Để đón cơ hội đạt miễn dịch cộng đồng khi hoàn tất chương trình tiêm chủng vaccine, ngành du lịch cần chuẩn bị sẵn sàng mọi mặt, tập trung toàn lực khắc phục khó khăn, duy trì hoạt động, chờ sống dậy sau đại dịch.
Bức tranh ảm đạm
Đánh giá tác động từ đại dịch Covid-19 đối với ngành du lịch thế giới 2020, Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) cho rằng, các điểm đến đã đón lượng du khách giảm 70 - 75% so với năm 2019. Điều này dẫn đến việc mất đi 935 tỷ USD doanh thu từ du lịch, cao gấp hơn 10 lần mức thất thu của năm 2009 dưới tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Du lịch toàn cầu trở về thời điểm của 30 năm trước (1990) với số lượng khách quốc tế giảm hơn 1 tỷ lượt (chỉ khoảng 400 triệu lượt khách/năm). Theo các chuyên gia, du lịch có thể trở lại bình thường vào năm 2022, nhưng có thể mất từ 2,5 - 4 năm để phục phồi.
Ở Việt Nam, sau hơn 1 năm “đóng băng”, đợt dịch lần thứ 4 bùng phát với chủng biến thể mới lan nhanh và rộng khiến du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng sớm và nặng nề nhất. Nhiều doanh nghiệp đã rơi vào tình trạng kiệt quệ, không còn nguồn lực để duy trì hoạt động kinh doanh, không có nguồn thu, người lao động bị mất việc làm, đời sống khó khăn.
Công suất phòng khách sạn trung bình cả nước trong 6 tháng đầu năm 2021 chỉ đạt dưới 15%, nhiều nơi chỉ đạt 10%. Thống kê 7 tháng năm 2021, ngành du lịch chỉ phục vụ 31 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 16,1 triệu lượt khách nghỉ đêm tại cơ sở lưu trú du lịch. Tổng thu từ du lịch ước đạt 136.300 tỷ đồng (tổng thu từ du lịch 6 tháng đầu năm 2019 là 338.200 tỷ đồng).
Theo UNWTO, hiện nay Hoa Kỳ, Pháp, Hà Lan và Singapore đều đã đạt được thỏa thuận với một số hãng hàng không về trợ cấp của Chính phủ đối với ngành vận tải hành khách với số tiền lên tới hàng chục tỷ USD khi các quốc gia này mở cửa lại biên giới. Một số nước tìm kiếm các giải pháp, chiến lược tái khởi động ngành du lịch theo khái niệm “hành lang du lịch - travel corridors”. Một số nước như Australia, New Zealand, Estonia, Latvia, Trung Quốc, Hàn Quốc… đã nghiên cứu để cho phép khách du lịch nước ngoài nhập cảnh khi các du khách này đến từ một quốc gia lân cận đã kiểm soát được dịch bệnh, hoặc như khái niệm “bong bóng du lịch - travel bubbles” cũng được một số nước Đông Nam Á nghiên cứu đề xuất.
Giới chuyên gia du lịch nhận định, đây là thời điểm nhạy cảm, chúng ta cần cố gắng duy trì hoạt động, chuẩn bị sẵn nhân lực, sản phẩm và nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của du khách cho giai đoạn mới, đảm bảo phục hồi ngành du lịch trong điều kiện an toàn khi Việt Nam và các quốc gia đạt được miễn dịch cộng đồng và tái mở cửa biên giới quốc gia.
Hỗ trợ kịp thời, chờ miễn dịch cộng đồng
Xác định thời cơ vực dậy ngành du lịch ngay khi Việt Nam đạt được miễn dịch cộng đồng nhờ tiêm vaccine cho hầu hết người dân, việc hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động và chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực để vực dậy ngành du lịch ngay khi có thể là vô cùng quan trọng. Mới đây, Tổng cục Du lịch ban hành Công văn số 1066/TCDL-LH gửi các sở du lịch về việc khẩn trương triển khai hoạt động hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch theo quy định của Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg và Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ.
Trước đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Công văn số 2584 ngày 22/7/2021 về việc triển khai thực hiện Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg và Quyết định số 2222 ngày 02/8/2021 công bố thủ tục hành chính hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Tổng cục Du lịch đã ban hành Công văn số 979/TCDL-LH hướng dẫn việc thực hiện chính sách hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và mở chuyên mục “Chính sách hỗ trợ” trên vổng thông tin điện tử để cập nhật chính sách và kết quả triển khai hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch của các địa phương.
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Lê Phúc cho biết: Để bảo đảm việc hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP được triển khai kịp thời, thủ tục hành chính đã được cắt giảm tối đa nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất, thể hiện ở mấy điểm sau: đơn giản hóa thủ tục đề nghị hỗ trợ, quy định 1 cửa tiếp nhận và giải quyết hồ sơ; đơn giản hóa hồ sơ đề nghị, chỉ gồm giấy đề nghị và hợp đồng lao động hoặc thẻ hội viên; cắt giảm thời gian thẩm định còn 04 ngày. Tiền hỗ trợ sẽ được chuyển trực tiếp vào tài khoản của hướng dẫn viên, qua bưu điện hoặc trực tiếp. Thời gian nhận hồ sơ kéo dài 06 tháng (từ ngày 07/7/2021 đến hết 31/01/2022).
Với thủ tục được rút gọn đến mức tối đa, đến nay, nhiều địa phương đã thực hiện hỗ trợ đợt 1 đối với các hướng dẫn viên du lịch gặp khó khăn như Hà Nội, Quảng Ninh, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Gia Lai, Đà Nẵng, Nghệ An, Bình Định, Hà Tĩnh, Phú Yên, Cần Thơ, Tiền Giang, Sóc Trăng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh… Riêng tỉnh Bình Định đã tiến hành hỗ trợ đợt 2.
Kinh phí hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo quy định tại điểm 9 Mục II, Nghị quyết số 68 là 3.710.000/đồng/người, theo phương thức chi trả một lần.
Riêng tại Đà Nẵng, ngày 30/7, địa phương ra thông báo thực hiện hỗ trợ người lao động trong ngành du lịch bị mất việc làm nhưng không có giao kết hợp đồng lao động. Theo đó, các đối tượng được hưởng mức hỗ trợ này là người lao động tự do, bị mất việc làm ở các cơ sở lưu trú từ 20 phòng trở lên và các đơn vị lữ hành, khu, điểm du lịch thuộc quản lý của Sở Du lịch. Người lao động đáp ứng đủ điều kiện cư trú hợp pháp tại địa phương (có hộ khẩu thường trú hoặc sổ tạm trú) sẽ được nhận mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng dưới hình thức chi trả một lần.
Theo thống kê của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, tổng số hướng dẫn viên du lịch đã được cấp thẻ trên toàn quốc hiện nay là 26.721 người. Trong đó, có 16.965 hướng dẫn viên du lịch quốc tế, 8.743 hướng dẫn viên du lịch nội địa và 1.013 hướng dẫn viên du lịch tại điểm. Những người này bị mất việc làm do hoạt động du lịch bị đình trệ từ khi bùng phát dịch bệnh đầu năm 2020, đặc biệt là từ tháng 5/2021 đến nay.
Số tiền tuy không lớn song việc hỗ trợ kịp thời và thực hiện minh bạch các gói hỗ trợ phần nào giúp người lao động vượt qua khó khăn trước mắt, có thêm động lực ở lại với nghề khi dịch bệnh qua đi, du lịch phục hồi./.