Phát triển nền tảng phát thanh số, truyền hình số Quốc gia

Đây là thông tin tại 'Hội thảo thúc đẩy phát triển nền tảng phát thanh số Quốc gia, nền tảng truyền hình số Quốc gia' diễn ra mới đây.

 

Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số và các nền tảng xã hội trên không gian mạng, để có cơ sở phát triển bền vững, cạnh tranh được với các nền tảng này, các đài phát thanh truyền hình (PT-TH) phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, xây dựng nền tảng số Quốc gia về PT-TH để liên kết hợp tác trong sản xuất nội dung, ứng dụng công nghệ và quản lý vận hành có hiệu quả. Đây là thông tin đưa ra tại “Hội thảo thúc đẩy phát triển nền tảng phát thanh số Quốc gia, nền tảng truyền hình số Quốc gia” diễn ra mới đây.

Hội thảo do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức với sự tham gia của lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, lãnh đạo nhiều đài PT-TH địa phương và doanh nghiệp công nghệ số.

Công nghệ số sẽ thay đổi các đài PT-TH

Trong bối cảnh công nghệ số, chuyển đổi số như hiện nay, sự phát triển đột phá về công nghệ ảnh hưởng tới mọi lĩnh vực, trong đó có báo chí, phát thanh, truyền hình (PT-TH). Công nghệ số sẽ thay đổi các đài PT-TH, giúp các đài thực hiện “sứ mệnh” của mình tốt hơn nếu kịp thời chuyển biến mạnh mẽ và nắm bắt cơ hội cạnh tranh, phát triển.

Theo ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ TT&TT, với mục tiêu hình thành hệ sinh thái các nền tảng số Việt Nam, đáp ứng cơ bản yêu cầu chuyển đổi số, góp phần quan trọng để đạt các chỉ tiêu chiến lược Quốc gia, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, đặc biệt là tập hợp được các công nghệ Việt Nam xuất sắc để phát triển những nền tảng số Quốc gia, Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia, Chiến lược phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số đã chỉ ra các việc mà chúng ta cần làm. Đó là phát triển nền tảng số Quốc gia trong từng ngành, lĩnh vực và được sử dụng rộng khắp. Các chương trình Quốc gia cũng đặt ra nhiệm vụ quan trọng cho hai đài xây dựng, phát triển hai nền tảng phát thanh số và nền tảng truyền hình số mang tầm Quốc gia, thu hút được đông đảo người dân Việt Nam sử dụng.

Ông Vũ Hải Quang, Phó Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Nội dung của các đài PT-TH được cung cấp trên 2 nền tảng Quốc gia là nền tảng phát thanh số do Đài Tiếng nói Việt Nam chủ trì và nền tảng truyền hình số do Đài Truyền hình Việt Nam chủ trì theo nguyên tắc đảm bảo chất lượng, giảm chi phí, tăng năng suất lao động một cách chủ động, kịp thời đáp ứng được nhu cầu của xã hội.

Theo các đại biểu, công nghệ số sẽ giúp các đài PT-TH thực hiện sứ mệnh của mình tốt hơn nếu kịp thời chuyển biến mạnh mẽ và nắm bắt được cơ hội. Tham gia 2 nền tảng Quốc gia này, thay vì chỉ tiếp cận một lượng khán thính giả của địa phương, vùng miền, nội dung của các đài sẽ tiếp cận được với tệp khán giả có sẵn lên tới hàng chục triệu người dùng. Đồng thời, giúp các đài đẩy nhanh chuyển đổi số, giảm thiểu chi phí khi tự thân phát triển các ứng dụng, nền tảng và tăng mức độ tiếp cận đến khán giả.

Ông Vũ Hải Quang, Phó Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho biết, hiện nay, Đài Tiếng nói Việt Nam xây dựng nền tảng số Quốc gia về phát thanh số hướng đến việc cung cấp đầy đủ các kênh phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam và các đài phát thanh các tỉnh, thành phố trên cả nước.

“Các đài PT-TH trong cả nước cũng đều đang thực hiện phân phối nội dung trên các ứng dụng của internet. Việc chuyển đổi số nếu làm được sẽ đem lại rất nhiều lợi ích. Thứ nhất là giảm được đầu tư dàn trải và manh mún. Thứ hai, khi tập trung về một mối sẽ thu hút lượng khán thính giả và công chúng rất lớn cho một app hoặc ứng dụng hạ tầng số. Khi tập trung các chương trình PT-TH của cả nước về một mối, chúng ta có thể sử dụng chung dữ liệu. Nền tảng phát thanh số Quốc gia sẽ giúp công chúng có thể nghe trực tiếp, nghe lại các kênh phát thanh tại Việt Nam mọi lúc, mọi nơi, kể cả đối với thính giả, kiều bào ở nước ngoài. Đài Tiếng nói Việt Nam đang xây dựng Đề án nền tảng số phát thanh Quốc gia, dự kiến đầu quý III năm 2023 sẽ chính thức đưa vào hoạt động”, ông Vũ Hải Quang cho biết.

“Việc triển khai 2 nền tảng này đóng vai trò quan trọng và không chỉ có yếu tố then chốt trong đảm bảo an toàn an ninh mạng, đảm bảo sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng mà còn giúp tối đa hóa các lợi ích do công nghệ mang lại, ngăn chặn, giảm thiểu rủi ro mà công nghệ có thể gây ra cho toàn xã hội. Đây là hai nền tảng hiện đại, đa phương tiện hoạt động thông suốt, liên tục và đảm bảo an toàn”, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nói.

Tương lai của ngành PT-TH là “phát thanh thông minh”, “truyền hình thông minh” gắn liền với việc ứng dụng big data, trí tuệ nhân tạo. Chuyển đổi số là giải pháp duy nhất cho sự phát triển bền vững của ngành PT-TH, chuyển đổi số sẽ giúp tạo ra sự khác biệt, đa dạng thông tin, mở rộng khả năng đưa thông tin tiếp cận khán thính giả. Và trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, nền tảng số Quốc gia trong lĩnh vực PT-TH sẽ giúp các đài có cơ hội cạnh tranh với các nền tảng mạng xã hội, mang lại cơ hội phát triển bền vững cho các “nhà Đài”.

Chuyển đổi số và xây dựng nền tảng số là một bước tiến vượt trội so với ứng dụng công nghệ số, làm thay đổi các quy trình, hoạt động của các Đài theo hướng tạo ra giá trị nhiều hơn. Nền tảng số PT-TH Quốc gia sẽ giúp các Đài thực hiện nhanh qua trình chuyển đổi số, nhờ đó hiệu quả hoạt động của Đài sẽ tăng lên.

Không ít khó khăn

Theo ông Đinh Đắc Vĩnh, Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, trong nhiều năm nay sự bùng nổ của những nền tảng trực tuyến OTT, mạng xã hội,... đã ảnh hưởng đến các đài PT-TH về khía cạnh đưa thông tin đến khán giả, doanh thu… Với thực trạng như vậy, các đài đều đang vào cuộc chuyển đổi số, sử dụng nền tảng OTT nhưng việc sản xuất và phân phối nội dung vẫn còn là vấn đề nan giải.

Đài TNVN xây dựng nền tảng số Quốc gia về phát thanh số.

Theo ông Vĩnh, các nền tảng như Facebook, YouTube,… dù mới xuất hiện nhưng chiếm tới 80% doanh thu và chỉ còn 20% doanh thu dành cho đơn vị trong nước. Điều này cho thấy khán giả tiếp cận thông tin trên những nền tảng này rất lớn. Trong khi đó, các đài trong nước chỉ có nguồn nội dung hạn chế, nếu tự phát triển ứng dụng OTT cũng không có nhiều khán giả và không thể phát triển mạnh.

“Các đài PT-TH bao gồm Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và đài địa phương cần hợp tác. Ở đây là hợp tác trong sản xuất nội dung, trong phân phối nội dung, trong sử dụng chung nền tảng, không chỉ là nền tảng phát thanh số hay truyền hình số mà còn những nền tảng khác như: quản trị, quản lý, điều hành. Trong công cuộc chuyển đổi số, về phía Bộ Thông tin và Truyền thông cần định hướng phát triển các nền tảng Quốc gia để nền tảng ứng dụng đồng nhất lãnh thổ Việt Nam cũng như tiết kiệm chi phí đầu tư” - ông Vĩnh cho hay.

“Cần phải có sự chung tay, góp sức của cả xã hội, liên kết với nhau để tạo ra một hệ thống lớn, đủ sức cạnh tranh một cách sòng phẳng với các nền tảng xuyên biên giới - hiện tại đang rất lớn mạnh tại Việt Nam”, ông Phạm Anh Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số (VTV Digital), Đài Truyền hình Việt Nam nêu ý kiến.

Còn theo ông Vũ Hải Quang, các nền tảng số phát thanh Quốc gia dùng chung giúp giảm thiểu đầu tư, tránh dàn trải. Các đài sử dụng chung được nguồn dữ liệu; thu hút lượng công chúng tập trung về một mối dễ nghe và tiếp cận thông tin. Tuy nhiên, để làm được điều này, Phó Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam kiến nghị Bộ TT&TT bổ sung thêm cơ sở, căn cứ pháp lý để các đài có thêm được nguồn lực đầu tư từ ngân sách, xây dựng cơ chế chính sách đột phá, trong đó có sự tham gia của các doanh nghiệp chung tay giải các bài toán về kết nối hạ tầng, kết nối điện toán đám mây...

Theo lộ trình, hai nền tảng phát thanh số và truyền hình số Quốc gia sẽ triển khai ngay trong năm nay. Dự kiến đến tháng 4/2023 sẽ có 20 - 25 đài PT-TH sử dụng nền tảng truyền hình số, tháng 6/2023, dự kiến ra mắt nền tảng phát thanh số.

Cả nước hiện có 72 cơ quan hoạt động PT-TH, các đài PT-TH. Trong đó bao gồm 2 đài Quốc gia là Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam; 64 đài PT-TH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 5 đơn vị hoạt động truyền hình, các đài PT-TH này đang thực hiện sản xuất 76 kênh phát thanh; 194 kênh truyền hình khác nhau.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận