Sau khi Thủ tướng Chính phủ giao cơ quan chức năng xem xét các biện pháp phòng, chống dịch bệnh phù hợp khi Việt Nam áp dụng “hộ chiếu vaccine” theo kiến nghị của Hội đồng Tư vấn du lịch hồi đầu tháng 3/2020, đồng thời xem xét, nghiên cứu từng bước mở lại các đường bay quốc tế, đã có rất nhiều ý kiến về việc này.
“Hộ chiếu vaccine” đón đầu, phục hồi du lịch
Ngày 17/3/2021, Ủy ban châu Âu đã thông qua Chứng chỉ xanh kỹ thuật số, dưới dạng ứng dụng cài trên điện thoại hoặc in ra giấy (tương tự Sổ tiêm chủng quốc tế). Chứng chỉ này chỉ lưu giữ những thông tin cá nhân tối thiểu, bao gồm họ tên, ngày sinh và số thẻ căn cước. Phần thông tin y tế sẽ bao gồm ngày tiêm chủng vaccine Covid-19, loại vaccine, kết quả xét nghiệm, hoặc xác nhận đã hồi phục sau khi bị nhiễm virus. Những người có chứng chỉ này sẽ được đi lại, du lịch ở 27 nước châu Âu.
Kể từ khi vaccine được triển khai tiêm ở nhiều nước, đặc biệt hiện tại nước Mỹ sau khi tiêm vaccine, có bang tỷ lệ người mắc dịch bệnh đã giảm, dự kiến tháng 6/2021 có thể sẽ chấm dứt Covid-19 khi tiêm vaccine, Thái Lan đã quyết định từ ngày 1/7/2021 mở hẳn thị trường cho khách quốc tế; Singapore cũng chấp nhận những du khách nào có chứng nhận đã tiêm vaccine, có kết quả âm tính cho phép nhập cảnh mà không cách ly…
Một số nước đã phát hành hộ chiếu vaccine Covid-19, như Trung Quốc. Thái Lan cũng đã công bố kế hoạch cấp hộ chiếu vaccine và giảm thời gian cách ly bắt buộc những người đã tiêm chủng. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới kêu gọi thận trọng với các loại hộ chiếu y tế, yêu cầu nhà chức trách và điều hành du lịch không coi bằng chứng về việc tiêm chủng là điều kiện để du lịch quốc tế. |
Trước những thông tin này, ông Nguyễn Thế Bình, Phó Tổng thư ký thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho rằng: “Chúng ta phải sớm lên phương án kỹ càng để đón khách quốc tế. Thế giới đã đưa ra chương trình “hộ chiếu vaccine” và được đông đảo ý kiến ủng hộ. Do vậy, theo tôi đây là thời điểm giúp du lịch Việt Nam không lỡ mất cơ hội và có thể cạnh tranh với các quốc gia trong đón khách quốc tế trở lại”.
Nhiều chuyên gia du lịch cho rằng, e ngại không kiểm soát tốt dịch bệnh là chúng ta đang tự làm chậm chính mình, đánh mất cơ hội đón khách du lịch quốc tế, sẽ tụt hậu khi các nước trên thế giới tiêm vaccine và mở cửa thị trường quốc tế. Tuy nhiên, cần phải cân nhắc và có giải pháp cho “hộ chiếu vaccine”, có thể chọn thị trường, đất nước nào đã tiêm vaccine và ổn định thì mở cửa. Giải pháp tiếp nữa là khoanh vùng điểm đến du lịch, đón thử nghiệm ở những đảo có sân bay như Phú Quốc hay Vân Đồn… sau đó đánh giá tác động của giải pháp ấy.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng: “Hộ chiếu vaccine” chính là chìa khóa mở đường bay quốc tế nếu có quy trình cụ thể, sự phối hợp giữa các ban, ngành trong việc mở lại đường bay quốc tế. Tổ chức du lịch cho du khách quốc tế đã có “hộ chiếu vaccine” và quản lý phòng chống dịch, hiệu quả mang lại sẽ rất lớn. Đây là cơ hội để chúng ta hồi phục phát triển kinh tế.
Nhiều ý kiến e ngại
PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch, phân tích, việc mở dần đường bay quốc tế là cần thiết. Tuy nhiên, nếu quy trình nhập cảnh không chặt chẽ, chỉ cần sơ suất nhỏ, một trường hợp mang mầm bệnh vào trong nước lây ra cộng đồng thì không chỉ ảnh hưởng đến ngành du lịch mà nhiều ngành khác, gây thiệt hại kinh tế rất lớn.
Đây cũng là lo ngại của nhiều người có trách nhiệm, khi mà truyền thông quốc tế đã cảnh báo về những đường dây rao bán vaccine giả, giấy chứng nhận tiêm chủng giả. Bên cạnh đó là những câu hỏi về hiệu quả của vaccine Covid-19 khi mới được nghiên cứu, phát triển trong thời gian ngắn. Vaccine liệu có an toàn khi các biến thể của Covid-19 liên tục phát triển và khó kiểm soát?
PGS.TS Phạm Trung Lương chia sẻ, “hộ chiếu vaccine” cần được đảm bảo khi dịch bệnh đã được kiểm soát ở mức độ gần như toàn cầu. Hệ thống xét nghiệm của Việt Nam với các nước, cụ thể là các thị trường chính phải đồng bộ, tương thích để đảm bảo khách khi đã được xét nghiệm bên nước sở tại, vào Việt Nam có thể yên tâm. Khi đã đón khách quốc tế phải tìm hiểu lại nhu cầu thị trường bởi đặc điểm các thị trường sau dịch đã thay đổi rất nhiều.
Bộ Y tế cho biết, trong thời gian tới, việc kiểm soát dịch phụ thuộc nhiều vào việc phát triển vaccine. Tuy nhiên, nguồn cung ứng vaccine nhập khẩu còn hạn chế và vaccine trong nước dự kiến phải tới quý IV-2021 mới có.
Chuẩn bị sẵn sàng đón khách có “hộ chiếu vaccine”
Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19 (Ban chỉ đạo) mới đây, Thường trực Ban chỉ đạo lưu ý, áp dụng “hộ chiếu vaccine” hệ thống kỹ thuật phải tính đến những trường hợp phức tạp nhất, sẵn sàng để triển khai ngay sau khi có chính sách cụ thể. Các bộ, ngành, nhà mạng di động lớn cho biết, hệ thống hạ tầng kỹ thuật liên quan đến “hộ chiếu vaccine” đối với người nước ngoài sẽ được hoàn thiện, sẵn sàng triển khai từ tháng 4. Bộ Y tế tiếp tục làm việc với các cơ quan chuyên ngành liên quan ở nước ngoài để Việt Nam sớm tham gia vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc tạo điều kiện giao thương thuận lợi cho những người đã được tiêm vaccine phòng Covid-19 ở các nước.
Hộ chiếu vaccine là tài liệu kỹ thuật số chứng minh một cá nhân đã được tiêm phòng virus, trường hợp này là Covid-19 (còn được gọi là thẻ sức khỏe kỹ thuật số). Tài liệu này được lưu trữ trên điện thoại hoặc ví kỹ thuật số, dữ liệu hiển thị dưới dạng mã QR. |
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện Y tế công cộng Việt Nam, hạ tầng kỹ thuật chuẩn bị áp dụng hộ chiếu vaccine là hệ thống phần mềm, website để xác nhận thông tin của những người nhập cảnh, như: điều kiện cho phép nhập cảnh; loại vaccine hợp lệ; công dân từ các khu vực nào sẽ được nhập cảnh; thông tin cần khai báo...
Đại diện Hội đồng Tư vấn du lịch bày tỏ đồng tình với chủ trương, phương châm của Ban chỉ đạo, Bộ Y tế về vấn đề “hộ chiếu vaccine”. Theo đó, Việt Nam sẽ thực hiện chủ trương này trong thời gian tới, khi điều kiện cho phép, với tinh thần “thực hiện mục tiêu kép nhưng bảo đảm an toàn là trên hết”.
Với người dân trong nước, thông tin tiêm chủng sẽ được tích hợp vào hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử, liên thông với cơ sở dữ liệu công dân. Sau khi tiêm vaccine phòng Covid-19, người dân được cấp chứng nhận và mã QR-Code xác nhận. Nhân viên y tế có thể cập nhật kết quả tiêm chủng này. Cơ quan quản lý nắm bắt thông tin số liệu nhằm phục vụ việc triển khai chương trình tiêm vaccine, và được cung cấp công cụ giám sát các vấn đề liên quan./.