Biến rác thải thành phân vi sinh và giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường ngay tại các địa phương, quy mô linh hoạt là kỳ vọng của ông Vũ Đình Thịnh, Giám đốc Công ty CP Công nghệ Nhân Hòa, khi sáng chế máy ủ phân hữu cơ thông minh RCM, thân thiện với môi trường. Lượng phân bón hữu cơ được sản xuất từ nhiều loại rác thải khác nhau chỉ dưới 24 giờ/mẻ.
Cần giải pháp công nghệ cho bài toán rác thải
Những năm gần đây, xử lý chất thải rắn hữu cơ là vấn đề nóng của toàn xã hội, nhất là ở các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM. Tình trạng thỉnh thoảng rác thải lại ùn ứ ở Hà Nội do người dân sống xung quanh bãi rác Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội không cho xe vào bãi tập kết rác thải càng cho thấy tính cấp bách của việc tìm kiếm công nghệ mới trong xử lý rác thải.
Công nghệ mà ông Vũ Đình Thịnh - Giám đốc Công ty CP công nghệ Nhân Hòa - tập trung nghiên cứu phát triển chính là một giải pháp nhằm giải quyết vấn đề cấp bách đó, cụ thể là xử lý chất thải rắn hữu cơ. "Muốn giải quyết vấn đề này, mọi công nghệ đề xuất đều phải giải quyết được 4 vấn đề lớn: Phải xử lý được đa dạng các loại rác thải; Có khả năng xử lý được khối lượng lớn; Thời gian xử lý mỗi mẻ phải dưới 24 giờ, vì lượng rác phát thải theo chu kỳ 24 giờ; Và cuối cùng là sản phẩm làm ra phải tiêu thụ được, tức là chất lượng phải cao và được thị trường chấp nhận, có thể tiêu thụ được khối lượng lớn". - Ông Vũ Đình Thịnh chia sẻ.
Trên thực tế, các công nghệ trước đây đều không thể giải quyết được trọn vẹn 4 vấn đề này. Vì vậy, ông Vũ Đình Thịnh nghiên cứu phát triển công nghệ mang tính đột phá, giải quyết được đồng thời 4 vấn đề trên. Công nghệ này có thể giải quyết rác hữu cơ ở mọi qui mô khác nhau, từ nguồn chất thải tập trung (như ở các trạm thu gom, các nhà máy chế biến nông sản, các trang trại qui mô lớn...) đến các nguồn chất thải phân tán (qui mô gia đình, trang trại nhỏ, lò giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ...).
Các loại chất thải có thể đưa vào tái chế bao gồm: Rác thải đô thị, rác thải gia đình, các phế thải nông nghiệp; Phân gia súc, gia cầm; Xác động vật và các bộ phận của chúng. Do sản xuất được ở trong nước, nên không bị lệ thuộc vào công nghệ của nước ngoài. Việt Nam sẽ hoàn toàn chủ động trong việc phát triển công nghệ, tổ chức sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm. Các thiết bị phù hợp với trình độ sản xuất và công nghệ cơ khí ở Việt Nam, có thể sản xuất 100% trong nước với qui mô lớn, mức tiêu thụ điện năng chỉ bằng 1/3 đến 1/4 so với sản phẩm tương đương nhập ngoại, giá thành rẻ bằng 1/2. Nhờ vậy, các máy ủ phân này có thể góp phần giải quyết vấn đề rác thải đang gây sức ép lên môi trường sống hiện nay.
“Theo thống kê, mỗi ngày lượng chất thải hữu cơ thải ra môi trường rất lớn, trong khi các bãi chôn lấp gần như đã đầy, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và ảnh hưởng sức khoẻ người dân. Mục đích chính sáng chế này của tôi là giải quyết vấn đề môi trường. Bên cạnh đó, sản xuất phân hữu cơ vi sinh phải đảm bảo chất lượng để bán được chứ không để chất đống” - ông Thịnh nhấn mạnh.
Đáp ứng nhu cầu phân bón hữu cơ cho sản xuất
Không chỉ đáp ứng nhu cầu xử lý rác thải của xã hội, công nghệ mới mà ông Vũ Đình Thịnh và các đồng sự hướng tới còn nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong cả nước. Việt Nam là một nước nông nghiệp với hơn 20 triệu ha gieo trồng. Mỗi năm, 1 ha sản xuất hữu cơ cần 10 tấn phân hữu cơ vi sinh. Trong những năm gần đây, lượng phân nhập khẩu của Việt Nam liên tục tăng cao. Thực hiện mục tiêu chuyển từ sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào hóa chất sang nông nghiệp hữu cơ, Chính phủ yêu cầu ngành nông nghiệp có giải pháp để tăng mức sử dụng phân hữu cơ lên 5 triệu tấn/năm vào năm 2025. Thế nhưng số lượng phân hữu cơ được sử dụng trong nước xấp xỉ 1 triệu tấn.
Để đáp ứng nhu cầu “sản xuất sạch hơn”, một số doanh nghiệp đã đầu tư sản xuất phân hữu cơ, và đa số sử dụng công nghệ lên men truyền thống. Tuy nhiên, thời gian lên men của phương pháp này khá lâu, thường kéo dài từ 3 đến 12 tháng. Để khắc phục nhược điểm này, máy RCM của ông Vũ Đình Thịnh được phát triển theo hướng mô phỏng cơ chế tiêu hóa của một số loài động vật, nhờ đó gia tăng tốc độ ủ phân mà không cần sử dụng loại vi khuẩn đặc hữu, chỉ cần sử dụng các loại chế phẩm vi sinh đang bán rộng rãi trên thị trường, giúp giảm chi phí điện năng, tăng tính phổ dụng của máy, trong khi vẫn giảm thời gian ủ một mẻ phân dưới 24 giờ.
Hệ thống xử lý nguyên liệu của máy được phát triển theo hướng thông minh hóa, có khả năng tự lựa chọn chế độ một cách tối ưu mà không cần sử dụng điều khiển từ bên ngoài. Kết quả là giảm thời gian ủ một mẻ phân, nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời nâng cao độ an toàn và độ bền của máy. Điều ông Vũ Đình Thịnh tâm đắc nhất là: “Mỗi model máy ủ phân hữu cơ thực chất là một nhà máy thu nhỏ, tái chế chất thải thành phân hữu cơ vi sinh chất lượng cao, đáp ứng TCVN 7185:2002, trong khoảng thời gian không quá 24 giờ.”.
Hiện nay ông Vũ Đình Thịnh đang có 8 model máy RCM có thể đáp ứng từ qui mô nhỏ hộ gia đình tới qui mô lớn như xí nghiệp sản xuất phân hữu cơ vi sinh hoặc trạm xử lý rác thải tập trung tại các đô thị, bao gồm với 3 model máy ủ phân siêu nhanh: RCM-02; RCM-100, RCM-200 và 5 model máy ủ phân thông minh: RCM-500.I; RCM-750.I; RCM-1000.I; RCM-2000.I; RCM-5000.I. |
Máy đã được thử nghiệm tại trạm thu gom rác Đồng Tàu, Quận Hoàng Mai, Hà Nội, từ tháng 4/2020; tại Trung tâm hỗ trợ dạy nghề nông dân Thái Nguyên, và đang được nhiều trang trại chăn nuôi sử dụng./.