Nam Định: Doanh nghiệp chủ động thích ứng và phục hồi

  • 05/09/2023 12:00:00
  • Vân Hồng
  • Kinh tế
  • 0

Nam Định đã chủ động triển khai hiệu quả nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, tiếp tục đầu tư đón đầu thị trường và cơ hội kinh doanh mới.

 

Trong bối cảnh lạm phát gia tăng, suy thoái kinh tế toàn cầu, bên cạnh sự trợ lực từ chính sách, cơ chế, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nam Định đã chủ động triển khai hiệu quả nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, tiếp tục đầu tư đón đầu thị trường và cơ hội kinh doanh mới.

Đề cao yếu tố người lao động

Nền kinh tế, cũng như cộng đồng doanh nghiệp (DN) chưa kịp phục hồi sau đại dịch Covid - 19 thì lại tiếp tục gặp khó khăn do những ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga - Ukraine. Áp lực về việc vừa phải đảm bảo thu nhập cho người lao động, vừa phải duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh đè nặng tới mức không phải DN nào cũng vượt qua được. Đáng ghi nhận, trong bối cảnh đó vẫn có không ít các DN chủ động đổi mới tư duy kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị, năng suất, chất lượng… để thích ứng với khó khăn.

Chia sẻ về điều này, ông Peter Chen - Trợ lý đặc biệt Phòng Tổng giám đốc Công ty TNHH May Việt Thuận - cho biết: “Chúng tôi trung thành với giá trị cốt lõi của mình đó là “uy tín - trách nhiệm - đổi mới”. Những giá trị cốt lõi này đã và đang giúp công ty chúng tôi giữ vững vị trí đối tác chiến lược của nhiều nhãn hàng. Trong bối cảnh ngành dệt may gặp nhiều khó khăn, thách thức, DN chúng tôi rất may mắn vì vẫn được nhiều nhãn hàng tin tưởng đặt đơn hàng nên có thể duy trì việc làm và thu nhập ổn định cho 2.400 cán bộ công nhân viên”.

Cũng theo ông Peter Chen, đại dịch Covid-19 và xung đột Nga - Ukraine kéo dài đã làm cho chuỗi cung ứng toàn cầu trở nên hỗn loạn. Giá cả và ngày giao hàng của các nguyên phụ liệu từ các nhà cung cấp của DN cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, đội ngũ mua hàng của tập đoàn RSI đã hỗ trợ kịp thời trong việc mua vật tư sản xuất từ những nhà cung cấp uy tín và ít bị ảnh hưởng nên Công ty nhanh chóng thoát khỏi tình huống chậm trễ vật tư và giảm thiểu tổn thất.

“Chúng tôi luôn luôn đề cao yếu tố con người. Có những thời điểm đơn hàng bị sụt giảm, nhưng Công ty không cắt giảm lao động và việc làm. Công ty dành thời gian đó bố trí cơ chế đào tạo nội bộ như việc tổ chức công nhân học sử dụng thêm các loại máy may khác nhau để nâng cao tay nghề và các khóa đào tạo kỹ thuật và kỹ năng quản lý cho các cấp quản lý từ nhóm trưởng trở lên. Đây được coi là giải pháp quan trọng để duy trì sự phát triển bền vững”, ông Peter Chen nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, ngoài việc áp dụng sản xuất tinh gọn “lean”, Công ty TNHH May Việt Thuận ưu tiên đầu tư trang thiết bị máy móc tự động hóa vào nhiều khâu trong quá trình sản xuất. Ví dụ như sử dụng rô bốt tự động vận chuyển nguyên phụ liệu từ kho phát đi các xưởng, các chuyền; sử dụng máy cắt tự động, máy may lập trình…

Công ty còn áp dụng phương pháp phân tích nguyên nhân gốc rễ trong hệ thống quản lý chất lượng giúp kịp thời xử lý các vấn đề về chất lượng sản phẩm. Mỗi người lao động tự kiểm soát chất lượng và đội ngũ kiểm tra chất lượng kiểm soát nghiêm ngặt chất lượng sản phẩm để tạo ra những sản phẩm có thể đáp ứng yêu cầu của khách hàng.

Là công ty chuyên sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe ô tô, chịu ít tác động hơn, nhưng theo ông Do Sung Hee, Tổng giám đốc Công ty TNHH Pim Vina, để giữ vững thị trường, công ty luôn luôn xây dựng nội bộ tập thể đoàn kết, vững mạnh, tập trung tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên giá cả tăng, lương tối thiểu vùng và hệ số lương của công nhân tăng và đặc biệt việc thiếu điện sản xuất là áp lực đối Công ty TNHH Pim Vina. Là đơn vị sản xuất phụ thuộc hoàn toàn vào điện nên theo ông Do Sung Hee, việc bị cắt điện liên tục là “đòn chí mạng” đối với công ty.

Tiếp tục các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Đánh giá về các chính sách hỗ trợ của tỉnh Nam Định đối với DN, ông Peter Chen cho biết, các ban ngành của tỉnh Nam Định đều đã và đang tạo điều kiện cho công ty hoạt động ổn định thông qua cơ chế, chính sách và các thủ tục thông thoáng nhằm hỗ trợ đắc lực cho công ty. Ví dụ trong thời gian dịch bệnh, tỉnh đã tổ chức tiêm chủng sớm cho cán bộ công nhân viên. Nhờ đó, việc sản xuất của nhà máy vẫn duy trì, không bị gián đoạn sản xuất vì dịch bệnh.

Về các thủ tục xuất nhập cảnh cho lao động nước ngoài của công ty, Phòng xuất nhập cảnh cũng hỗ trợ rất tốt để người nước ngoài của công ty thuận lợi trong việc nhập cảnh vào làm việc. Tháng 5/2023, Sở Lao động tỉnh Nam Định đã tổ chức hội chợ việc làm với quy mô lớn, là dịp để DN được tiếp cận trực tiếp với nguồn lao động quan trọng là học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung học nghề và lao động tự do khác trên địa bàn tỉnh.

“Mối quan tâm lớn của công ty trong thời gian tới là vấn đề giữ chân người lao động và tuyển dụng bổ sung lao động. Trong bối cảnh hiện nay, nhiều công ty lớn đầu tư vào khu công nghiệp mới Mỹ Thuận sẽ đi vào hoạt động từ năm 2024, với nhu sử dụng số lượng lao động lên tới hàng chục nghìn người. Khu công nghiệp Mỹ Thuận cách công ty chúng tôi chỉ 10 - 12km cũng là khu vực có nhiều công nhân của công ty chúng tôi đang sinh sống. Do đó, công ty chúng tôi sẽ rất khó tránh khỏi làn sóng người lao động nhảy việc. Việc tuyển dụng lao động địa phương sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Tôi mong muốn tỉnh Nam Định sẽ tổ chức nhiều hoạt động để giúp doanh nghiệp chúng tôi tiếp cận rộng rãi hơn với nguồn lao động để tuyển dụng được ngày càng nhiều nhân lực chất lượng và ưu tú”, ông Peter Chen kiến nghị.

Đồng quan điểm, ông Do Sung Hee cũng đánh giá cao sự hỗ trợ của tỉnh Nam Định đối với DN: “Tỉnh Nam Định hỗ trợ chúng tôi rất nhiều. Đặc biệt, trước đây và hiện tại vẫn đang ưu đãi các loại thuế, giảm tiền đóng bảo hiểm cho công nhân. Vì DN còn nhiều khó khăn nên tôi đề nghị tiếp tục các chính sách hỗ trợ”.

Ông Do Sung Hee đặc biệt đề nghị cần có giải pháp cho tình trạng thiếu điện vào những ngày nắng nóng cao điểm trong năm. Theo ông, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng và gây thiệt hại lớn cho DN. 

Theo dự báo, nền kinh tế mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng trong thời gian tới vẫn sẽ đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Vì thế, những giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, đảm bảo môi trường chính sách an toàn cho doanh nghiệp cần được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các Bộ, ngành, địa phương và nỗ lực thực thi cần mạnh mẽ hơn./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận