Vạn vật đất trời trên váy áo

Rực rỡ nhất có lẽ là hoa văn trên trang phục của phụ nữ Lô Lô nơi địa đầu Cực Bắc...

 

Chơi chợ, chơi hội là một trong những nét đặc sắc hấp dẫn du khách từ khắp nơi đến với vùng cao. Ở đó, du khách không chỉ có thể hòa mình vào bức tranh cuộc sống rực rỡ sắc màu, mà sắc màu đó còn hiển hiện trên hoa văn váy áo của những người phụ nữ vùng cao. Trong số đó, rực rỡ nhất có lẽ là hoa văn trên trang phục của phụ nữ Lô Lô nơi địa đầu Cực Bắc.

Hoa văn thể hiện văn hóa tín ngưỡng

Với dân số không tới 5.000 người, sinh sống chủ yếu tại hai huyện Lũng Cú, Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang) và huyện Bảo Lạc (tỉnh Cao Bằng), người Lô Lô là 1 trong 16 dân tộc rất ít người ở Việt Nam với 2 nhánh là Lô Lô đen và Lô Lô hoa. Văn hóa dân gian Lô Lô đa dạng, đặc sắc, thể hiện qua các điệu nhảy múa, hát ca, truyện cổ,... cùng cách thêu, ghép vải thành hoa văn trang trí hoa văn trên khăn, áo, váy, quần có nét riêng biệt. Người Lô Lô thờ tổ tiên và các vị thần núi, thần rừng, thờ trời đất là chính. Họ theo tín ngưỡng coi mọi vật đều có linh hồn.

Trang phục của phụ nữ Lô Lô đen luôn nổi bật bởi hoa văn rực rỡ sắc màu. Ảnh: T.C

Người Lô Lô đen ở bản Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, Đồng Văn, Hà Giang có cách thể hiện riêng, độc đáo những biểu tượng này trên trang phục của mình. Hoa văn chủ đạo trên trang phục người dân bản Lô Lô Chải là họa tiết biểu trưng cho trời - đất, thần linh, thiên nhiên, hoa văn tượng hình các loại cây lương thực đặc trưng như cây ngô, tam giác mạch, hay cuộc sống sinh hoạt thường ngày trên những thửa ruộng bậc thang, vật nuôi,... qua bao thế hệ người Lô Lô. Trên thân của áo được thêu hình mắt chim Ngó bá, xen kẽ biểu tượng tam giác và các đường lượn tạo hình ruộng bậc thang, tạo nên nét hài hòa mà mang đậm bản sắc văn hóa. Chim Ngó bá là loài chim gắn liền với tín ngưỡng thờ thần của người Lô Lô.

Chị Vàng Thị Xuyến, một nghệ nhân thêu thổ cẩm tại bản Lô Lô Chải cho biết, điểm nhấn trong trang phục của người Lô Lô Chải là những hoa văn được tạo hình từ việc đính những chiếc khuy, đây là một nét văn hóa được truyền lại từ xưa. Những chiếc khuy được sát gần nhau thành hàng theo mép khăn, mũ, tay áo, thân áo, yếm… của người phụ nữ Lô Lô Chải. Chúng thể hiện sự đoàn kết, gắn kết thành một cộng đồng của đồng bào dân tộc này.

Cũng theo chị Xuyến, tất cả bé gái Lô Lô đều được mẹ, bà truyền dạy cách thêu hoa văn, ghép vải tạo hình hoa văn truyền thống từ khi mới 7 - 8 tuổi. Cũng bởi vậy, đến khi 12 - 13 tuổi, các em đều đã thành thạo việc thêu thùa, bắt đầu tự làm cho mình những bộ trang phục truyền thống để mặc khi lấy chồng.

Vừa giúp du khách mặc lên bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình, chị Lù Thị Vấn, chủ quán cà phê Cực Bắc, thôn Lô Lô Chải, chia sẻ: Phụ nữ Lô Lô không dùng khung thêu mà chỉ cầm miếng vải để thêu, do đó các đường kim mũi chỉ đòi hỏi đôi tay rất khéo léo. Người Lô Lô nhìn vào bộ trang phục, đường kim mũi chỉ trên váy áo của người phụ nữ như một tiêu chí để đánh giá. Bởi vậy, người phụ nữ thêu nên những bộ váy áo đẹp được coi là người phụ nữ tốt, khéo léo, nhiều người yêu mến, quý trọng.

Phụ nữ trong một gia đình người Lô Lô đen, bản Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, Đồng Văn, Hà Giang. Ảnh: T.C

Tiến sĩ Lò Giàng Páo, nhà nghiên cứu văn hoá dân gian, nhà dân tộc học người Lô Lô, chia sẻ: Hoa văn trên trang phục của người Lô Lô đã được các nhà nghiên cứu đánh giá ở tầm giá trị nghệ thuật, có tính thẩm mỹ cao, hoa văn cách điệu mang tính biểu trưng cao, có ý nghĩa và được phối hợp nhuần nhuyễn như một tác phẩm nghệ thuật tạo hình, chứ không chỉ đơn thuần là tái hiện các hình ảnh cuộc sống thường nhật lên trang phục như nhiều dân tộc khác.

Mỗi cô gái Lô Lô thường phải mất 2 - 3 năm mới có thể hoàn thành bộ quần áo truyền thống mà người phụ nữ dân tộc mình mặc trong ngày cưới. Ngày này, khi đến thăm bản Lô Lô Chải, du khách có thể dễ dàng bắt gặp các em gái 12 - 13 tuổi vừa đi chơi, vừa tự thêu thùa các chi tiết hoa văn cho bộ trang phục ngày cưới của mình trong tương lai. Đồng thời, du khách cũng có thể mua những sản phẩm quà tặng, túi xách, vỏ gối, khăn trải bàn,... từ thổ cẩm đặc trưng văn hóa Lô Lô, được các nữ nghệ nhân Hợp tác xã thủ công Lô Lô Chải tạo nên. Đây là một trong những sản phẩm đặc trưng trong chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của những người phụ nữ thôn Lô Lô Chải.

Bảo tồn và phát huy truyền thống

“Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Lô Lô đen” xã Lũng Cú đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia tri thức dân gian nghề thủ công truyền thống. Đây là niềm vinh dự, niềm vui cho người dân Lô Lô Chải, đặc biệt là phụ nữ khi hoa văn trên trang phục của họ, những sản phẩm thêu thùa trước kia vốn tồn tại trong đời sống hằng ngày rất đỗi bình thường từ bao đời, trở thành sản phẩm đặc trưng tiêu biểu, thành di sản phi vật thể của quốc gia, và không chỉ bó hẹp trong phục vụ nhu cầu sinh hoạt như trước kia mà đã trở thành hàng hóa, giúp nâng cao đời sống kinh tế gia đình.

Du khách chụp ảnh cùng những người phụ nữ Lô Lô đen mặc trang phục truyên thống trong Lễ cúng tổ tiên người Lô Lô thôn Lô Lô Chải. Ảnh: T.C

Thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú có 114 hộ, trong đó có 104 hộ là đồng bào dân tộc Lô Lô. Mỗi người phụ nữ Lô Lô đều góp phần tạo nên sự độc đáo và riêng biệt của văn hóa Lô Lô đen và nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống. Đây là những thành quả kết tinh từ lâu đời, là kết quả của sự lao động cần cù, sáng tạo. Ẩn chứa bên trong các phương diện kỹ thuật và nghệ thuật trang trí là nếp sống, là quan niệm thẩm mĩ, quan niệm về thế giới tự nhiên, là sự nối tiếp những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Bởi vậy, nó đã trở thành di sản mang tính đại diện và có sức sống mãnh liệt, trường tồn cùng với sự phát triển của cộng đồng Lô Lô đen.

Làng nghề thêu, dệt thổ cẩm trang phục dân tộc Lô Lô tại thôn Lô Lô Chải ra đời và duy trì hoạt động, tạo thêm công ăn việc làm cho lao động nữ trong thôn, cung cấp sản phẩm phục vụ khách du lịch. Hiện trong thôn có 28 hộ kinh doanh dịch vụ lưu trú homestay, du khách đến với thôn Lô Lô Chải ngày một đông. Việc bảo tồn, trình diễn làm trang phục thổ cẩm Lô Lô luôn được những người phụ nữ trong thôn coi trọng, giúp nhau nâng cao kỹ năng thêu thùa, làm thêm mẫu mã sản phẩm mới phục vụ du khách.

Ông Sìn Gỉ Gai, trưởng thôn Lô Lô Chải, cho biết: Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Lô Lô và đưa các sản phẩm văn hoá, văn nghệ dân gian, lễ hội,… trở thành một sản phẩm hàng hoá độc đáo phục vụ du khách luôn được người dân trong thôn quan tâm. Cũng bởi vậy, năm 2020, thôn Lô Lô Chải đã được công nhận thôn đạt chuẩn nông thôn mới, mới đây cũng hoàn thành tiêu chí Xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng và điểm du lịch tiêu biểu gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Tới thôn Lô Lô Chải vào ngày người dân trong thôn tổ chức Lễ cúng tổ tiên, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp tươi tắn của người phụ nữ Lô Lô trong bộ váy áo sặc sỡ. Những chi tiết, phụ kiện tinh tế, thể hiện tính thẩm mỹ cao và đậm đà bản sắc văn hoá./.

Chiều 18/8 vừa qua, tại xã Lũng Cú, UBND huyện Đồng Văn tổ chức Lễ công bố Quyết định Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia tri thức dân gian nghề thủ công truyền thống “Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Lô Lô đen” và xây dựng “Làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)” thôn Lô Lô Chải.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận