Hướng tới đích xa hơn cho 'mối duyên' thể thao - du lịch

Từ cuộc đua thuyền buồm trên vịnh Hạ Long:

 

Đặc sắc HaLong Regatta 2023

Trong ba ngày từ 12 - 14/5 vừa qua, rất nhiều người dân, du khách trên vịnh Hạ Long đã được chứng kiến một cuộc đua hấp dẫn của những chiếc du thuyền Yacht trên biển. Sau tiếng còi xuất phát, hàng chục chiếc thuyền buồm với những cánh buồm rực rỡ, căng gió rời vạch xuất phát lướt đi trên sóng đầy kịch tính. Các đội đua nỗ lực, tranh thủ từng giây để vượt lên phía trước. Không khí cạnh tranh hào hứng, sôi nổi của các đội đua được tính đến từng giây khiến bất cứ ai có mặt trên biển vịnh Hạ Long và chứng kiến đều cảm thấy hồi hộp, phấn khích. Những hình ảnh đẹp, đầy cảm xúc khiến người xem ước như chính mình được ngồi trên những chiếc du thuyền, điều khiển cánh buồm lướt đi trên sóng.

Anh Lê Tiến Dũng, Chủ nhiệm CLB thuyền buồm cảng Tuần Châu - Tuan Chau Harbour Yacht Club, đơn vị tổ chức giải, cho biết, giải đua thuyền buồm “HaLong Regatta 2023 - lần thứ nhất” là giải đua thuyền buồm đầu tiên tại Việt Nam được tổ chức với sự tham gia của 8 đội đua đến từ Hà Nội, Nha Trang, Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh và Malaysia, cùng các thuỷ thủ của nhiều nước trên thế giới.

“HaLong Regatta 2023” là cuộc đua dành cho thể loại du thuyền buồm - không giống như tại những cuộc đua thuyền buồm khác đã từng diễn ra tại Việt Nam sử dụng thuyền catamaran, thuyền buồm nhỏ 2 hoặc 3 thân, không có khoang. Đây là loại du thuyền đã được sử dụng trong các cuộc đua trên biển rất nổi tiếng mà điển hình là giải đua thuyền Clipper Race vòng quanh thế giới được tổ chức lần đầu vào năm 1996 bởi Robin Knox-Johnston. Trong lộ trình Clipper Race lần thứ 10 diễn ra từ tháng 8/2015 - 7/2016, các đội tham gia đã có các chặng đua nối liền các cảng: London (Anh), Rio de Janeiro (Brazil), Cape Town (Nam Phi), Albany - Sydney - Hobart - Airlie Beach (Australia), Đà Nẵng (Việt Nam), Thanh Đảo (Trung Quốc), Seattle (Mỹ), Panama, Derry - Londonderry (Bắc Ai-len), Den Helder (Hà Lan) và cuối cùng quay về cảng London của xứ sở sương mù.

Anh Nguyễn Việt Hà, đội Lazy Man, cho biết: “Điều khiển một chiếc thuyền buồm không quá khó nhưng đòi hỏi phải có sự ăn ý giữa các thành viên. Đội mình gồm 4 người, trong đó mình là skipper (thuyền trưởng) cùng anh Quang Thế Nguyễn, Tuấn Anh Vũ đều là những người mới chơi thuyền buồm được vài tháng, chỉ duy nhất anh Kent Lee đã chơi thuyền buồm khá lâu. Nhóm mình điều khiển chiếc thuyền Yamaha dài 21ft (6,3m), được thiết kế và sản xuất vào những năm 80 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực, ăn ý, team Lazy Man của Tuan Chau Harbour Yacht Club vẫn giành giải nhì chung cuộc. Đây là một kết quả ngoài mong đợi và là sự khích lệ to lớn để cả team sẵn sàng cho mùa giải HaLong Regatta 2024 và hướng đến những mục tiêu ngày càng xa”.

“Đường đua ở vịnh Hạ Long tuyệt vời. Điều kiện, bối cảnh và gió đều hoàn hảo để đua thuyền buồm, kể cả với những người mới. Tôi hy vọng có thể quay lại đây và đua thuyền vào các năm sau”, chị Adlina Maria Majid, thuỷ thủ đến từ Malaysia chia sẻ.

Chắp cánh cho du lịch biển

Mới được thành lập vào năm 2020, nhưng Tuan Chau Harbour Yacht Club đã có 10 thuyền với hơn 100 thành viên, trong đó có nhiều người nước ngoài đem thuyền tới góp và trở thành đội du thuyền buồm thể thao lớn nhất cả nước. Mục tiêu lớn nhất của nhóm là xây dựng đội thuyền buồm vịnh Hạ Long có tên trong bản đồ thuyền buồm thể thao thế giới.

CLB thuyền buồm cảng Tuần Châu sinh hoạt đều đặn vào những ngày cuối tuần, các thành viên, trong đó có cả người nước ngoài từ Hà Nội và nhiều tỉnh, thành về để tập luyện với nhau và đào tạo cho các thành viên mới. Anh Lê Tiến Dũng, 1 trong 2 thành viên sáng lập CLB cho biết, ở Malaysia, gia đình anh quản lý một CLB thuyền buồm có tiếng tăm trên thế giới, với trên 250 thuyền buồm và hàng nghìn hội viên. Từ khi trở về nước làm việc (năm 2008), anh luôn gắn liền với những chiếc thuyền buồm. Năm 2020, anh và một người bạn tại Hạ Long quyết định gây dựng một đội thuyền buồm thể thao trên vịnh Hạ Long, trong đó anh “góp” vốn bằng một chiếc thuyền buồm đem từ Malaysia về.

“Theo thống kê từ www.yachtingworld.com, mỗi 2 năm một lần, cuộc đua Clipper Race thu hút khoảng 700 thuỷ thủ đến từ hơn 40 quốc gia và được khoảng 4,4 tỷ lượt người theo dõi trên toàn thế giới. Vịnh Hạ Long có lợi thế đặc biệt thuận lợi và phù hợp cho thuyền buồm thể thao, được che chắn bởi các dãy núi ngoài vịnh và trong bờ, tạo điệu kiện rất an toàn cho hoạt động thuyền buồm. Ngoài ra, vẻ đẹp hiếm nơi nào có được của vịnh Hạ Long cũng sẽ tăng thêm phần hấp dẫn du khách cùng những chiếc thuyền buồm lướt sóng trên vịnh. Nếu phát triển tốt, đây sẽ là một sản phẩm du lịch đặc biệt, nhằm góp phần quảng bá và thu hút du khách đến với Hạ Long”, anh Dũng bày tỏ.

Sau khi tham gia cuộc đua HaLong Regatta 2023, Lucas Authier Guerrero, thuỷ thủ, nhà thiết kế thuyền buồm người Argentina chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi đua thuyền trên vịnh Hạ Long, ở đây rất đẹp, khung cảnh thiên nhiên hấp dẫn hơn bất kỳ đâu trên thế giới và những điều kiện tuyệt vời để đua thuyền. Tiềm năng phát triển du lịch gắn liền với đua thuyền là rất lớn. Tôi nghĩ nên có thêm nhiều hoạt động để quảng bá tới các thuỷ thủ và du khách ở khắp nơi trên thế giới”.

Gặp nhiều rào cản

Từ khi thành lập CLB vào năm 2020, những người sáng lập trong Tuan Chau Harbour Yacht Club hy vọng sẽ có giấy phép hoạt động và để có thể sớm mời một số CLB thuyền buồm quốc tế sang vịnh Hạ Long giao lưu. Vì theo họ, các quy định cho thuyền buồm hoạt động khá đơn giản và quan trọng không phải xây dựng cảng bến do tận dụng hệ thống cảng, bến của Tuần Châu.

Tuy nhiên, đến nay, việc cấp phép cho hoạt động du thuyền buồm trên vịnh Hạ Long vẫn còn khá phức tạp, rối rắm và có nhiều bất cập. “Mỗi lần tổ chức sự kiện chúng tôi lại phải chạy đi hỏi ý kiến hết nơi này đến nơi kia để bổ sung, hoàn thiện thủ tục. Đề án đã gửi cho Ban Quản lý vịnh Hạ Long cách đây khoảng 3 tuần, sau khi đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung theo ý kiến của đơn vị này. Theo quy trình, nếu không còn vướng mắc gì ở Ban Quản lý vịnh Hạ Long thì CLB sẽ chuyển tiếp các văn bản, giấy tờ liên quan lên Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Quảng Ninh để xem xét, cho ý kiến và trình UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt”, anh Dũng chia sẻ.

Không chỉ có câu chuyện xin giấy phép hoạt động. Hiện nay Việt Nam chưa có quy định rõ ràng về ngành đóng thuyền buồm nên các doanh nghiệp rất khó mở mang các hoạt động về thuyền buồm hai thân. Đó là chưa kể các thủ tục có liên quan đều vướng mắc như quy hoạch, đăng kiểm, vận hành thể thao và du lịch.

“Có một nghịch lý là, tại Việt Nam thuyền buồm chỉ được phép căng buồm lên khi thả neo tại bến, còn chưa được phép căng lên để chạy. Đó là những quy định lỗi thời nhưng chưa có thay đổi. Cánh buồm chỉ để trang trí cho đẹp con thuyền khi neo đậu chứ chưa được căng lên sử dụng như hoạt động di chuyển, thể thao trên biển, trong khi các nước đã sử dụng thuyền buồm đi khắp thế giới”, một thuỷ thủ bức xúc cho biết./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận