Tận mắt nhìn thấy rừng bị tàn phá, nhiều cây gỗ đường kính từ 1 - 1,5m có hàng chục năm tuổi bị đốn hạ, gốc cây lớn bị đào bới, để lại như những hố bom, gốc cây chưa kịp múc đào mang đi vẫn đang ứa nhựa, mùn cưa còn tươi mới, hàng loạt cây lớn nhỏ đổ gãy la liệt - vẹt đi cả một góc rừng do cây to bị đốn hạ đè bẹp,… phóng viên Báo TNVN quyết nói lên sự thật để cứu lấy những cánh rừng, cảnh báo về trách nhiệm các cơ quan công quyền của TP. Phú Quốc và tỉnh Kiên Giang.
Tại Phú Quốc đã có cả trăm vụ chặt phá, hủy hoại, khai thác tài nguyên rừng bị truy tố và xử lý hình sự. Có người dân bị xử 12 tháng tù sau khi lượm nhặt (tận thu) 32 mảnh gỗ trai do lâm tặc khai thác trái phép vứt lại trong rừng, và chặt 8 cây nhum về làm dát giường. Có người chặt các cây con, phát quang để trồng dừa (trên mảnh đất mua của người khác khai khẩn) cũng bị bắt giam, truy cứu trách nhiệm hình sự vì tội hủy hoại rừng. Nhiều vụ chặt phá nằm sâu trong rừng, phải đi bằng ghe vài chục phút mới tới, lại rất xa khu dân cư… mà cán bộ kiểm lâm còn kịp thời phát hiện, bắt quả tang, giam giữ. Thế nhưng việc chặt phá 13 cây gỗ có đường kính lớn, cao vài chục mét, gần 100m3 gỗ tại Khu Suối Rùa - nơi chỉ cách Phòng Bảo vệ rừng 300m (đường chim bay), máy móc, xe cơ giới đưa vào khu rừng để đào bới, san ủi, vận chuyển gỗ mà cán bộ kiểm lâm không hề hay biết, chỉ đến khi người dân báo thì cán bộ bảo vệ rừng mới tổ chức vào “vãn cảnh” hiện trường!
Anh Phạm Hoàng G - người dân sống gần đó - cho biết, sau khi bố con anh P phát hiện, số cây còn sót lại cùng với những gốc cây đã được đào múc lên chưa kịp chuyển đi đã bị Hạt Kiểm lâm thu giữ. Đây là điều khó hiểu bởi nếu ông Liêm - cán bộ kiểm lâm - ký xác nhận cho phép ông Lâm được khai thác gỗ như lời ông Lâm nói thì tại sao kiểm lâm lại thu giữ số gỗ này?
Ông Lâm nói mua của ông Công 7 cây với giá 130 triệu đồng, nhưng thực tế là 13 cây bị đốn hạ. Vậy 6 cây bị chặt hạ thêm có được ông Liêm cán bộ kiểm lâm “bật đèn xanh” cho ông Lâm khai thác? Nếu không có sự bao che thì ông Lâm có dám đưa cả máy móc, xe ủi, máy xúc rầm rập kéo vào khu rừng này khai thác với số lượng gần 100m3 gỗ? Thêm tình tiết nữa, khi biết bố con anh P chụp được sổ đỏ ông Lâm chìa ra để khẳng định số cây này đều nằm trong sổ đỏ, kiểm lâm đã cho phép… tại sao ông Lâm phải điện cho anh Hoàng G, nhờ: “Mày bảo với thằng P đừng làm lớn chuyện, để tao chuyển nốt số gỗ, gốc cây đi, rồi tao sẽ nói chuyện với anh em” - như lời anh Hoàng G. kể lại với phóng viên?
Đây không phải lần đầu tiên người dân Phú Quốc đặt nghi vấn về sự liên đới của một số cán bộ kiểm lâm đối với thực trạng rừng bị hủy hoại. Năm 2018, những người dân ở ấp Xóm Mới tố cáo 3 nội dung liên quan đến tình trạng này.
Trước hết là việc ông Phạm Viết Giáp - Phó Hạt trưởng, Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia (VQG) Phú Quốc cùng với ông Nguyễn Văn Tiệp - Giám đốc VQG Phú Quốc tận thu gỗ trong rừng đặc dụng không làm thủ tục bán đấu giá. Vụ việc xảy ra từ tháng 8/2018 nhưng phải gần 2 năm sau (25/8/2020) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang mới có Báo cáo số 203/BC-SNNPTNT báo cáo UBND tỉnh Kiên Giang xin ý kiến chỉ đạo, để xử lý. Bản báo cáo kết luận: Việc Ban Giám đốc VQG Phú Quốc chỉ đạo Hạt Kiểm lâm chặt hạ cây Dầu và cây Cày đưa về Hạt Kiểm lâm quản lý là không đúng quy định của pháp luật. Việc khai thác lâm sản (2 cây gỗ này) nằm trong rừng đặc dụng chưa đúng quy định Luật Lâm nghiệp và Quy chế quản lý rừng. VQG Phú Quốc bán 4,521m3 gỗ dầu cho ông Phạm Viết Giáp không thực hiện đúng thủ tục bán đấu giá là trái quy định.
Cũng trong đơn, người dân tố cáo ông Phạm Viết Giáp mượn Giấy Chứng nhận quyền sử dụng (CNQSD) đất của ông Sáu Minh (cư dân) xin khai thác cây rừng, có sự bao che của ông Nguyễn Văn Tiệp - Giám đốc VQG. Cụ thể, ngày 02/11/2018 ông Hồ Văn Minh, sinh năm 1961, có đơn xin khai thác cây vườn nhà theo Giấy CNQSD đất số 4 - tờ bản đồ 29, gồm 6 cây dầu nước, vên vên (mè điếc) với khối lượng 19,747m3 để sử dụng. Ba ngày sau, UBND xã Bãi Thơm cho phép ông Hồ Văn Minh khai thác theo Giấy CNQDSD đất số BB641086 được cấp ngày 15/10/2010. Ngày 22/11/2018, Hạt Kiểm lâm huyện Phú Quốc phối hợp với Hạt kiểm lâm VQG Phú Quốc kiểm tra và lập biên bản kiểm tra lâm sản số 0002853 kiểm tra vị trí khai thác theo đơn của ông Hồ Văn Minh là trong Giấy CNQSD đất của ông Hồ Văn Minh. Đồng thời, xác nhận bảng kê lâm sản cho ông Hồ Văn Minh khai thác sử dụng.
Thế nhưng, khi Sở NN&PTNT Kiên Giang kiểm tra thực tế vị trí, tọa độ thì 6 cây đã đốn hạ không nằm trong ranh giới được ghi trong Giấy CNQSD đất cấp cho ông Hồ Văn Minh. Như vậy, UBND xã Bãi Thơm, Hạt Kiểm lâm VQG Phú Quốc cùng với Hạt Kiểm lâm huyện Phú Quốc xác nhận đơn và làm thủ tục cho ông Hồ Văn Minh khai thác cây vườn nhà theo Giấy CNQSD đất là không đúng với thực tế, xác nhận sai sự thật.
Người dân cũng tố cáo ông Linh A Sáng (là cư dân) câu kết với ông Tiệp và ông Giáp thuê xe cuốc cây rừng gây thiệt hại diện tích trên 20ha, làm đường, lấy đất đem bán, chôn cọc trụ xi măng rào lưới B40, đều nằm trong VQG quản lý.
VQG đã cung cấp cho đoàn kiểm tra của Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang 5 Giấy CNQSD đất của các hộ dân, gồm: Nguyễn Văn Tân, Đặng Văn Đấu, Nguyễn Thanh Hoàng, Phạm Văn Lai và Nguyễn Văn Khuể (cùng ở ấp Cây Thông Trong) với diện tích khoảng 63.400m2 nhưng tất cả số giấy chứng nhận này đều chỉ là bản photo chưa có công chứng.
Theo ranh giới rừng VQG Phú Quốc năm 2004 thì toàn bộ diện tích rừng 142.000m2 bị xe cơ giới đào, bới, san, ủi, có làm đường, cắm cột điện thắp sáng trong ranh giới rừng VQG Phú Quốc quản lý, trong đó có 1.957m2 nằm trong ranh giới rừng đặc dụng. Cụ thể đã đào 03 giếng nước, đặt hệ thống cống thoát nước, cắm trụ bê tông, rào lưới B40 chiều dài 580m, chặt phá nhiều cây con. Báo cáo 203 chỉ rõ: Việc làm này đã gây thiệt hại đến tài nguyên rừng, VQG Phú Quốc, UBND xã Cửa Thơm và Hạt Kiểm lâm chưa xác định được phần diện tích đất có Giấy CNQSD đất của các hộ dân có nằm trong diện tích 142.000m2. Chưa có biện pháp ngăn chặn, xử lý còn chậm, dẫn đến gây bức xúc của người dân ở địa phương.
Sở NN&PTNT kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Giám đốc VQG Phú Quốc: Phối hợp với cơ quan chức năng thu hồi toàn bộ 4,521m3 đã bán cho ông Phạm Viết Giáp; Khẩn trương phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền địa phương làm rõ cá nhân, tổ chức có liên quan thực hiện hành vi đào, bới, san, ủi làm thiệt hại diện tích 142.000m2 rừng đặc dụng, để xác lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định. Đồng thời, Sở NN&PTNT giao Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm chấn chỉnh Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phú Quốc và công chức tham mưu xác nhận nguồn gốc lâm sản không đúng theo quy định. Thế nhưng, cho đến nay, đã hơn 2 năm sau kiến nghị này, vẫn chưa có động thái xử lý dứt điểm, khiến người dân nghi ngờ vụ việc đã “chìm xuồng”.
Qua 2 vụ việc kể trên, câu hỏi đặt ra là: Ai đứng sau những hành vi phá rừng tại Phú Quốc? Câu hỏi này cần được các cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc, làm rõ vai trò của từng cá nhân, tổ chức có liên quan trong vụ việc gây thiệt hại lớn tài nguyên rừng có tính chất đặc biệt nghiêm trọng này. Những hành vi phá rừng cần được xử lý nghiêm bằng pháp luật để răn đe những kẻ có ý đồ phá hoại rừng, cũng như đảm bảo tính nghiêm minh - công bằng của luật pháp.