Shark Thủy với tuyệt chiêu biến 'chủ nợ' thành 'con nợ' và người làm thuê

Nhiều nhà đầu tư phản ánh, thay vì trả nợ cho nhà đầu tư thì Tập đoàn Egroup đưa ra nhiều tuyệt chiêu trả nợ biến 'chủ nợ' thành 'con nợ' và thành người làm thuê không lương. Cuối cùng thua thiệt vẫn thuộc về nhà đầu tư.

 

Từ “chủ nợ” biến thành “con nợ”

Hàng loạt các nhà đầu tư tin tưởng ông Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy) nên đã đầu tư nhiều tỷ đồng vào Công ty cổ phần Tập đoàn giáo dục Egroup (Tập đoàn Egroup) và các hệ sinh thái liên quan. Song đã đến kỳ hạn thanh toán mà các nhà đầu tư không rút được lãi, gốc lại càng không. Nhiều trường hợp đã lâm vào cảnh khốn cùng, thậm chí phải uống thuốc ngủ để tự tử. Thay vì trả nợ cho nhà đầu tư thì doanh nghiệp này đưa ra nhiều tuyệt chiêu trả nợ biến “chủ nợ” thành “con nợ” và thành người làm thuê không lương.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hệ sinh thái của Shark Thủy vừa đưa ra 5 phương án trả nợ cho nhà đầu tư như sau: Phương án 1: lãi suất phát sinh từ 1/1/2020 đến tháng 7/2027 giảm 100% và sẽ thanh toán hết nợ vào tháng 12/2029; Phương án 2: lãi suất phát sinh từ 1/1/2020 đến tháng 7/2027 giảm 50% và sẽ bắt đầu thanh toán vào tháng 7/2028 và thanh toán hết nợ vào tháng 12/2030; Phương án 3: lãi suất phát sinh từ 1/1/2020 đến tháng 31/5//2023 không giảm còn từ 1/6/2023-1/6/2027 không phát sinh sẽ bắt đầu thanh toán vào tháng 7/2029 và thanh toán hết nợ vào tháng 12/2031; Phương án thứ 4: lãi suất phát sinh từ 1/1/2020 đến tháng 31/5//2023 không giảm còn từ 1/6/2023-1/6/2027 lãi suất phát sinh 2%/năm sẽ bắt đầu thanh toán vào tháng 7/2030 và thanh toán hết nợ vào tháng 12/2032; Phương án 5: lãi suất phát sinh từ 1/1/2020 đến tháng 31/5//2023 không giảm còn từ 1/6/2023-1/6/2027 lãi suất phát sinh 4%/năm sẽ bắt đầu thanh toán vào tháng 7/2031 và thanh toán hết nợ vào tháng 12/2033.

Quảng cáo gạt nợ của Egroup

Với các phương án này, nhiều nhà đầu tư bức xúc cho rằng, nếu đồng ý chốt công nợ với các phương án trên có nghĩa là nhà đầu tư đồng ý cho công ty được quyền tiêu tiền của mình nhanh nhất là 7 năm lâu hơn là 9 -10 năm nữa mới lấy được tiền gốc về. Trong khi đó, tiền của nhà đầu tư, công ty muốn sử dụng thế nào thì sử dụng và sau khi ký công nợ nhà đầu tư không được kêu ca phàn nàn gì nữa.

Theo chia sẻ của bà N.T.D ở Hà Nội, tin vào Shark Thủy bà góp toàn bộ vốn liếng cộng với vay mượn thêm để đầu tư vào Tập đoàn Egroup. Nhưng hiện nay bà bị mắc bệnh hiểm nghèo mà tiền gốc và lãi cũng như tiền hỗ trợ bệnh hiểm nghèo do công ty đề ra bà chưa nhận được đồng nào. Do vay nợ và không có tiền chữa bệnh bà phải bán nhà để lấy tiền chữa bệnh và trả nợ. Song trong bối cảnh giá bất động sản giảm mạnh, bà rao bán nhà mấy tháng nay nhưng vẫn chưa bán được. Với các phương án trả nợ như thế này không biết bao giờ bà mới lấy lại được tiền.

Tương tự là trường hợp của một nhà đầu tư xin được giấu tên chia sẻ: “Tôi là người bị bệnh ung thư có ít tiền bán nhà dư ra gửi hết vào công ty mong được ít lãi để có tiền sinh hoạt và mua thuốc chữa bệnh. Giờ tiền ăn không đủ lấy gì mua thuốc. Cả năm nay không dám mua thuốc uống vừa rồi còn bỏ cả điều trị. Nếu công ty thực hiện đúng cam kết thì gần chục năm sau mới lấy được hết gốc, còn không được đồng lãi nào, không biết tôi và các nhà đầu tư trên 70 tuổi có còn sống được đến khi đó để nhận lại tiền của mình hay không. Sau gần 10 năm công ty mới trả hết gốc, không lợi nhuận, thực tế là nhà đầu tư mất 1 nửa so với gửi ngân hàng”, nhà đầu tư này bức xúc nói.

Còn bà Mai Thị Thanh cho biết, công ty hứa sẽ trả tiền cho bà vào đầu tháng 9/2023. Tuy nhiên, đến lịch hẹn bà đến, công ty lại chốt công nợ và đưa ra phương án trả nợ trên nên bà không đồng ý.

Thua thiệt vẫn dành cho nhà đầu tư

Ngoài 05 phương án trả nợ trên, công ty này liên tục đưa ra các gói gạt nợ thông qua các chương trình học tiếng Anh với mức gạt 40-50% tiền học phí. Song, theo phản ánh của các nhà đầu tư thì chương trình gạt nợ này thực tế nhà đầu tư chỉ được gạt 20%- 30% vì khách thường đăng ký học cũng được giảm giá 20%. Trong khi đó, số tiền nhà đầu tư góp thường lên đến cả tỷ đồng nhưng số tiền gạt nợ chỉ nhỏ giọt hơn 10 triệu đồng. Với mức gạt nợ quá ít thế này thì không biết đến bao giờ nhà đầu tư mới thu hồi được nợ. Chưa kể còn chưa biết chất lượng giảng dạy như thế nào, con đang học có bị cho nghỉ không?. Ngoài ra, nếu đăng ký tham gia khóa học thay vì nhà đầu tư lấy được tiền về thì lại phải tiếp tục đổ tiền túi vào cho hệ sinh thái này.

Nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi, sao không được gạt nợ 100% mà chỉ vài chục %. Chưa kể, nhiều nhà đầu tư không có nhu cầu bởi gia đình không còn ai ở trong độ tuổi đang đi học nữa. Một nhà đầu tư than thở, nhà tôi có 2 cụ già trên 70, học gì nữa chứ. Các cháu cũng sắp vào đại học cả rồi, đâu còn tuổi của Apax nữa!

Trong vai nhà đầu tư, phóng viên tham gia 1 nhóm zalo ủng hộ công ty có đến 1000 thành viên và khi tham gia nhóm các thành viên đều phải cung cấp mã số hợp đồng với chủ đầu tư thì mới được duyệt tham gia nhóm. Trong quá trình tác nghiệp, phóng viên nhận thấy, tại nhóm này có nhiều người thể hiện thái độ ủng hộ chủ đầu tư và luôn nhiệt tình hô hào mọi người ủng hộ chủ đầu tư làm việc. Với lý do, công ty làm ăn hồi phục mới có tiền trả cho nhà đầu tư. Còn ngược lại, nếu nhà đầu tư khiếu nại lên cơ quan chức năng hoặc báo chí thì không bao giờ lấy lại được tiền. Sự xuất hiện của họ, với vai trò “chim mồi”, dẫn dắt những người còn lại.

Khi các nhà đầu tư đến công ty đòi lại tiền lập tức bị những “chim mồi” này quay lại clip tung ngay lên nhóm với những lời bình thiếu văn hóa như : “Một lũ đầu đất”; “xem ra cứ như có 1 thế lực đằng sau cố tình phá…cố tình đập chết công ty”. Hoặc có những “chim mồi” còn commet: “có một thế lực nào đó cạnh tranh không lành mạnh với Tập đoàn, bỏ tiền ra thuê lũ đầu đất này thỉnh thoảng lại lên công ty”. Những “chim mồi” này còn lớn tiếng “cái gì cũng có luật nhân quả, nên các cô chú cứ yên tâm… rồi 1 ngày những người chống phá sẽ bị quả báo thôi ạ”. Với những phát ngôn trên biến nạn nhân của công ty thành tội phạm chống phá hoạt động của công ty.

Với phương án gạt nợ bằng cách tham gia các khóa học tiếng Anh, các “chim mồi” trong nhóm liên tục đăng tải các lời chào mời gạt nợ rất hấp dẫn vào Apax English. Đồng thời các “chim mồi” liên tục đưa ra giải pháp nếu nhà đầu tư nào không có nhu cầu thì mua khoá học của công ty rồi đi tìm người bán lại. Bởi đây là “cách gạt nợ rất thông minh vì nhà đầu tư có dư nợ 1 vài trăm triệu đồng, chờ 3 năm thì lâu quá. Nên nhà đầu tư mua gói gạt nợ tiếng anh xong nhờ các bạn môi giới ở trung tâm bán hộ, xong biếu môi giới  tí tiền hoa hồng bán hộ là xong. Sau 4 tháng tăng 13,5% thì vẫn đảm bảo có lãi cho người cần lãi”.

Với các phương án gạt nợ trên, một nhà đầu tư cho hay, gia đình chị có 3 hợp đồng góp vốn tại đây và chỉ mong công ty thực hiện đúng cam kết đã hứa. Gia đình chị không có nhu cầu hợp tác thêm các sản phẩm khác mà phía công ty đề nghị. Mấy lần chị tham gia họp qua zoom chỉ thấy chủ yếu giới thiệu gạt nợ qua sản phẩm bất động sản và trung tâm ngoại ngữ. Các kênh gạt nợ này nhà đầu tư đều phải móc hầu bao ra lần nữa. Kênh chuyển đổi bất động sản thì nhà đầu tư phải đóng thêm một số tiền lớn để mua bất động sản của công ty khác nhờ hệ sinh thái của Shark Thủy phân phối.

Theo các nhà đầu tư, dù theo phương án nào thì phần thua thiệt vẫn thuộc về nhà đầu tư. Cách trả nợ này vô cùng tinh vi, biến nhà đầu tư từ “chủ nợ” thành “con nợ” và cuối cùng trở thành người làm thuê không lương cho chủ đầu tư lúc nào không hay.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận