Đơn hàng nhiều, giao không kịp
Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của cả nước ước đạt 2,4 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước. Riêng trong tháng 3, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 920 triệu USD, tăng trưởng 25% so với tháng 3/2021. Xuất khẩu thuỷ sản tăng trưởng mạnh mẽ nhờ cá tra đang trên đà phục hồi ở mức trên 83% và xuất khẩu tôm duy trì tỷ trọng cao.
Luỹ kế 3 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu cá tra ước đạt 646 triệu USD, tăng 88% so với cùng kỳ năm 2021. Cá tra đang lấy lại vị thế trong cơ cấu sản phẩm thuỷ sản xuất khẩu, đến nay chiếm 27% giá trị xuất khẩu toàn ngành thủy sản. Xuất khẩu cá tra có tín hiệu tích cực khi tăng mạnh ở hầu hết các thị trường lớn.
Đại diện Công ty TNHH Hùng Cá cho biết, sau đại dịch Covid-19 hoạt động sản xuất của công ty đã phục hồi. Hiện công ty có 4 nhà máy chế biến thủy sản đông lạnh với công suất từ 600 - 1.200 tấn cá nguyên liệu/ngày. Hiện công ty có nhiều đơn hàng, và giao không kịp cho khách.
Bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng thư ký VASEP cho biết, các thị trường lớn nhập cá tra Việt Nam đều có sự tăng trưởng khá tốt với giá cao. Xuất khẩu cá tra trong năm 2022 có thể tăng từ 20 - 25% so với năm 2021.
Cùng với đó, mặt hàng tôm vẫn giữ tỷ trọng cao nhất với 37% mang về hơn 345 triệu USD trong tháng 3, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng giá trị xuất khẩu tôm trong quý đầu năm nay đạt trên 900 triệu USD, cao hơn 37% so với quý 1/2021. Nhu cầu tôm ở các thị trường chính đều cao cùng với giá xuất khẩu trung bình tăng là những yếu tố giúp kim ngạch xuất khẩu tôm vượt xa năm trước.
Xuất khẩu tôm tăng trưởng tốt ở hầu hết các thị trường chính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Anh... Mỹ tiếp tục là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm 21% tổng giá trị xuất khẩu tôm của cả nước.
Theo dự báo, trong thời gian tới, Mỹ mở cửa trở lại sau Covid-19, nhu cầu nhập khẩu thủy sản, trong đó có tôm sẽ tiếp tục tăng cao. Trong khi đó, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc cũng có dấu hiệu phục hồi, tăng 14%. Tuy nhiên, thị trường này rất khắt khe. VASEP lưu ý các doanh nghiệp (DN) khi xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc cần bảo đảm công tác kiểm soát và phòng chống dịch Covid-19 trong quá trình sản xuất và lưu thông.
Không chỉ cá tra, tôm mà nhiều loại hải sản như mực, bạch tuộc, cua, ghẹ... đều ghi nhận xuất khẩu tăng trưởng với mức hai con số.
Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử
Trong khi thị trường xuất khẩu nhiều tín hiệu khởi sắc, thì những thách thức như thiếu nguyên liệu, giá cước vận tải biển tăng, giá thành sản xuất cao... vẫn là những thách thức mà các DN thuỷ sản phải đối mặt trong năm 2022.
Bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo và xúc tiến thương mại Vasep (Vasep Pro) cho biết, xung đột Nga - Ukraine khiến cho xuất khẩu thuỷ sản sang Nga giảm 86% trong tháng 3 chỉ còn 2,7 triệu USD và xuất khẩu sang Ukraine bị dừng hoàn toàn trong tháng 3. Sự sụt giảm về doanh thu ở thị trường Nga và Ukraine không nhiều, bởi hai nước này chỉ chiếm chưa tới 2% và 0,3% xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam, nhưng căng thẳng quan hệ hai nước mang hệ luỵ lớn vì giá xăng dầu tăng ảnh hưởng đến cả sản xuất, xuất khẩu.
Bà Hằng đưa ra giải pháp, các DN thuỷ sản của Việt Nam cần tích cực tham gia các hội chợ thuỷ sản quốc tế để kết nối và mở rộng khách hàng.
Ông Lê Bá Anh, Phó Cục trưởng cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản cho biết, đơn vị coi việc tháo gỡ, xử lý các vướng mắc của thị trường là hoạt động thường xuyên, đặc biệt đối với thị trường Trung Quốc và Mỹ. Riêng thị trường Trung Quốc DN cần đặc biệt lưu ý đến khâu bao gói, xếp hàng lên container…đảm bảo an toàn dịch bệnh bởi còn nhiều lô hàng của Việt Nam bị cảnh báo do chính sách Zero Covid của Trung Quốc.
Ông Anh đưa ra cảnh báo, các thị trường nhập khẩu thủy sản không chỉ có những đòi hỏi khắt khe về an toàn thực phẩm, chất lượng mà còn cả truy xuất nguồn gốc, nhãn mác, sinh thái…
Theo ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, với cá tra, hiện đã có 100% diện tích nuôi được cấp mã số nhận diện ao nuôi. Tuy nhiên, vùng nuôi tôm được cấp mã số lại quá thấp. Các địa phương cần đẩy nhanh việc cấp mã số vùng nuôi tôm với những cơ sở đủ điều kiện, không chờ đợi đến khi Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản được sửa đổi rồi mới làm. Khi đó việc cấp mã số sẽ làm không kịp để đáp ứng nhu cầu của người nuôi và DN.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến lưu ý, các DN cần tập trung vào chế biến sâu, tăng giá trị gia tăng của ngành hàng; chủ động xây dựng các vùng nguyên liệu và liên kết chuỗi theo hướng quy mô hơn, chất lượng hơn.
Các DN gắn kết với cơ sở nuôi thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm có đầu tư, hỗ trợ kinh phí, cùng có trách nhiệm trong việc giám sát, theo dõi quá trình thực hiện sản xuất; theo dõi sát diễn biến thị trường để ứng phó nhanh, sẵn sàng xuất khẩu ngay khi có thời cơ; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử đối với chuỗi xuất khẩu - nhà máy chế biến - cơ sở nuôi, ao nuôi đã được cấp mã số nhằm minh bạch thông tin.