Kỳ 4: Những 'bí mật' ai cũng biết

Tiếp loạt bài "Ai gây ra sai phạm đất đai ở Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội)?"

 

Khu đất tập thể này là khu đất “vàng”, giá đắt đỏ có vị trí nằm ngay trong lòng chợ Ninh Hiệp. Trung tâm chợ đầu mối Ninh Hiệp là trạm trung chuyển hàng hóa lớn của miền Bắc. Mỗi ngày, chợ thu hút hàng nghìn lượt thương nhân trong Nam, ngoài Bắc tới mua hàng vải vóc, quần áo. Một ki-ốt khoảng 20m2, ở vị trí đẹp chợ Ninh Hiệp sẽ có giá gần 70 tỷ đồng/ki-ốt, giá cho thuê xấp xỉ 50 - 60 triệu đồng/tháng/ki-ốt.

Với nguồn lợi lớn từ khu đất này, cán bộ chính quyền huyện Gia Lâm và UBND xã Ninh Hiệp đã bao năm “để mắt” tới. Chính vì vậy, nhiều cán bộ đã bất chấp pháp luật, coi thường người dân – là những người đã từng dạy dỗ mình, con em mình từng con chữ từ thủa vỡ lòng rồi “bày mưu tính kế” ban hành nhiều văn bản bất nhất, sai sự thật, gian dối, vi phạm pháp luật – cố tình “bẻ cong” nguồn gốc đất và lịch sử, nói là đất công, cho các hộ giáo viên ở tạm… Nếu như thực hiện được đúng ý đồ, UBND huyện Gia Lâm và xã Ninh Hiệp “thu hồi trắng” 807,51m2 đất của 20 hộ giáo viên Ninh Hiệp, rồi sau đó sẽ giao cho ai(?)

Đằng sau câu chuyện này không phải các hộ giáo viên không biết. Qua điều tra, nhiều báo cũng đã biết rất rõ.

UBND huyện Gia Lâm và xã Ninh Hiệp đã “vô pháp” ban hành tới 5 văn bản để thực hiện ý đồ “chế tài” đối với 20 hộ dân về quyền được sống và được ở của công dân Việt Nam trên lãnh thổ nước CHXHCNVN – theo Hiến pháp mà các thầy cô giáo (là những hộ có quyền lợi liên quan) lại không hề hay biết việc phải di dời để thực hiện dự án chưa có thật(?) Và không thể chấp nhận việc Chủ tịch UBND xã Ninh Hiệp - Nguyễn Văn Tuấn tự cho mình cái quyền "tối thượng" để “tước đoạt” quyền được ở, được biết, được bàn, được kiểm tra của 20 hộ giáo viên này, vì họ là những đối tượng trực tiếp liên quan.

Chính quyền ban hành nhiều văn bản “mập mờ” khó hiểu, thậm chí là trái luật. Thực thi quyền công dân gửi đơn khiếu nại xã bảo “thừa lệnh cấp trên”, lên đến huyện thì UBND huyện Gia Lâm thẳng thừng không thụ lý - “tước quyền công dân” vi phạm Luật Khiếu nại, cho rằng các văn bản thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao do Nhà nước quy định(!?).

UBND huyện Gia Lâm và xã Ninh Hiệp ban hành nhiều văn bản có nội dung áp dụng các quy định của Luật về thời gian và những điều, khoản Nghị định của Chính phủ không đúng, chúng tôi đã nêu trong các số báo trước.

UBND huyện liên tục ra văn bản đốc thúc giải tỏa thực hiện dự án (DA). Về trình tự tiến hành một DA, trước hết, DA đó phải có thật, phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đương nhiên DA đó phải được công khai theo Điều 69, Luật Đất đai về thủ tục thu hồi giải phóng mặt bằng (GPMB)… Thế nhưng, huyện và xã lại không áp dụng đúng luật.

Trong các tài liệu liên quan từ phía UBND huyện thể hiện rõ Khu tập thể giáo viên được UBND xã và nhà trường xây dựng nhằm mục đích phục vụ chỗ ở cho giáo viên nên không thể coi đây là công trình vi phạm đất đai, hay cho mượn để ở tạm. Thế nhưng, xã và huyện vẫn “cố lái” là đất công, cho giáo viên ở nhờ, nhằm mục đích thu hồi. Tuy nhiên, theo luật, ở khu này đất của các hộ dân ở ổn định, không phải đất lấn chiếm, nên không thể áp dụng hình thức xử phạt hành chính để lái sang hướng sử dụng đất vi phạm pháp luật rồi sau đó có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế.

Nhớ lại hồi ấy Ninh Hiệp là xã vùng sâu vùng xa, cuộc sống của giáo viên cơ cực với đồng lương eo hẹp, nghèo khó (thời bao cấp), những căn nhà ở đây lợp giấy dầu ọp ẹp xuống cấp trầm trọng… Nhiều lần các hộ giáo viên xin sửa lại nhưng xã Ninh Hiệp không cho, dù đã được Ban Giám hiệu nhà trường đồng ý ký đơn xác nhận. Có nhiều giáo viên sắp đến kỳ sinh nở, nhà dột nát không thể ở nổi, đành chấp nhận đi thuê chỗ khác ở tạm thời.

Đến năm 2006, xã Ninh Hiệp được đầu tư xây dựng Nhà máy Nước sạch lắp hệ thống đường ống đến từng hộ dân của toàn xã, có cả khu liên gia thôn 5 (là 20 hộ khu tập thể giáo viên Ninh Hiệp); mỗi hộ đã bỏ tiền túi mua đồng hồ nước 350 ngàn đồng để lắp đặt đồng hồ. Sau đó không hiểu lý do gì, các hộ của khu dân khác đều có nước sạch cho đến tận bây giờ; còn 20 hộ giáo viên không được cấp nước sạch. Và họ đành phải dùng nước giếng tự khoan hàng chục năm nay - nước nhiễm bẩn vẫn phải dùng, nước để ăn phải đi mua, mặc dù đã bỏ tiền lắp đồng hồ nước, có đường ống dẫn vào từng hộ của khu tập thể (?).

Các hộ giáo viên cho biết, họ đã nhiều lần ra UBND xã hỏi để được cấp nước sạch thì xã bảo làm đơn gửi Công ty cấp nước, đến Công ty cấp nước lại nhận được câu trả lời “vì xã không cho”.

Kể ra những câu chuyện này càng ngấm câu: “đất công là đất của ông!”.

Việc đầu tư nhà máy nước gần 20 tỷ đồng nay đang bỏ hoang, không thể bỏ qua trách nhiệm của UBND xã Ninh Hiệp với nguồn vốn ngân sách đã đầu tư – câu chuyện này, Báo TNVN sẽ đề cập sau.

Các hộ giáo viên phản ánh, UBND huyện Gia Lâm lên kế hoạch phân loại những hộ nào ở từ trước năm 1984, 1992, nhà nào còn người ở, nhà nào đã chuyển nhượng cho người khác.v.v… Nhưng thực tế không có việc chuyển nhượng. Việc họ không thể ở nổi vì nhà xuống cấp trầm trọng buộc phải đi thuê nhà ở thì chính quyền xã cho người đi kiểm tra lập biên bản là “không có người ở”. Một kiểu hành xử của xã đã lộ rõ ý đồ để cố chứng minh căn hộ không có người ở, như trường hợp của cô giáo Nguyễn Thị Lạng: “Theo kết quả kiểm tra ngày 13/6/2018 của Ban Công an xã Ninh Hiệp chỉ có 4 hộ giáo viên đang sinh sống tại khu tập thể, gồm: bà Nguyễn Thị Thơm, bà Bùi Thị Tú Oanh, bà Nguyễn Thị Thuận, bà Nguyễn Thị Lạng…”. Sau đó, xã lại tiếp tục cho kiểm tra hành chính vào ngày 24/7/2018, thì xác định chỉ có 3 hộ (nêu trên), thiếu hộ bà Nguyễn Thị Lạng.

Bà Lạng bức xúc: “… Tôi không hiểu cán bộ xã cố tình lấy kết quả xác minh này để làm gì? Đó không phải là căn cứ để cho rằng nhà ở của tôi khi bị giải tỏa là không có quyền lợi. Đó không phải là căn cứ theo quy định của Nhà nước. Nhưng chúng tôi vô cùng bức xúc là mỗi khi chúng tôi không ở nhà thì xã lại cho người đến kiểm tra, rất nhiều gia đình bị liệt kê kiểu như vậy…”

Cựu giáo viên Nguyễn Thị Lạng gần 30 năm tuổi Đảng đã hai lần được Bí thư thôn 5 yêu cầu bà chuyển sinh hoạt Đảng. Khi được hỏi lý do tại sao phải chuyển sinh hoạt Đảng thì ông Bí thư thôn nói: “đây là yêu cầu của Đảng uỷ xã vì chỉ có hộ khẩu nhưng không có nhà”. Trong khi đó, bà Lạng được nhà trường phân nhà từ năm 1984, hộ khẩu cả gia đình tại thôn 5, giảng dạy và ăn ở tại đây hơn 40 năm, chấp hành tham gia đầy đủ các buổi sinh hoạt Đảng, không vi phạm Điều lệ Đảng. Quá uất ức, Đảng viên Nguyễn Thị Lạng làm đơn gửi Bí thư Đảng ủy xã Ninh Hiệp đề nghị để bà tiếp tục sinh hoạt Đảng tại địa phương – nơi cư trú. Và bà cũng hỏi thẳng đồng chí Bí thư Đảng ủy: “Xã ép tôi chuyển sinh hoạt Đảng. Vậy tôi chuyển đi đâu? Nếu xã ép buộc tôi, thì tôi xin ra khỏi Đảng…”.

Qua đó có thể thấy rằng, một số người hành pháp ở huyện Gia Lâm và xã Ninh Hiệp đã và đang tìm đủ mọi cách nhằm thôn tính khu đất “vàng” gần 1000m2 này, bất chấp các quy định của pháp luật – “quay lưng” với lịch sử về nguồn gốc đất, “vô ơn” với nghĩa tình thầy trò năm xưa. Họ muốn giải tỏa Khu tập thể Giáo viên ở thôn 5 xã Ninh Hiệp, để thực hiện một dự án “bí mật” hay để làm gì ngay giữa lòng Thủ đô Hà Nội?

Báo Tiếng nói Việt Nam tiếp tục theo dõi và thông tin về vụ việc này./.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận