Trình báo phá rừng bị đánh, đuổi và dọa giết
Báo TNVN (báo VOV) nhận được đơn kêu cứu của chị Hoàng Thị Như, địa chỉ: Xóm Thôn Ga, xã Quang Trung, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng với nội dung:
Vào ngày 09/08/1992, anh trai tôi là Hoàng Văn Hữu (đã mất) có nhận chuyển nhượng khu đất từ ông Nông Văn Xướng. Một thời gian sau, khi Nhà nước có chủ trương giao đất giao rừng, gia đình tôi đã làm đơn xin nhận đất lâm nghiệp (có xác nhận của trưởng xóm) và được Chủ tịch UBND huyện Trà Lĩnh ký Quyết định số 790/2002/QĐ-UBND ngày 31/12/2002 về việc giao đất giao rừng và đất lâm nghiệp cho anh trai tôi là Hoàng Văn Hữu và vợ là Nguyễn Thị Hệ quản lý, bảo vệ và sử dụng lâu dài.
Trong quá trình gia đình tôi quản lý khu đất, không có cá nhân, tổ chức nào đến chặt phá. Chúng tôi quản lý, sử dụng khu đất ổn định, không để xảy ra tranh chấp quyền sử dụng đất rừng, đất lâm nghiệp.
Đến năm 2019-2020, Nhà nước thẩm định là rừng phòng hộ, được chi trả tiền bảo vệ rừng cho gia đình tôi là 440 nghìn đồng/1 ha. Gia đình chúng tôi sử dụng khu đất với mục đích bảo vệ nguồn sinh thái đất, chống xói mòn, bảo vệ nguồn nước, giảm trừ phòng chống thiên tai, điều hòa khí hậu - đúng với chức năng của rừng phòng hộ.
Năm 2006 có một số người đến lấn, chiếm đất của gia đình tôi. Gia đình tôi đã gửi đơn kiến nghị đến UBND huyện. Sau đó UBND huyện đã gửi văn bản giải quyết tranh chấp đất đai số 338/QĐ-UBND cho gia đình tôi. Tuy nhiên gia đình tôi không đồng ý với quyết định của UBND huyện. Gia đình tôi tiếp tục khiếu nại đến chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng. Ngày 29/5/2009, UBND tỉnh Cao Bằng ra quyết định thu hồi 01 ha đất rừng đồi có địa danh Co Pùng đã giao cho gia đình tôi quản lý.
Không đồng ý với quyết định của UBND tỉnh Cao Bằng, gia đình chị Như đã gửi đơn ra tòa. Đơn thư đang trong quá trình được tòa án thụ lý giải quyết theo trình tự tố tụng hành chính phúc thẩm thì gia đình ông Sang và mẹ là bà Hà Thị Duyên liên tục thuê máy xúc vào múc đất, phá hoại cây rừng tự nhiên và trồng cây mới vào khu đất rừng mà gia đình chị đang quản lý.
Chị Như cho hay, nghiêm trọng hơn, ngày 8/4/2023, sau khi tôi trình báo Trưởng xóm Thôn Ga, UBND xã Quang Trung và Hạt Kiểm lâm huyện Trùng Khánh về việc ông Sang phá rừng mà không có sự tiếp nhận thông tin, cắt cử lực lượng ngăn chặn hành vi phá rừng. Mẹ ông Sang là bà Hà Thị Duyên đã thuê máy xúc vào múc đất, phá hoại cây rừng tự nhiên và trồng cây mới vào khu đất rừng mà tôi đang quản lý. Tôi phát hiện sự việc, đến can ngăn thì bị đánh, đuổi và uy hiếp sẽ giết chết tôi.
“Tôi đề nghị được bảo vệ an toàn về sức khỏe, tính mạng của tôi và gia đình. Tôi xin khẳng định những lời đe dọa giết người từ ông Sang và gia đình ông Sang khiến tôi luôn lo lắng, sợ hãi, không dám vào khu đất tôi đang quản lý để ngăn chặn việc làm coi thường pháp luật của gia đình ông Sang”, chị Như lo lắng chia sẻ.
Bản án chưa có hiệu lực đã thực hiện quy trình đo đạc để cấp cho hộ khác?
Theo Luật sư Bùi Thị Kim Liên, đoàn luật sư Hà nội phân tích, Quyết định 338/QĐ-UBND ngày 06/06/2006 của UBND huyện Trà Lĩnh bị gia đình chị Như khiếu nại thì UBND tỉnh Cao Bằng trên nguyên tắc cơ quan nhà nước cấp trên có quyền sửa đổi, yêu cầu thu hồi quyết định của cơ quan cấp dưới nên đã ban hành QĐ 1098/QĐ-UBND ngày 29/5/2009 về việc giải quyết đơn khiếu nại Quyết định 338/QĐ-UBND của ông Hoàng Văn Nành với nội dung: “ Thu hồi diện tích 01 ha đất đồi rừng có địa danh Co Pùng hiện đang có khai thác quặng trái phép và do gia đình ông Nành sử dụng không hiệu quả để giao cho chính quyền quản lý; Ruộng Nà Luông (2 đám) có nguồn gốc của gia đình ông Nông Văn Lâm, chưa có sự chuyển nhượng, vì vậy vẫn thuộc quyền sử dụng của gia đình ông Lâm”.
Bên cạnh đó, Điều 3 QĐ cũng đã giao trách nhiệm thực hiện cho cơ quan tổ chức liên quan thực hiện QĐ, như: Chánh văn phòng UBND tỉnh, Chủ tịch UBND huyện Trà Lĩnh, Chủ tịch UBND xã Quang Trung,….
Trao đổi với phóng viên Luật sư Liên cho rằng, mặc dù ghi nhận việc đưa ra hướng giải quyết tại QĐ 1089 này của ông Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Lô Ích Giang. Tuy nhiên, sau khi chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định thì UBND huyện Trà Lĩnh cùng các cơ quan liên quan không tiếp thu thực hiện. Thực tế địa chính huyện, xã đã không cắm mốc và ranh giới diện tích 01ha đất đồi rừng bị thu hồi theo hướng chỉ đạo tại QĐ 1089.
Dẫn đến việc thu hồi 01 ha lại không xác định được vị trí thu hồi từ đâu đến đâu, đông tây giáp khu nào trong khối diện tích 05ha? Và UBND huyện Trà Lĩnh (nay là huyện Trùng Khánh) trên thực tế không tuân thủ “hướng chỉ đạo” tại QĐ 1089 đã nêu của chủ tịch UBND tỉnh. Vì vậy, đã nhiều năm nay Quyết định này không thể thực hiện được và thực tế gia đình vẫn đang quản lý khu đất rừng nay. 15 năm kể từ khi chủ tịch UBND tỉnh ban hành QĐ 1089, gia đình chị Như vẫn đang có trách nhiệm bảo vệ rừng và được nhận tiền bảo vệ rừng trong đó có diện tích 01 ha này. Tại buổi làm việc với phóng viên, ông Đàm Xuân Trường, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường UBND huyện Trùng Khánh cho biết, UBND tỉnh Cao Bằng ra quyết định thu hồi 01 ha đất rừng đồi có địa danh Co Pùng của gia đình chị Như, tuy nhiên, hiện không biết diện tích đất này nằm ở đâu, không xác định được rõ ranh giới, vị trí cụ thể của khu đất bị thu hồi nên huyện không thể tiến hành thu hồi được. Như vậy, việc thu hồi 01ha đất đồi rừng nhưng không xác định được rõ ranh giới, vị trí cụ thể của khu đất bị thu hồi có phải là sự quan liêu, tắc trách của chính quyền địa phương?
Để sự việc tranh chấp, công dân đơn thư nhiều, gây thiệt hại cả về mặt vật chất, thời gian cho gia đình chị Như là do cơ quan cấp dưới (UBND huyện) không chấp hành triệt để Quyết định 1089 và đồng thời một phần tại thời điểm đó, UBND tỉnh Cao Bằng không có sự giám sát, yêu cầu quyết liệt trong việc thực hiện quyết định của chủ tịch tỉnh.
Chị Như cho biết: “Trong thời gian gia đình chị đang thực hiện khởi kiện tại toà án nhân dân tỉnh Cao Bằng, rồi kháng cáo phúc thẩm tại Toà án nhân dân cấp cao, án chưa có hiệu lực pháp luật thì ngày 19/9/2021 UBND xã Quang Trung dẫn cán bộ đo đạc và niêm yết công khai cấp 1 ha trên cho 02 gia đình khác. Và đồng thời, khi giải quyết đơn thư tố cáo với nội dung phá rừng trên khu đất liên quan, UBND xã đã viện dẫn bản án để là căn cứ thụ lý tố cáo và bác đơn tố cáo của gia đình tôi”.
Theo Luật sư Kim Liên, bản án chưa có hiệu lực pháp luật là bản án sơ thẩm chưa hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị hoặc bị kháng cáo, kháng nghị nhưng chưa xét xử phúc thẩm. Bản án chưa có hiệu lực pháp luật thì không được đem ra thi hành. Việc UBND xã Quang Trung vội vàng cấp đất cho hộ dân khác là vi phạm pháp luật. Hệ luỵ từ Quyết định 338 và Quyết định 1089 đã hiện hữu rõ ràng trong thực tế, và có thể dẫn đến các tình huống xấu, gây mất trật tự an toàn xã hội.
Như vậy có thể khẳng định, Quyết định 338/QĐ-UBND ngày 06/06/2006 của UBND huyện Trà Lĩnh và QĐ 1089/QĐ-UBND tỉnh Cao Bằng ngày 29/5/2009 về việc giải quyết khiếu nại đơn thư trên thực tế đã không có tính khả thi, không có tính thực hiện trên thực tế, không đảm bảo được tính quyền lực của nhà nước nên cần phải đình chỉ, buộc sửa đổi thay thế bằng quyết định hợp pháp, hợp lý khác đảm bảo được lợi ích của nhà nước và nguyện vọng của người dân.