Cần làm rõ vụ phá rừng ở Phú Quốc - Bài 2

Bài 2: 'Lời tự thú' của kẻ phá rừng

 

Sau khi nghe tiếng cây đổ ầm ầm ở khu Suối Rùa - Vườn Quốc gia Phú Quốc, mặc dù nhà cách đó hơn 1 cây số, nhưng anh P. vẫn cùng con trai vào rừng để biết chuyện gì đang xảy ra. Vào đến nơi, anh P. phát hiện nhiều người đang dùng máy cưa công nghiệp đốn cây, các thân cây lớn bị hạ la liệt, cùng các gốc cây to bị xe cẩu bánh xích múc bật lên nằm ngổn ngang trên mặt đất, để lại những “hố bom” sâu hoắm. Đứng trước cảnh tượng rừng bị tàn phá tan hoang, anh P. cho biết: “Tôi đã gọi điện trực tiếp cho ông Tuấn Anh - Đội trưởng Trạm bảo vệ rừng thuộc Hạt Kiểm lâm - theo số máy: 093xxxx509, nhưng ông ấy lại bảo: “Hôm nay chủ nhật, tao không làm việc”. Không thể chấp nhận sự tắc trách của cán bộ kiểm lâm, anh P. tiếp tục điện thoại lần thứ 2 cho ông Tuấn Anh, gần 1 tiếng sau 2 cán bộ kiểm lâm mới có mặt. Đến lúc này, cả nhóm người khai thác gỗ cùng với xe cẩu, máy xúc đã rời khỏi hiện trường.

Cũng theo anh P, khi phát hiện người lái máy xúc điều khiển phương tiện rời khỏi hiện trường, anh đã chặn lại và hỏi: “Ai cho các ông mang máy xúc vào đây để đào múc các gốc cây?” thì người lái máy xúc này trả lời” người ta thuê em thì em mới làm”. Dứt câu chuyện, anh P. chụp ảnh phương tiện và người điều khiển máy xúc để làm chứng. 
Một câu hỏi đặt ra, Phòng Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng chỉ cách nơi khai thác gỗ có vài trăm mét đường chim bay, nhưng tại sao không biết? Vì sao nhận được tin báo của người dân mà phải mất gần 1 tiếng sau cán bộ kiểm lâm mới có mặt?

Trong đoạn clip anh P. quay cảnh phá rừng thể hiện rõ, người mặc đồng phục kiểm lâm ngăn cản không cho bố con anh P. vào khu vực khai thác gỗ, người này còn nói rằng: “Chúng tôi đang làm nhiệm vụ. Nếu các anh cố vào, tôi sẽ gọi điện cho người đến bắt”... Nhưng bố con anh P. vẫn thực hiện quyền công dân,  thực thi giám sát sự việc.

Cũng trong clip, ở một đoạn khác có 2 cán bộ mặc đồng phục kiểm lâm, anh P. cho biết: “Lúc đó khoảng 5 - 6h chiều, có thêm 2 cán bộ kiểm lâm đến sau, trong đó có anh Tuấn Anh là đội trưởng nói với người cán bộ đi cùng, đây là khu đất của ông Công, ông ấy bán cây cho người khác...”.

Phóng viên Báo TNVN đến thực tế, đã định vị cho thấy, Phòng Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, Vườn Quốc gia Phú Quốc chỉ cách nơi chặt phá rừng này khoảng hơn 300m đường chim bay. Trao đổi với phóng viên, ông Tuấn Anh cho hay: “...Vụ việc này, các anh muốn biết rõ thì hãy hỏi Hạt kiểm lâm, hoặc là Lâm (người chặt gỗ - PV) nó báo, chứ việc này tôi không nắm… Nếu anh ở Đài TNVN mà báo chí muốn làm việc thì phải liên hệ với trên cơ quan lãnh đạo, chứ tôi không thể trả lời được cái này. Anh có phải là đội trưởng không? Tôi còn nhỏ hơn nhiều người nhá”. 

Phóng viên Báo TNVN cũng gọi cho ông Lâm (là người chặt phá cây rừng) theo số máy: 085xxxx989, ông Lâm thú nhận: “… Ông Công bán cho tôi 7 cây là 130 triệu đồng. Ông ấy còn chỉ cho tôi về ranh giới đất và chỉ rõ từng cây bán cho tôi thì mình mới ấy được chứ”. Khi được hỏi, cán bộ kiểm lâm có xác nhận cho anh không? Ông Lâm khẳng định: “Có anh Liêm ở kiểm lâm xác nhận… Hiện nay tôi đang đi đường, tôi không thể nói tiếp được. Các anh có giấy mời, bất kể cơ quan nào tôi sẽ phối hợp…”.

Cách đây không lâu, tại Phú Quốc xảy ra câu chuyện người dân tố giác một Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Vườn Quốc gia Phú Quốc cùng với ông Giám đốc Vườn Quốc gia Phú Quốc đã phối hợp với người dân “khai thác” tài nguyên rừng. Về việc này, Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang đã có báo cáo kết quả xác minh nội dung đơn thư phản ánh của công dân, trong đó chỉ ra rất nhiều sai phạm. Cụ thể, việc Ban Giám đốc Vườn Quốc gia Phú Quốc chỉ đạo Hạt kiểm lâm chặt hạ cây Dầu và cây Cầy đưa về Hạt kiểm lâm quản lý là không đúng với quy định của pháp luật. UBND xã Bãi Thơm, Hạt kiểm lâm Vườn Quốc gia Phú Quốc và Hạt kiểm lâm huyện Phú Quốc xác nhận đơn và làm thủ tục cho công dân khai thác cây vườn nhà nhưng thực tế số cây này lại không nằm trong thửa đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của công dân. Nghiêm trọng hơn, Sở NN&PTNT chỉ rõ: Có tới 142.000m2 diện tích thuộc ranh giới rừng Vườn Quốc gia Phú Quốc đã bị xe cơ giới san, ủi làm thiệt hại đến tài nguyên rừng…

Trở lại vụ việc phá rừng mà anh P. phản ánh, theo ông Lâm thì ông Công chỉ bán cho ông Lâm có 7 cây gỗ. Nhưng thực tế tại hiện trường có 13 cây vừa mới bị đốn hạ, có gốc cây đã được đào lên mang đi, có gốc cây chưa bị đào. Vậy còn 6/13 cây gỗ nữa đều có đường kính rất lớn là do ông Lâm chặt hạ hay ai chặt? 

Ở một góc nhìn khác, sau khi bố con anh P. phát hiện đốn hạ hàng loạt cây gỗ lớn, nếu việc chặt hạ những cây gỗ này hợp pháp, tại sao ông Lâm và một số người đang khai thác gỗ phải lẩn trốn và bỏ chạy, rồi nhanh chóng di chuyển máy móc, xe cơ giới để rời khỏi hiện trường?

Khi nhóm người khai thác gỗ vội vàng bỏ đi, bố con anh P. cố gắng đuổi theo và hỏi ông Lâm: “Ai cho phép các ông vào rừng Quốc gia khai thác gỗ nhiều như vậy?” thì ông Lâm tự lấy trong cốp xe Honda chìa ra giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bản photo) rồi thanh minh, sổ đây, số cây đó nằm trong sổ này. Rồi ông Lâm khẳng định là mua của ông Công. Anh P. đã chụp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này mang tên Trương Duy Công. Anh P. cho biết: “Nhìn lại địa chỉ của thửa đất nằm trong sổ không phải là vị trí chỗ khai thác 13 cây gỗ rừng…”.

Số lượng cây gỗ nhiều năm tuổi bị chặt hạ là rất lớn nhưng theo ông Lâm số cây này là ông mua của ông Công, toàn bộ số bị chặt hạ là nằm trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không nằm trong Vườn Quốc gia Phú Quốc và đã được cán bộ kiểm lâm xác nhận. Tuy nhiên theo anh P, khi thực hiện định vị hiện trường khai thác gỗ thì thể hiện cả 13 cây bị đốn hạ đều nằm trong vùng đất Vườn Quốc gia Phú Quốc.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận