Ứng xử với thị trường vàng như thế nào?

Giá cả biến động, thị trường có dấu hiệu bất ổn, nên ứng xử như thế nào với thị trường vàng? Độc quyền Nhà nước với mặt hàng vàng còn cần thiết không?

 

Giá cả biến động, thị trường có dấu hiệu bất ổn, nên ứng xử như thế nào với thị trường vàng? Độc quyền Nhà nước đối với mặt hàng không thiết yếu, thậm chí không nằm trong "rổ" hàng hóa tính chỉ số giá tiêu dùng, liệu có còn phù hợp? PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế tài chính - chia sẻ quan điểm về những vấn đề này:

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: vừa phát huy thế mạnh của thị trường vàng, vừa đảm bảo được sự quản lý của Nhà nước đối với nguồn lực rất quan trọng của đất nước.

Thưa PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, nhiều độc giả đặt câu hỏi với Báo Tiếng nói Việt Nam (TNVN) rằng thời điểm giá vàng tăng giảm liên tục thế này có nên đầu tư vào vàng hay không? Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Rõ ràng là không nên rồi. Bởi vì giá vàng lên xuống trong một ngày có thể mất hàng 2 - 3 triệu đồng/lượng, và chênh lệch giữa giá vàng SJC với giá vàng bình quân của thế giới khoảng 18 - 20 triệu đồng/lượng, giá vàng nhẫn với giá vàng thế giới cũng cách 3 - 5 triệu thì rõ ràng là rất rủi ro. Bởi vì thể nào nó cũng phải quay về với giá vàng thế giới, có chênh lệch cũng chỉ một chút thôi chứ không thể quá cao như hiện tại. Thứ hai là khoảng cách giữa giá mua vào và giá bán ra quá lớn, 2,5- 3 triệu đồng/lượng. Thế thì kể cả mua lướt sóng thì nhà đầu tư cũng có lãi gì đâu, vì chênh lệch như vậy cứ mua vào bán ra đã mất 2,5 - 3 triệu đồng rồi. Như vậy, nếu toan tính đầu tư ngắn hạn, hay còn gọi là lướt sóng, là không thể  sinh lời rồi, còn đầu tư dài hạn cũng khó vì vàng sẽ quay về mốc gần với giá bình quân của thế giới và như vậy thì rủi ro rất cao nếu như bạn mua vào.

Ông nhìn nhận như thế nào về thị trường vàng trong nước sau 12 năm áp dụng Nghị định 24/2012?

Thực ra để đánh giá 12 năm áp dụng Nghị định 24/2012 một cách đầy đủ, toàn diện thì phải đợi Ngân hàng Nhà nước, vì chỉ có họ mới có đầy đủ công cụ. Thế nhưng thực tế chúng ta thấy rằng giá vàng trong 12 năm áp dụng Nghị định 24/2012 đến nay tương đối ổn định so với giá vàng thế giới, mặc dù không liên thông một cách trực tiếp. Chiều tăng thì tăng ngay theo giá vàng thế giới, chiều giảm thì chậm hơn và bao giờ cũng có khoảng cách so với giá vàng bình quân của thế giới. Cái được lớn nhất là từ chỗ trước đây vàng như một đơn vị tiền tệ để đo giá trị hàng hóa, được giao dịch một cách tương đối phổ biến trong nền kinh tế quốc dân, từ việc mua cái xe đạp chẳng hạn, cho đến máy giặt tủ lạnh...là người ta đã tính ra bao nhiêu cây (lượng vàng), bao nhiêu chỉ. Rồi đến mua nhà, mua đất đương nhiên phải quy đổi ra vàng. Nhưng bây giờ không ai còn dùng vàng làm thước đo giá trị hàng hóa.

Đã có thời gian chúng ta ước tính có khoảng 500 tấn vàng trong dân

Trước đây giá vàng tác động rất lớn đến tình hình kinh tế, chính trị, xã hội, đến giá cả và sự ổn định của nền tài chính tiền tệ thì đến bây giờ những tác động đó giảm đi rất nhiều, cụ thể là vừa qua giá vàng tăng mạnh, nhiều biến động nhưng thị trường tài chính cũng như tỉ giá không bị xáo trộn nhiều. Đó chính là thắng lợi rất lớn của Nghị định 24/2012. Đồng thời tuy vẫn nằm trong nhóm các kênh đầu tư tài chính nhưng vàng không còn thu hút nguồn lực trong dân như trước kia, bởi không có tình trạng tăng giảm đột ngột, bất thường. Có thể nói rằng nguồn lực trong xã hội được chuyển vào tiền gửi tiết kiệm, đầu tư chứng khoán hoặc vào các hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh khác, đó là điều tốt.

Vậy theo ông thời gian tới chúng ta nên sửa đổi Nghị định 24 theo hướng nào?

Tôi là người tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến để xây dựng Nghị định 24/2012, ở đó có yếu tố mà chúng tôi cho rằng rất cần thiết, đó là phải có sự tham gia của Nhà nước vào quản lý theo tinh thần chống “vàng hóa” nền kinh tế để giảm áp lực “đô la hóa”, “vàng hóa” trong nền kinh tế đến mức tối đa và nâng cao giá trị của đồng Việt Nam cũng như tránh tình trạng đầu cơ về vàng, ảnh hưởng đến hoạt động huy động vốn cũng như sử dụng vốn.

Thời điểm đó, cơ quan soạn thảo và các chuyên gia cũng xác định cần phải xây dựng một thị trường vàng hoạt động theo cơ chế thị trường, và mục tiêu hoàn thiện là vào các năm khoảng 2012 - 2013. Chúng tôi cho rằng cần xây dựng một sàn vàng đáp ứng nhu cầu kinh tế thị trường. Thế nhưng, thực tiễn gần đây, qua quá trình nghiên cứu, xem xét hoạt động của các thị trường vàng trên thế giới thì chúng tôi phân vân về việc có nên thành lập sàn vàng ở Việt Nam trong gia đoạn này hay không? Việc xây dựng mô hình kinh doanh vàng theo kinh tế thị trường là rất cần thiết, nhưng cần xác định rõ nên phát triển theo hướng nào để vừa tận dụng được hoạt động sản xuất kinh doanh vàng, đặc biệt là vàng trang sức, hướng tới xuất khẩu trang sức, nhưng cũng đồng thời cũng phải đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận dân cư, khi người ta muốn tích trữ một lượng vàng nho nhỏ nào đó, dù thực chất lượng vàng này nói nhỏ nhưng mà cũng không nhỏ, đã có thời gian chúng ta ước tính có khoảng 500 tấn vàng trong dân. Đó là quyền của công dân được luật pháp cho phép và là phương thức tiết kiệm, tích cóp để chuẩn bị cho những khoản chi tiêu lớn của bản thân và gia đình, đồng thời cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến sự phát triển kinh tế.

Chúng ta cần đặt mục tiêu phát triển được ngành sản xuất, chế tác và kinh doanh vàng trang sức vì rõ ràng bàn tay người thợ Việt Nam trong chế tác vàng được thế giới đánh giá cao. Vì vậy đây là một lĩnh vực sản xuất cần phải quan tâm, phải đáp ứng được nhu cầu nguyên liệu nhưng đồng thời phải tiếp tục chống "vàng hóa", sử dụng các công cụ và phương tiện hiện đại để tiết kiệm, chống lãng phí, chống thất thoát ngoại tệ.

Đối với các hoạt động kinh doanh vàng phi vật chất dưới hình thức là chứng chỉ vàng, tín chỉ vàng... từ đó thành lập sàn vàng phi vật chất thì cũng cần nghiên cứu và xem xét kỹ. Bởi bây giờ thành lập một sàn vàng sẽ phải đáp ứng rất nhiều yêu cầu về phương thức hoạt động, cơ cấu tổ chức bộ máy, quy định, cơ chế, chi tiêu lương bổng.... và phải có thời gian vận hành thử nghiệm thận trọng trước khi áp dụng chính thức. Cần cân nhắc việc vận hành sàn vàng này có phù hợp với tập quán kinh doanh của Việt Nam hay không, và dù thế nào thì thị trường vàng vẫn phải nằm trong sự quản lý của Nhà nước. Do đó, cần đánh giá kỹ để việc sửa đổi Nghị định 24/2012 vừa phù hợp với kinh tế thị trường, phát huy thế mạnh của thị trường vàng, vừa đảm bảo được sự quản lý của Nhà nước đối với một nguồn lực rất quan trọng của đất nước.

Xin cảm ơn PGS.TS Đinh Trọng Thịnh./.

Tiến hành ngay việc tổng kết thực hiện Nghị định số 24/2012/NĐ-CP

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 23/CĐ-TTg ngày 20/3/2024 yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng.

Công điện gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Bộ trưởng các Bộ: Công an, Công Thương, Tài chính, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông và Tổng Thanh tra Chính phủ nêu: Trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1426/CĐ-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2023 về các giải pháp quản lý thị trường vàng; Chính phủ đã có Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2024 chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo dõi chặt chẽ diễn biến giá vàng thế giới và trong nước để kịp thời thực hiện các biện pháp bình ổn thị trường vàng; lãnh đạo Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện các biện pháp quản lý, giám sát hoạt động thị trường vàng.

Tuy nhiên, thị trường vàng thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, giá vàng trong nước biến động mạnh, ảnh hưởng đến sự ổn định, an toàn thị trường tài chính, tiền tệ và tâm lý xã hội. Để tăng cường các biện pháp quản lý và phát triển thị trường vàng an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan:

a) Khẩn trương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả, kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp bình ổn thị trường vàng được giao tại Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2024 của Chính phủ, Công điện số 1426/CĐ-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 15 tháng 02 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ và ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ tại các công văn số 1035/VPCP-KTTH ngày 17 tháng 02 năm 2024, công văn số 1696/VPCP-KTTH ngày 15 tháng 3 năm 2024 và các văn bản có liên quan.

b) Tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới và trong nước để khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp theo quy định để bình ổn, ổn định thị trường vàng; đánh giá toàn diện, phân tích kỹ lưỡng và có các giải pháp hiệu quả, kịp thời, đúng quy định, theo nguyên tắc thị trường để xử lý ngay tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao trong thời gian qua, không để tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế, không để tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả triển khai thực hiện trong tháng 3 năm 2024.

c) Rà soát kỹ lưỡng, toàn diện khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách liên quan đến quản lý thị trường vàng và hoạt động kinh doanh vàng miếng, vàng trang sức... Thực hiện ngay việc tổng kết thực hiện Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng để kịp thời đề xuất cấp thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm tăng cường hiệu quả các công cụ quản lý nhà nước, bổ sung các biện pháp xử lý theo thẩm quyền phù hợp quy định, phát triển thị trường minh bạch, lành mạnh, hiệu quả và bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 22 tháng 3 năm 2024.

d) Thực hiện ngay việc thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng và các chủ thể khác tham gia thị trường; kịp thời phát hiện những sơ hở, bất cập để xử lý chủ động, tích cực, hiệu quả theo thẩm quyền và báo cáo đề xuất cấp có thẩm quyền các biện pháp xử lý phù hợp, đúng quy định đối với những vấn đề vượt thẩm quyền; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật, nhất là các hành vi buôn lậu vàng qua biên giới, trục lợi, đầu cơ, thao túng, lợi dụng chính sách đẩy giá của các tổ chức, cá nhân… gây mất ổn định, an toàn thị trường vàng; trường hợp phát hiện hoạt động kinh doanh vàng có dấu hiệu vi phạm pháp luật, kịp thời chuyển tài liệu, hồ sơ cho cơ quan chức năng để xử lý nghiêm, công khai, minh bạch theo quy định pháp luật; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 3 năm 2024.

đ) Chủ động hơn nữa trong công tác thông tin, truyền thông, kịp thời cung cấp các thông tin chính thức, công khai, minh bạch về chủ trương, chính sách quản lý thị trường tài chính, tiền tệ, ngoại hối và vàng, củng cố niềm tin vào giá trị đồng Việt Nam và ổn định tâm lý người dân, tạo đồng thuận xã hội.

2. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan thanh tra, kiểm tra, bảo vệ pháp luật và cơ quan chức năng liên quan khẩn trương thực hiện ngay các biện pháp theo quy định để xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến thị trường vàng và hoạt động kinh doanh vàng, nhất là các hành vi buôn lậu, thao túng, đầu cơ trục lợi, đẩy giá vàng miếng….

3. Các Bộ: Công an, Công Thương, Tài chính, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, các cơ quan liên quan và các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về quản lý thị trường vàng, kịp thời chia sẻ, cung cấp thông tin và chủ động xử lý các công việc, nhiệm vụ theo thẩm quyền, kịp thời báo cáo cấp thẩm quyền các vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền.

4. Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao; báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền./.

Nguồn: baochinhphu.vn

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận