Ngày 22/7, Ban Kinh tế Trung ương và Chính phủ đồng chủ trì tổ chức Diễn đàn cấp cao về Năng lượng Việt Nam 2020, triển khai thực hiện Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban kinh tế Trung ương khẳng định, năng lượng là ngành kinh tế - kỹ thuật giữ vai trò trọng yếu và có tính tiên phong, làm nền tảng phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Phát triển năng lượng là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược quan trọng để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bên cạnh đó, phát triển năng lượng còn gắn chặt chẽ với những hoạt động về chính trị - ngoại giao, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường sinh thái.
Thời gian qua, ngành năng lượng nói chung và ngành điện lực nói riêng đã có bước phát triển nhanh, tương đối đồng bộ trong tất cả các phân ngành, lĩnh vực năng lượng; đã bám sát định hướng và hoàn thành cơ bản các mục tiêu cụ thể đề ra. Ngành năng lượng trở thành ngành kinh tế năng động, đóng góp rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại nhiều địa phương và đất nước.
Tuy vậy, ngành năng lượng Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia còn nhiều thách thức; các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn; nhiều dự án điện bị chậm so với quy hoạch, kế hoạch; một số chỉ tiêu bảo đảm an ninh năng lượng đang biến động theo chiều hướng bất lợi.
Cùng với đó, công tác quản lý, khai thác nguồn tài nguyên năng lượng còn nhiều hạn chế. Hiệu quả khai thác, sử dụng năng lượng còn thấp. Thị trường năng lượng cạnh tranh phát triển chưa đồng bộ, thiếu liên thông giữa các phân ngành, giữa phát điện với truyền tải điện; độc quyền Nhà nước còn cao; chính sách giá năng lượng còn bất cập, chưa hoàn toàn phù hợp với cơ chế thị trường, chưa tách bạch với chính sách an sinh xã hội.
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng khẳng định, để đảm bảo ANNL, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh trong tình hình mới, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 55/NQ về định hướng phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hệ thống đã đề ra một hệ thống những quan điểm, mục tiêu và những nhiệm vụ giải pháp để phát triển ngành năng lượng Việt Nam đảm bảo chất lượng, hiệu quả, phát triển bền vững và góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: “Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ cũng quan tâm chỉ đạo thực hiện xây dựng cơ chế, thể chế chuyển đổi ngành năng lượng sang hoạt động theo cơ chế thị trường. Cho đến nay, ngành điện Việt Nam đã hoạt động với mô hình thị trường bán buôn điện cạnh tranh (từ đầu năm 2019) và việc điều chỉnh giá bán lẻ điện đã được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự kiểm soát của Nhà nước. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng và sớm hoàn thiện Đề án phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đảm bảo bám sát các chủ trương, định hướng; sớm đưa thị trường bán lẻ điện cạnh tranh vào thí điểm năm 2022 và phấn đấu có thị trường hoàn chỉnh từ năm 2023; vận hành thị trường than cạnh tranh đầy đủ tại các phân khúc thị trường than giai đoạn 2026-2030 cũng nhưđẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, thí điểm mô hình Thị trường cạnh tranh phân phối khí đường ống hạ nguồn, từng bước đồng bộ thị trường khí với thị trường điện ở nước ta”.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Bộ Công Thương, dưới góc độ là cơ quan đầu mối tham mưu cho Chính phủ trong lĩnh vực năng lượng, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Chính phủ để sớm ban hành Chương trình hành động của Chính phủ, làm cơ sở để xây dựng những kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết.
Hiện nay, nhiều khó khăn, vướng mắc tại các quy định liên quan tới công tác đầu tư, thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia phát triển các dự án ngành năng lượng, đặc biệt là trong lĩnh vực điện lực, còn nằm rải rác tại một số Luật, như Luật Điện lực, Luật Dầu khí, Luật Khoáng sản... Các Luật này cần phải sớm được tổng kết, rà soát và sửa đổi để hạn chế tối đa sự chồng chéo, mẫu thuẫn giữa các luật, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, nhất quán và tháo gỡ những nút thắt còn tồn tại từ lâu nay, tạo điều kiện cho ngành năng lượng có thể biến đổi cả về chất và lượng theo chiều hướng ngày càng tốt lên./.
Nguyên Long/VOV.VN