Dư luận đang xôn xao khi Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) thông báo sẽ dừng chạy tàu do những vướng mắc, khó khăn trong quản lý, bảo trì hạ tầng đường sắt. Số phận hơn 11 nghìn người lao động sẽ về đâu?
“Sẽ dừng chạy tàu”
Đó là nội dung ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên VNR cho biết. Theo ông Minh, khi còn thuộc Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), từ tháng 11-12 của năm trước, bộ GTVT đã giao dự toán ngân sách để duy tu đường sắt cho VNR. Từ đó, VNR ký hợp đồng đặt hàng công việc năm tiếp theo cho 20 công ty thành viên.
Tuy nhiên, tháng 11/2018, quyền đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp được chuyển từ Bộ GTVT sang Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban). Từ đó tới nay, VNR gặp nhiều khó khăn trong quản lý, bảo trì hạ tầng đường sắt.
Từ ngày 1/1/2020, VNR không được giao dự toán ngân sách duy tu đường sắt năm 2020 và không thể ký hợp đồng với các đơn vị thành viên. Trong khi đó, các công ty con vẫn phải đảm bảo an toàn chạy tàu, duy tu, bảo dưỡng, gác chắn... và trả lương cho người lao động.
“Nếu những đơn vị này không thực hiện các công việc như năm trước sẽ buộc phải dừng tàu. Việc tổng công ty dùng mệnh lệnh hành chính, đơn vị thành viên vẫn phải đảm bảo an toàn chạy tàu là sai, nhưng vẫn phải chỉ đạo. Nếu từ nay tới hết tháng 3/2020 tiếp tục không được giao dự toán ngân sách, VNR buộc phải dừng tàu vì không đảm bảo an toàn. Đây là việc hết sức cấp bách,” ông Minh nói.
VNR kiến nghị Thủ tướng chấp thuận cơ chế để Bộ GTVT giao phần vốn ngân sách bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt năm 2020 cho VNR (như năm 2019 về trước); Chính phủ xem xét, cho phép VNR được chuyển trở lại về Bộ GTVT...
Thành viên VNR vay tiền trả lương người lao động
Ông Đậu Văn Long, Chủ tịch HĐQT Cty CP Đường sắt Hà Ninh cho biết: “Dù chưa ký hợp đồng, nhưng từ tháng 1 tới nay, công ty vẫn phải tạm ứng tiền để thực hiện các công việc duy tu, bảo dưỡng, tuần đường, gác chắn... Tiền mua vật tư, thiết bị công ty vẫn nợ các nhà cung cấp, còn tiền lương cho người lao động thì lấy từ các khoản khác chuyển sang, đảm bảo đường sắt an toàn”, ông Long nói.
Tương tự, từ Tết Nguyên đán tới nay, người lao động tại Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Thái cũng tỏ ra lo lắng khi chỉ được công ty cho tạm ứng lương từ 2 đến 3 triệu đồng/người. Với những công nhân làm công việc như gác chắn, tuần đường sắt, vốn dĩ lương đã thấp, nay còn khó khăn hơn, dù công việc vẫn phải đảm bảo.
“Dù chưa ký được hợp đồng bảo trì năm 2020 với tổng công ty nhưng công nhân vẫn phải thực hiện công việc, đường sắt vẫn phải đảm bảo an toàn, thông suốt, nên chúng tôi đành đi vay để tạm ứng lương, đợi tháo gỡ cơ chế”, ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc Cty CP Đường sắt Hà Thái nói.
Ông Vũ Anh Minh cho biết, ngành đường sắt đang đối mặt với nguy cơ dừng chạy tàu và hơn 1 vạn người lao động không có lương. Người đứng đầu VNR đánh giá đây là khó khăn, vướng mắc lớn nhất của đơn vị, ảnh hưởng trực tiếp hoạt động của toàn ngành đường sắt. Vướng mắc này theo ông Minh không phải do Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước mà do cơ chế, chính sách.
Hiện VNR có 20 công ty con với tổng số 11.315 người lao động trong khối hạ tầng, đảm bảo tuần đường gác chắn trên 1.519 đường ngang và 3.059 km đường sắt đi qua 34 tỉnh, thành dọc chiều dài đất nước.
“Đến hôm nay Tổng Công ty vẫn chưa nhận được dự toán và trên 1 vạn con người không có tiền lương. Như thế chỉ có thể dừng tàu thôi. Nếu dừng tàu thì ảnh hưởng đến cả hoạt động sản xuất kinh doanh, cả an sinh, nhưng cho chạy tàu thì trái luật, khi tuần đường gác, chắn mà để xảy ra tai nạn thì lãnh đạo đơn vị đó có thể bị khởi tố. Nên không lẽ lại dừng tàu?”, ông Minh bày tỏ./.
PV tổng hợp