Thi phát thanh trực tiếp: Cuộc tranh tài của những chương trình hay, hấp dẫn

Với 33 tác phẩm dự thi phát thanh trực tiếp, đây là kỳ Liên hoan có số đơn vị dự thi thể loại phát thanh trực tiếp nhiều nhất.

 

Với 33 tác phẩm dự thi phát thanh trực tiếp, đây là kỳ Liên hoan có số đơn vị dự thi thể loại phát thanh trực tiếp nhiều nhất. Các ekip dự thi đã tạo nên không khí sôi động và cạnh tranh khá quyết liệt. Bên cạnh việc tự tin, chuyên nghiệp, thể hiện nội dung hay, hấp dẫn, các ekip thực hiện chương trình phát thanh trực tiếp đã sử dụng nền tảng mạng xã hội để lan tỏa thông tin, tương tác với khán thính giả.

Nhiều đề tài nóng, gai góc, nhạy cảm

Từ ngày 8 – 11/7, sau 4 ngày tranh tài ở thể loại phát thanh trực tiếp, ấn tượng đọng lại đối với thính giả và ban giáo khảo là nhiều nội dung “nóng” được phản ánh, bàn luận, mổ xẻ trên làn sóng phát thanh, nhiều ekip thực hiện chương trình với sự tự tin, chuyên nghiệp.

Mở màn vòng thi phát thanh trực tiếp tại Liên hoan lần này là ekip của Đài PT-TH Hà Nội đã chọn vấn đề giao thông tại Thủ đô qua chương trình “Hà Nội cao điểm sáng: Hà Nội hướng tới giao thông xanh”. Với sự dẫn dắt của người dẫn chương trình, kết nối trực tiếp với các nhân vật, sự kiện đang diễn ra tại Hà Nội, chương trình mang hơi thở cuộc sống đến với thính giả một cách nhanh nhất, gần gũi nhất. Xem và theo dõi các bạn đồng nghiệp đến từ Đài PT-TH Hà Nội, đội ngũ phóng viên, biên tập viên các đài địa phương trầm trồ bởi đơn vị này đã mang toàn bộ máy móc từ Hà Nội vào Thanh Hóa để phục vụ cho quá trình kết nối thông tin về giao thông tại Hà Nội với 5 điểm cầu.

“Sập bẫy mạng ở miền núi vùng cao” - một vấn đề không mới nhưng khó ngăn chặn. Việc này càng trở nên nhức nhối khi nó xảy ra với người dân miền núi, nơi đồng bào còn hạn chế về kiến thức và khó khăn về kinh tế. Đây chính là lý do ekip của Ban Dân tộc (VOV4) Đài Tiếng nói Việt Nam chọn đề tài này để thực hiện. Ekip thực hiện đã chọn câu chuyện của chị Ma Thị Nhì ở huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang để truyền thông đến mọi người qua phần thi phát thanh trực tiếp.

Cũng theo nhà báo Thu Hòa, những câu chuyện trên sóng đến với khán thính giả như một bài học kinh nghiệm, lời khuyến cáo mọi người để không bị lừa đảo trên mạng, không tin tưởng, không chuyển tiền cho bọn lừa đảo.

Trong vòng chung khảo này, tác phẩm của ekip Đài PT-TH Thanh Hóa với chủ đề “Ngăn chặn sóng ngầm tà đạo” cũng được đánh giá cao. Để thực hiện được chương trình này, ekip chương trình phát thanh trực tiếp của Đài PT-TH tỉnh Thanh Hoá đã tức tốc vượt gần 300km, có mặt tại biên giới huyện Mường Lát, nơi đây từng là điểm nóng của tà đạo. Biên tập viên Thuỳ Dung cho biết: “Để chuẩn bị tốt cho phần thi trực tiếp, ekip chương trình đã có mặt tại huyện biên giới Mường Lát trước đó 1 ngày, chuẩn bị thiết bị, nội dung, trò chuyện với khách mời để làm sao có phần thi tốt nhất trong liên hoan năm nay. Tại đây cũng sẽ đặt điểm cầu trực tiếp, bổ trợ cho phần thi trực tiếp tại phòng thu Đài PT-TH Thanh Hoá bằng những câu chuyện cụ thể, xác thực”.

Thời gian qua, tình trạng “chơi some”, quan hệ tình dục tập thể không chỉ xuất hiện trong giới trẻ mà bắt đầu ngấm vào một bộ phận nhỏ tri thức. Nhận thấy cần có thông tin lên án thú chơi lệch lạc, đi ngược với thuần phong mỹ tục, cảnh báo và thức tỉnh những người đã và đang thực hiện quan hệ tình dục tập thể, ekip Đài PT-TH Hải Phòng đã trình diễn chương trình phát thanh trực tiếp “Chơi Some – những góc khuất”. Có thể nói đây là tác phẩm dự thi mạnh dạn và… khó nói, của ekip Đài PTTH Hải Phòng.

Theo nhà báo Lê Phương Thúy, Đài PT-TH Hải Phòng, ngay từ khi lựa chọn đề tài này, ekip thực hiện đã trăn trở rất nhiều. Bởi lẽ, đây là một nội dung khá nhạy cảm, câu hỏi đặt ra là truyền tải như thế nào tới người nghe để bảo đảm chất lượng thông tin, tính chân thực, và nhân văn, nhưng cũng phải khéo léo để tránh yếu tố phản cảm. Chính vì vậy ekip đã có sự đầu tư rất lớn về nhân vật, khách mời, tình tiết, chất lượng nội dung, đem đến những thông tin khách quan chân thực và đủ sức thuyết phục. Phóng viên khi khai thác vấn đề này đã phải nhập vai, biến mình thành người trong cuộc, từng bước làm quen tiếp cận với những đối tượng và tìm hiểu về thực trạng này.

Chuyên nghiệp và đầy nhân văn

“Mãi còn trong ký tức” - một chương trình do Phòng Thời sự Phát thanh, Trung tâm PT-TH Quân đội thể hiện với những nội dung đầy xúc động, ý nghĩa nhân văn, để lại ấn tượng tốt với thính giả và ban giám khảo. Theo nhà báo Đỗ Ngọc Linh, chương trình được ekip xây dựng nên bởi những câu chuyện xúc động và lần đầu tiên được kể bởi những người trong đội quy tập hài cốt liệt sĩ, họ vẫn đang từng ngày, từng giờ chỉ bằng sức vóc của đôi tay và lần theo miền ký ức xưa, để tìm kiếm và cất bốc hài cốt các liệt sĩ, đưa các anh, các chị về với quê hương. Ở đó cũng có sự trải lòng của một người phụ nữ đã dành hơn 30 năm đồng hành cùng các đội quy tập trong và ngoài nước, những nỗ lực của chị về hợp tác quốc tế trong tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ. Những người lính năm xưa đã ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ tới những chiến trường, thế nhưng hôm nay, ngày trở về của các anh, các chị thì lại cần đôi vai đồng đội, cần những con đường mà người còn sống xây đắp lên từ những miền ký ức, để trở về.

Để nội dung đạt chất lượng cao, hấp dẫn, ekip của nhà báo Đỗ Ngọc Linh đã gặp gỡ nhiều gia đình trên dải đất hình chữ S, hiện vẫn đang mong mỏi và khát khao mỗi ngày được đón người thân là liệt sĩ trở về quê nhà, để đưa những xúc cảm chân thật ấy đến với khán, thính giả. Ekip cũng tìm gặp các đồng chí đang công tác trong các đội quy tập của các quân khu để được nghe kể về công việc đặc thù và thiêng liêng này. Và ekip chương trình đã cùng đội quy tập Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa có mặt ở tỉnh Hủa Phăn, nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, để chứng kiến hiện trường tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ…

“Tất cả chúng ta, những người đang được sống trong hoà bình ngày hôm nay, đều phải có trách nhiệm để con đường trở về nhà của gần 180.000 liệt sĩ vẫn chưa được tìm thấy hài cốt, sẽ không còn xa nữa. Đó cũng chính là thông điệp mà chương trình muốn mang đến trong những ngày tháng Bảy linh thiêng và tháng Bảy tri ân này”, nhà báo Đỗ Ngọc Linh, chia sẻ.

Phát thanh trực tiếp, lâu nay vẫn là thế mạnh của Ban Thời sự Đài TNVN. Đến với vòng chung khảo lần này, ekip của Ban Thời sự tiếp tục lấy Chương Theo dòng Thời sự - một trong những show phát thanh đồng hành của Ban Thời sự thu hút đông khán thính giả và có thương hiệu của VOV1 đi tham dự Liên hoan. Nghe và theo dõi chương trình do ekip thực hiện, thính giả nhận thấy đây là chương trình phát thanh Thời sự mang đậm tính chất của phát thanh hiện đại, ekip thể hiện một cách chuyên nghiệp. Những nội dung của chương trình bám sát các vấn đề, sự kiện trong nước và quốc tế nóng đang diễn ra. Kết cấu và tiết tấu nhanh, nội dung phong phú gồm phần headline, điểm tin trong nước quốc tế ngắn (3-4 phút); chuyên mục câu chuyện Thời sự; chuyên mục Thế giới đa chiều (Vấn đề Quốc tế). Hai chuyên mục này bàn những nội dung nóng trong nước và quốc tế, và chuyên mục cuối cùng là: Góc nhìn cuộc sống khoảng 3-4 phút, thường là phóng sự phát thanh về những câu chuyện, nhân vật, hình ảnh đẹp trong cuộc sống hàng ngày ở mọi miền Tổ quốc với mong muốn lan tỏa năng lượng tích cực tới khán thính giả cả nước vào đầu giờ sáng mỗi ngày làm việc.

Theo nhà báo Thanh Trường, Ban Thời sự, tham dự Liên hoan Phát thanh lần này ekip thực hiện đã lựa chọn chủ đề cho chuyên mục câu chuyện Thời sự là: “Chấn chỉnh tu sĩ thuyết giảng gây hoang mang, giữ gìn chính pháp”. Ekip của Ban Thời sự chọn chủ đề này vì thời gian qua một số vị tu sĩ có những bài thuyết giảng sai giáo lý, giáo luật của Phật giáo, phi khoa học, nhuốm màu ma mị, gây bức xúc dư luận, làm một bộ phận người dân, phật tử hiểu sai về đạo Phật và làm giảm uy tín của Giáo hội. Một số vị tu sĩ như Đại đức Thích Trúc Thái Minh, thượng tọa Thích Chân Quang, Đại đức Thích Nhuận Đức… đã bị Giáo hội Phật giáo Việt Nam xử lý kỷ luật. Nhưng vẫn còn đó những bài thuyết giảng sai pháp của các vị tu sĩ này lan tràn trên mạng internet mà chưa được gỡ bỏ, tiềm ẩn nhiều hệ lụy. Trong chuyên mục này, khách mời của ekip Ban Thời sự là người am hiểu về đạo Phật, nhà báo nhà nghiên cứu phật học Hoàng Anh Sướng, cùng các khách mời đại diện cho Giáo hội phật giáo Việt Nam, Đại biểu Quốc hội, đã phân tích về những sai phạm của các vị tu sĩ, hình thức xử lý của Giáo hội, trách nhiệm của cơ quan quản lý trong việc chủ động xử lý, ngăn chặn những bài thuyết giảng sai pháp, nhuốm màu mê tín dị đoan, ma mị, và cách giúp người dân hiểu đúng về đạo Phật.

Áp dụng công nghệ chuyển đổi số, phát thanh đa nền tảng

Đáng chú ý trong kỳ thi phát thanh trực tiếp lần này, các ekip dự thi đã tận dụng thế mạnh của các nền tảng mạng xã hội để lan tỏa bài thi chung khảo, tương tác với khán thính giả.

Theo nhà báo Lê Phương Thúy, Đài PT-TH Hải Phòng, để lan tỏa tác phẩm “Chơi Some – những góc khuất” ekip thực hiện đã lựa chọn hình thức livestream trực tiếp trên fanpage “Kênh THP giao thông Fm1012,2mhz”. 500 bình luận, gần 700 lượt like, 500 lượt chia sẻ và 20 nghìn lượt xem là những con số thực thống kê trong chỉ 30 phút lên sóng. Chính vì thế mà nội dung của tác phẩm được lan toả một cách rộng rãi không chỉ trên Facebook mà cả trên tiktok và Youtube. Nhanh chóng Viral trên các nền tảng này. Phải kể đến một số Fanpage lớn của Việt Nam ví dụ tính đến 16h ngày 11/07, Fanepage Beat VN: 8,6 nghìn lượt like, 1,7 nghìn bình luận, 98 lượt chia sẻ.

Còn theo nhà báo Đỗ Ngọc Linh, ekip thực hiện livestream chương trình lên fanpage của Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội, và theo thống kê trong 30 phút diễn ra chương trình, đã có gần 5.000 lượt xem. Rất nhiều bình luận của khán, thính giả trong cả nước đã gửi về tương tác với chương trình và hai vị khách mời, trong đó có nhiều câu hỏi về chính sách đối với người có công với cách mạng; nhiều gia đình gửi thông tin về liệt sĩ với mong muốn được hỗ trợ tìm kiếm.

Tất cả những câu hỏi của thính giả cũng như thông tin liệt sĩ đều đã được ekip chương trình lưu lại và sẽ liên hệ với các cơ quan chức năng như Cục Chính sách, Cục Người có công để trả lời sớm nhất cho khán, thính giả. Nội dung giải đáp cho quý thính giả sẽ được cập nhật trong các chuyên mục của chương trình Phát thanh Quân đội nhân dân, như mục Nhắn tìm đồng đội, mục Bạn nghe đài với Phát thanh Quân đội nhân dân.

Đặc biêt, chương trình phát thanh trực tiếp “Hạnh phúc cho em” do ekip Đài PT-TH Sơn La thực hiện, với thông điệp đầy ý nghĩa, chia sẻ và lan tỏa những cách làm hay, mô hình chuyển đổi số thiện nguyện hiệu quả, huy động nguồn lực, hỗ trợ học sinh vùng khó khăn. Đồng thời là nhịp cầu nối những tấm lòng hảo tâm tới những hoàn cảnh, địa chỉ khó khăn cần được giúp đỡ. Ngay sau chương trình phát thanh trực tiếp này, ekp thực hiện và Hệ sinh thái nuôi em Mộc Châu đã nhận được kết nối của rất nhiều khán thính giả. Nhiều mạnh thường quân đã quyết định đồng hành, tài trợ cho giáo dục vùng cao Sơn La với số tiền gần 260 triệu đồng.

Theo nhà báo Thanh Trường, công nghệ phát triển mạnh mẽ như vũ bão hiện nay đang tạo ra nhiều thuận lợi cho báo chí nói chung và phát thanh nói riêng, nhưng cũng rất nhiều áp lực, thách thức. Nhà báo Thanh Trường cho rằng, nội dung là quan trọng nhất, là vua, công nghệ tiên tiến đến mấy cũng chỉ là phụ trợ, hỗ trợ lan tỏa. Bởi vậy, mỗi tác phẩm báo chí phát thanh phải có nội dung cuốn hút người nghe, người xem, xu hướng càng ngắn gọn càng trực diện vấn đề càng tốt, đi sâu làm kỹ theo hướng phân tích, bình luận, đưa ra góc nhìn của mình thay vì chạy đua đưa tin như mạng xã hội và các trang tin.

Theo nhà báo Nguyễn Vũ Duy, Trưởng Ban Thời sự, Trưởng tiểu ban phát thanh trực tiếp, Ban giám khảo nội dung thi phát thanh trực tiếp rất ấn tượng về sự chuẩn bị hết sức công phu, kỹ lưỡng của các đơn vị tham gia dự thi. Các nội dung đều được truyền tải trên sóng phát thanh, đồng thời cũng được phân phối, chia sẻ trên nền tảng internet qua các kênh fanpage. Điều đó giúp lan toả các nội dung của chương trình. Các tác phẩm dự thi để lại những ấn tượng về cách tiếp cận, cách đặt vấn đề, và đây là điều sẽ khiến Ban giám khảo gặp khó khăn trong việc thẩm định và đánh giá tác phẩm.

Đồng quan điểm với nhà báo Vũ Duy, khi nói về những tác phẩm tham dự phần thi phát thanh trực tiếp, nhà báo Trương Thị Huỳnh Nga, Đài PT-TH Hậu Giang nhận định, thi phát thanh trực tiếp là một trong những thể loại quan trọng nhất và là linh hồn của Liên hoan Phát thanh toàn quốc. Qua các tác phẩm dự thi, dễ dàng nhận thấy các đồng nghiệp rất năng động, thể hiện bình tĩnh, tự tin, khai thác những vấn đề rất nóng, nhạy cảm, khai thác những góc khuất để từ đó đưa ra những đánh giá, nhìn nhận khách quan về các vấn đề của xã hội xung quanh chúng ta.

“Cảm xúc của tôi cũng như các đồng nghiệp khác, hồi hộp theo dõi những tác phẩm thể hiện các chủ đề rất nóng, được dư luận quan tâm hiện nay. Bằng nhiều phương thức chuyển tải mới, chuyển tải đến cho khán giả những góc nhìn, đa dạng về các vấn đề xã hội trong dòng chảy phát thanh hiện đại ngày nay”, nhà báo Huỳnh Nga, bày tỏ./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận