thực hiện tăng lương cơ sở nhưng lạm phát không đáng kể. Đây là một điều đặc biệt, bởi rất nhiều năm nay, chúng ta vẫn chứng kiến tình trạng được coi như “quy luật”: lương chưa tăng, giá đã tăng, giá tăng để “đón đầu” việc tăng lương...
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 7/2024 ước đạt 528.300 tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Con số này cho thấy sức mua trong nước đang dần dần hồi phục, đồng nghĩa với khả năng tiêu dùng của người dân đang tăng lên và nền kinh tế đã tránh được nguy cơ giảm phát. Mặc dù việc điều chỉnh tăng lương bắt đầu từ 1/7/2024 được công bố trước khá lâu, nhưng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2024 chỉ tăng 0,48% so với tháng trước và tăng 4,36% so với cùng kỳ năm trước 2023. Bình quân 7 tháng năm 2024, CPI tăng 4,12% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,73%.
Sẽ cần nhiều nghiên cứu, phân tích để lý giải, nhưng cũng có thể thấy, các giải pháp quản lý thị trường giá cả, đảm bảo nguồn cung, chống buôn lậu, gian lận thương mại đã phát huy được tác dụng tích cực. Đồng thời, hàng loạt biện pháp điều hành mềm dẻo nhưng cương quyết của Ngân hàng Nhà nước đối với thị trường vàng đã buộc mặt hàng này từ chỗ “nhảy múa” điên đảo, tác động tiêu cực tới tâm lý người tiêu dùng - dù không có nhu cầu mua vàng - trở thành một mặt hàng có giá cả ổn định và giao dịch chặt chẽ. Đó là lý do chỉ số giá vàng tháng 7 giảm 0,12% so với tháng 6, dù vẫn tăng 29,39% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là yếu tố giúp cho mặt bằng giá cả chung tương đối bình ổn, dù vàng không nằm trong “rổ” hàng hóa tính chỉ số giá tiêu dùng. Cùng với đó, việc đảm bảo nguồn cung cho những mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu... tác động tích cực đến sự ổn định của giá cả hàng hóa.
Từ nay đến cuối năm 2024, tình hình trong nước, thế giới chắc chắn vẫn tiềm ẩn nhiều thách thức phức tạp, chưa thể khẳng định không lạm phát khi chính sách lương mới được thẩm thấu toàn diện. Do đó, công tác quản lý thị trường, đảm bảo nguồn cung, phản ứng linh hoạt phải được coi trọng để sẵn sàng ứng phó với những phản ứng tiêu cực theo kiểu “hậu tăng lương”./.