CẦN LÀM RÕ VỤ PHÁ RỪNG TẠI PHÚ QUỐC - Bài 1

Bài 1: Cận cảnh phá rừng ngay cạnh phòng quản lý rừng

 

Đảo ngọc Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) nằm giữa biển khơi. Do vậy chính quyền nơi đây rất nghiêm ngặt đối với những hành vi phá rừng dưới mọi hình thức nhằm mục đích bảo tồn hệ sinh thái, nguồn nước ngọt cung cấp cho hòn đảo. Thế nhưng vẫn có cả trăm mét khối gỗ rừng bị đốn hạ chỉ trong ngày nghỉ cuối tuần.

 

Cuối tuần, tưởng được nghỉ ngơi sau nhiều ngày làm việc vất vả, phóng viên Báo Tiếng nói Việt Nam nhận được cuộc điện thoại của một người đàn ông như lời cầu cứu khẩn cấp. Anh này thông tin: Đang có một vụ việc phá rừng tại Vườn Quốc gia Phú Quốc.

Người gọi cho chúng tôi là anh P ở TP.Phú Quốc (Kiên Giang). Anh cho biết: “Hiện đang có một vụ việc phá rừng tại khu rừng Vườn Quốc gia với hơn chục cây to có đường kính từ 1m đến 1,5m đang bị đốn hạ. Những cây lớn này có tuổi đời hàng chục năm tuổi, ước tính gần 100m3 đã bị chặt hạ, nhiều gốc cây to được đào bới múc lên chuẩn bị mang đi tẩu tán rồi lấp đất, phủ cành cây, cỏ khô để che đi dấu vết. Tôi đã chụp ảnh ghi hình lại để làm bằng chứng”.

Điều khiến anh P bức xúc nhất là Phòng Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng thuộc Vườn Quốc gia Phú Quốc chỉ cách nơi chặt hạ phá rừng này khoảng hơn 200m đường chim bay, tại sao lại để vụ việc phá rừng diễn ra? Sau khi xem xét toàn bộ video clip và hình ảnh người dân gửi, phóng viên tức tốc lên đường mang theo lời nhắc nhở: Phải cẩn trọng, lâm tặc rất hung tợn!

Vào đến sân bay Phú Quốc, sau nhiều biện pháp nghiệp vụ để đảm bảo an toàn, che giấu tung tích, chúng tôi hẹn gặp anh P. và hỏi lại: “Anh có xác nhận toàn bộ vụ phá rừng mà anh đã gọi điện, gửi ảnh và clip cho phóng viên trước đó không? Và có đồng ý tố cáo trước ống kính máy quay hình và ghi âm của phóng viên Báo TNVN hay không?”. Anh này trả lời dứt khoát và rất ngắn gọn: “Tôi hoàn toàn đồng ý. Vụ này, ra đến Trung ương tôi cũng đi”.

Trước ống kính của phóng viên, anh P. tố cáo: “Vào ngày 6/11/2022, tôi nghe tiếng cây đổ tại Khu Suối Rùa, Vườn Quốc gia Phú Quốc, tôi cùng con trai vào rừng thì thấy 2 người đang khai thác với một người tài xế máy xúc. Lúc này khoảng 2, 3 giờ chiều, tôi có gọi cho ông Tuấn Anh - Đội trưởng Trạm bảo vệ rừng thuộc Hạt Kiểm lâm - nhưng được trả lời: “Hôm nay chủ nhật, tao không làm việc”, rồi tắt máy. Tôi phải điện lần thứ 2 cho Đội trưởng: “Các ông không làm việc thì để rừng bị phá hết như thế này à?”. Đến lúc này, ông Đội trưởng mới bảo: “Tôi sẽ cho người đến kiểm tra”. Khoảng 1 tiếng sau mới thấy hai cán bộ kiểm lâm vào. Đến lúc này, những người khai thác gỗ và lái xe máy xúc đều đã rời khỏi hiện trường”.

Trong clip mà phóng viên Báo TNVN nhận được, nghe rõ anh P to tiếng với cán bộ kiểm lâm: “Khi tôi điện sao các ông không vào ngay mà để họ bỏ đi hết thì các ông mới vô, giờ bắt được ai?”. Giọng người cán bộ kiểm lâm (theo phản ánh của anh P. là ông Tâm Tèo) nói lại: “Anh hãy bình tĩnh”. Tiếng anh P. bức xúc: “Bình tĩnh cái gì nữa. Ngay sát trạm Kiểm lâm mà các ông để cho khai thác như thế này à? Việc này ra đến Trung ương tôi cũng đi để làm cho tới”.

Cũng theo anh P, cán bộ kiểm lâm vừa đi vòng vòng ngó và quan sát, vừa nói: “Bữa nay là chủ nhật, có phải muốn đi là đi đâu”. Đến khoảng 5, 6 giờ tối lại có thêm hai cán bộ của Hạt Kiểm lâm TP.Phú Quốc tới và cũng chỉ đi vòng vòng vậy thôi.

Anh P khẳng định: “Tại hiện trường lúc mới đến, tôi thấy có 2 chiếc xe Honda, 1 xe cuốc, 1 máy cưa. Tại bãi tập kết đếm được 13 cây gỗ bị chặt hạ, 7 gốc cây đã được móc lên, đường kính từ 80cm đến 1,2m, cao khoảng 20 đến 25 mét, chủ yếu là dầu nước, vênh vênh và mè điếc - những loại gỗ này đều bị cấm khai thác ở Phú Quốc. Nhà tôi cách chỗ chặt cây khoảng 1,5km mà còn nghe thấy tiếng cây đổ”.

Biết rằng xâm nhập vào hiện trường lúc này là rất nguy hiểm bởi lâm tặc ở đây rất hung tợn, sẵn sàng xuống tay với bất cứ ai ngăn cản họ. Trước đó ít ngày, tại Phú Quốc đã xảy ra một vụ “xử nhau” bằng súng đạn khiến 3 người thiệt mạng, nhưng phóng viên vẫn quyết tâm đến tận nơi để kiểm chứng những gì đang xảy ra, quan trọng hơn cả là định vị nơi khai thác đó có thuộc phạm vi đất rừng của Vườn Quốc gia hay không.

Khi vào đến đường cua gần cửa rừng, anh em cho biết có một số người đang theo dõi, có thể đó là những “chim lợn” đón lõng ở cửa rừng gác canh người lạ mặt đi vào khu rừng nơi họ vừa chặt phá. Con đường độc đạo ấy vừa mới được kiểm lâm cho đào một giao thông hào ngăn chặn phương tiện qua lại. Sau khi để xe ngoài cửa rừng, chúng tôi vượt qua con hào, đi sâu vào bên trong là một con đường mới mở, nhìn còn rõ vết bánh xe xích, cây cối lớn nhỏ bị chặt bỏ vứt sang hai bên, dọn thành một con đường mới. Anh P khẳng định đây là con đường để máy móc, xe cẩu, máy xúc và xe tải vào kéo gỗ ra khỏi rừng.

Trước mắt phóng viên là khung cảnh hàng chục thân cây lớn nhỏ có đường kính từ 20 đến 30cm, lá vẫn còn xanh ngắt, đổ ngổn ngang, nằm la liệt. Vừa đưa chúng tôi đi đếm từng gốc cây bị đốn hạ, anh P. vừa xót xa nói: “Những cây gỗ bị gãy đổ (vứt lại tại rừng) phải mất hơn chục năm mới lớn được. Nhà báo nhìn xem, một cây to cao chừng 30 đến 40 mét khi bị đốn hạ, khi đổ xuống sẽ đè lên - triệt hạ hàng loạt các cây con khác dọc theo chiều đổ”. Có những gốc cây còn nguyên mùn cưa, vết cưa còn ứa nhựa; có những cây đã bị múc đào cả phần gốc rễ mang đi để lại những chiếc hố như những hố bom, có những hố sâu ngập cả đầu người; có những gốc cây đã múc lên được phủ đất và lá khô để che đi dấu vết, nhưng vết đất mới lấp vẫn hiện rõ trước ống kính của phóng viên; còn lại nhiều hố chưa kịp lấp, một số cây con bị chặt hạ (lá vẫn còn xanh) nhằm chắn đường qua lại để không bị phát hiện… Nhiều cây con bị phát quang thành 2 bãi trống, mỗi bãi khoảng 1.000m2, để làm khu tập kết gỗ và những gốc cây.

Dù đã bố trí người cảnh giới, chúng tôi vẫn phải thận trọng quan sát, nghe ngóng và nhanh chóng ghi lại những hình ảnh tàn phá rừng tại đây. Để đề phòng “lâm tặc” xuất hiện cướp máy quay, phi tang chứng cứ, phóng viên đã cẩn thận ghi lại toàn bộ hình ảnh, đồng thời dùng điện thoại để định vị từng gốc cây mới bị đốn hạ, rồi chuyển toàn bộ thông tin này về cho Tòa soạn. Bắt đầu đếm, 1, 2, 3, 4, 5 rồi đến gốc cây thứ 14. Gốc cây nhỏ nhất khoảng 80cm, có gốc cây đường kính gần 1,5m. Anh P cho biết, một cây to có đường kính 70cm đến 80cm loại cây gỗ dầu nước này phải có tuổi đời 40 năm; còn cây có đường kính 1,2m đến 1,5m phải là 60 - 70 năm tuổi.

Ra khỏi rừng, phóng viên đề nghị anh P. đưa chúng tôi đến trạm Kiểm lâm nơi gần nhất cách khu khai thác gỗ trái phép này, quả thật không ngoa, tọa độ định vị trụ sở “Phòng quản lý, bảo vệ và phát triển rừng - Vườn Quốc gia Phú Quốc” cách hiện trường khai thác gỗ trái phép kể trên chỉ khoảng chừng hơn 300m đường chim bay.

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận