Phải giải ngân bồi thường đúng đối tượng

Tranh chấp tại Diệu Nam Phật Đường: 'Người đại diện hợp pháp của chùa có thể khiếu nại nội dung Quyết định số 3168/QĐ-UBND, ngày 17/9/2020 của UBND quận Hai Bà

 

Quyết định số 3168/QĐ-UBND liệu có sai?

Như Báo TNVN đã đề cập việc tranh chấp quyền thừa kế tại chùa Diệu Nam (Diệu Nam Phật Đường) tại địa chỉ số 60 phố Đại La giữa bà Phạm Thị Là, trụ trì chùa Diệu Nam và bà Lê Thị Loan cùng các thừa kế của Cô thái Thích Đàm Mến.

Các bài viết nêu rõ, ngày 31/5/2020, Tòa án nhân dân (TAND) cấp cao tại Hà Nội đã ra Quyết định tái thẩm số 20/2020/DS-TT về việc tranh chấp quyền thừa kế chùa tại địa chỉ 60 Đại La, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Theo đó, Quyết định tái thẩm đã “Hủy toàn bộ Bản án dân sự phúc thẩm số 151/PTDS ngày 7/8/1992 của TAND TP. Hà Nội, và hủy toàn bộ Bản án dân sự sơ thẩm số 21/DSST ngày 8/5/1992 của TAND quận Hai Bà Trưng. Giao hồ sơ vụ án cho TAND quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật”.

Như vậy, việc xác định quyền thừa kế hợp pháp đối với chùa Diệu Nam phải dựa trên phán quyết của TAND quận Hai Bà Trưng tại phiên xử lại theo Quyết định tái thẩm của TAND cấp cao tại Hà Nội.

Cần phải đợi phán quyết của TAND quận Hai Bà Trưng để xác định đối tượng thừa kế chùa Diệu Nam. Ảnh: T.C

Khi việc xác định quyền thừa kế hợp pháp chùa Diệu Nam còn chưa xác định, việc UBND quận Hai Bà Trưng do ông Nguyễn Quang Trung - Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng ký Quyết định số 3168/QĐ-UBND ngày 17/9/2020 phê duyệt phương án bồi thường đất chùa Diệu Nam (đất công) cho cá nhân bà Lê Thị Loan tại 60 Đại La, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội gây nhiều bức xúc trong dư luận.

Nhiều người đặt câu hỏi, UBND quận Hai Bà Trung chả nhẽ lại không nắm được nguồn gốc đất đai do mình quản lý?. Theo Công văn số 396/TTCNTT-TTLT ngày 03/12/2018, Trung tâm Công nghệ thông tin tài nguyên môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội đã xác định về nguồn gốc đất thì “Chùa Diệu Nam là đất công của chùa từ năm 1960”, liệu UBND quận Hai Bà Trưng có biết?. Khi ký Quyết định số 3168/QĐ-UBND ngày 17/9/2020 phê duyệt phương án bồi thường đất chùa Diệu Nam (đất công) cho cá nhân bà Lê Thị Loan tại 60 Đại La, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, khi đất đang có tranh chấp dân sự, người quản lý không thể không biết về nguồn gốc đất do mình quản lý?

Theo luật sư Phạm Quốc Bình, đoàn luật sư TP.Hà Nội, tại các Bản án dân sự phúc thẩm số 151/PTDS ngày 7/8/1992 của TAND TP. Hà Nội, và Bản án dân sự sơ thẩm số 21/DSST ngày 8/5/1992 của TAND quận Hai Bà Trưng có thể không xem xét, đánh giá để xác định đất của chùa Diệu Nam đã là đất công của chùa do không đủ hồ sơ, nên vẫn xác định chùa thuộc quyền sở hữu tư nhân và chia thừa kế. Hơn nữa, việc đền bù có thể đã được các cơ quan chuyên môn ghi nhận từ nhiều năm trước đây, căn cứ vào các quyết định của bản án sơ thẩm và phúc thẩm của TAND TP. Hà Nội từ năm 1992 để đền bù cho cá nhân.

“Khi ký quyết định số 3168/QĐ-UBND, liệu UBND quận Hai Bà Trưng đã nhận được quyết định tái thẩm số 20/2020/DS-TT ngày 31/5/2020 của TAND Cấp cao tại Hà Nội chưa?. Quyết định tái thẩm số 20/2020/DS-TT của TAND Cấp cao tại Hà Nội có được gửi cho UBND quận Hai Bà Trưng, TAND quận Hai Bà Trưng và Chi cục THADS quận Hai Bà Trưng và một số cơ quan tố tụng, đương sự vụ án chưa?. Trong trường hợp UBND quận Hai Bà Trưng đã nhận được bản án tái thẩm của TAND cấp cao tại Hà Nội mà vẫn ký quyết định đền bù nêu trên thì các cá nhân là đại diện hợp pháp của chùa Diệu Nam có thể khiếu nại nội dung Quyết định 3168/QĐ-UBND ngày 17/9/2020 lên UBND quận Hai Bà Trưng và thành phố Hà Nội. Nếu sau thời hạn quy định mà UBND quận Hai Bà Trưng và thành phố Hà Nội không thu hồi hoặc hủy Quyết định số 3168/QĐ-UBND thì có thể kiện ra tòa theo đúng trình tự pháp luật”, luật sư Bình nhận định.

Phải bồi thường đúng đối tượng

Căn cứ vào luật đất đai thì cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng là một trong các đối tượng được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng nếu đủ điều kiện đang sử dụng đất mà không phải là đất do Nhà nước giao, cho thuê và có Giấy chứng nhận hoặc có đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này mà chưa được cấp.

Tranh chấp Chùa Diệu Nam tọa lạc tại số 60 phố Đại La, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đang gây cản trở việc thi công dự án Đường Vành đai II. Ảnh: T.C

Vậy tại sao chùa Diệu Nam lại không có tên trong danh sách nhận bồi thường giải phóng mặt bằng? Theo Luật sư Hoàng Tùng, đoàn Luật sư TP. Hà Nội, Quyết định số 3168/QĐ-UBND ngày 17/9/2020 về việc phê duyệt phương án bồi thường đất chùa Diệu Nam (đất công) cho cá nhân bà Lê Thị Loan tại 60 Đại La, quận Hai Bà Trưng có dấu hiệu vi phạm pháp luật, bởi các tài liệu, hồ sơ về đất thuộc chùa Diệu Nam đã được làm sáng tỏ để chứng minh diện tích đất này là đất công thuộc chùa và do chùa Diệu Nam sử dụng, quản lý từ những năm 1960 đến nay. Vì thế, quyết định nêu trên với nội dung phê duyệt bồi thường về đất cho cá nhân bà Lê Thị Loan là hoàn toàn sai trái.

Tôn trọng ý chí người để lại di sản

Về thừa kế, chùa Diệu Nam được xây dựng năm 1930, do công của 5 cụ lập nên, sau đó truyền lại cho 5 đệ tử thông qua “Chúc thư” có giá trị pháp lý, với nội dung: “Chúng tôi muốn rằng ngôi chùa ấy sẽ vĩnh viễn là nơi thờ cúng, không ai được cầm cố, bán chác. Sau khi chúng tôi qua đời thì ngôi chùa ấy sẽ giao cho 5 người đệ tử chúng tôi. Cả 5 người này sẽ thay thế cho chúng tôi trông nom, gìn giữ, tu bổ chùa, chăm lo thờ cúng Phật Tổ, ngoài 5 người ấy ra, các cháu của chúng tôi không ai được dự quyền vào công việc của chùa… Sau này đệ tử chúng tôi già yếu đi cũng sẽ chọn 5 người đệ tử khác để giao lại quyền và công việc của chùa, vĩnh viễn để làm nơi thờ cúng không được bán đi hoặc đem cầm cố”.

Thông qua di chúc, người có tài sản có quyền để lại tài sản của mình cho bất cứ ai. Người thừa kế được chỉ định trong di chúc có thể là công dân, Nhà nước hay một tổ chức xã hội. Bởi vậy, việc tranh chấp quyền thừa kế, phân chia tài sản chùa Diệu Nam cho các cá nhân là không đúng theo nguyện vọng của các sư cụ và pháp luật về thừa kế, pháp luật về đất đai./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận