Là thị xã nhỏ nhất nước, từ lâu Mường Lay được mệnh danh là “viên ngọc quý” trên đỉnh trời Tây Bắc, bởi cảnh vật mang vẻ đẹp tự nhiên kết hợp hài hoà với những công trình mới của một đô thị trẻ nơi ngã ba sông.
Đến Mường Lay vào những ngày đầu năm mới, những gì mà thiên nhiên, tạo hoá ban tặng cho nơi này hoà cùng vẻ đẹp của con người, đặc sắc văn hoá bản địa khiến du khách mê say.
Mường Lay ngày hội
Tiếng nhạc rộn ràng kéo tôi ra khỏi giấc ngủ chập chờn đung đưa theo nhịp bánh lăn của chuyến xe khách giường nằm tiến vào thị xã Mường Lay (tỉnh Điện Biên). Bên ngoài cửa sổ, không gian sáng mờ bàng bạc lẫn với mây mù vùng cao như muốn giấu đi nét đẹp của một thị xã nhỏ nhất cả nước bên dòng Đà Giang. Mường Lay đón chúng tôi trong cái lạnh se se ngày cuối cùng của năm 2023 và tiếng khèn réo rắt trên hệ thống phát thanh địa phương, báo hiệu đang vào ngày hội.
Với diện tích chưa đầy 12.000ha, thị xã Mường Lay là thị xã có diện tích nhỏ nhất cả nước với 2 phường và 1 xã. Nằm trong một thung lũng hẹp và dài, nơi giao nhau của ba dòng nước là sông Ðà, sông Nậm Na và suối Nậm Lay, bên bờ hồ Thủy điện Sơn La, Mường Lay trở thành vùng lòng hồ thơ mộng, đẹp vào bậc nhất vùng Tây Bắc.
Lần đầu tiên tôi đến Mường Lay là khoảng 15 năm trước, khi đó nơi đây là một công trường với những con đường san ủi dở, những khu tái định cư đang xây dựng và cây cầu Hang Tôm trong giai đoạn khởi công. Thị trấn Mường Lay cũ đã chìm dưới lòng hồ thuỷ điện Sơn La.
Bước chân xuống con đường nhựa phẳng phiu bên dòng Đà Giang, những ngôi nhà sàn của người dân tộc Thái trắng bên hồ ngày nay hoàn toàn là nhà mới xây dựng theo mô hình tái định cư cho cư dân khu vực lòng hồ, lại nhớ con đường này trước kia bắt đầu từ cầu Hang Tôm là một cung đường đèo nhỏ tới Chăn Nưa, qua Pa Tần, Phong Thổ, bám theo những đường gấp khúc quanh co của dòng Nậm Na thơ mộng. Nhiều đoạn sông mở rộng là nơi đồng bào người Thái thường thả thuyền con đi bắt tôm, cá. Thỉnh thoảng xuất hiện trên sông những con thuyền độc mộc trôi qua ngang dọc như thoi lao trên tấm trang thổ cẩm chàm sơn cước.
Chúng tôi hoà vào nhịp sống của người dân thị xã Mường Lay trong những ngày lễ hội mừng năm mới 2024. Đây cũng là nơi tỉnh Điện Biên lựa chọn tổ chức những sự kiện mở màn trong chuỗi sự kiện Năm du lịch quốc gia Điện Biên 2024 với 2 sự kiện chính là lễ hội đua thuyền đuôi én lần thứ 9 và Giải dù lượn hạ cánh chính xác các câu lạc bộ toàn quốc lần thứ 4, cùng nhiều hoạt động văn hoá, thể thao, hội chợ, trình diễn nghệ thuật dân tộc… Ngay từ sáng sớm, khi những làn sương mỏng vẫn chưa rời mặt nước, trên con đường dọc hai bên bờ sông và khu vực sân khấu chính ở trung tâm thị xã đã tấp nập người dân đi hội. Bóng váy xoè rực rỡ của những cô gái Mông, Dao,… hoà cùng dáng vẻ thướt tha mềm mại của những cô gái Thái trong bộ váy Cóm truyền thống qua lại nhộn nhịp. Các chàng trai cô gái vùng cao vùng dắt tay nhau từng nhóm rộn ràng hòa vào ngày hội.
Khi màn đêm buông ánh trăng lấp lánh xuống mặt nước lòng hồ, sau một ngày hòa mình vào không khí vui tươi ngày hội, chúng tôi lại cùng những người Thái sống 2 bên bờ sông đợi thời khắc giao thừa bên đống lửa ven sông với sắn nướng, gỏi tôm, thịt gác bếp và những chén rượu thóc đượm hương vị núi rừng. Không khí chờ đón thời khắc đếm ngược đón năm mới 2024 nơi ngã ba sông mang mầu sắc núi rừng không thể nào quên.
Màn biểu diễn mãn nhãn nơi ngã ba sông
Ngày đầu năm mới 2024, Mường Lay rộn ràng với tiếng trống, tiếng nhạc rộn rã trên khắp mặt hồ. 9h sáng, lễ hội đua thuyền đuôi én chính thức bắt đầu. Từ năm 2015, sau khi ổn định cuộc sống cho người dân tái định cư, thị xã Mường Lay đã duy trì lễ hội này vào những ngày đầu năm mới dương lịch. Lễ hội vừa tái hiện lại lịch sử hình thành, tập quán định cư, sản xuất của đồng bào Thái trắng bao đời nay gắn với dòng sông Đà vừa là không gian văn hóa với những điệu múa, câu hát dân ca, tiếng đàn tính tẩu cho đến văn hóa ẩm thực. Qua nhiều năm tổ chức, lễ hội đua thuyền đuôi én đã trở thành điểm hẹn văn hóa đầu năm thu hút đông đảo người dân, du khách trong và ngoài tỉnh đến với Mường Lay.
Từ năm 2013, cùng trong dịp diễn ra lễ hội đua thuyền đuôi én, thị xã Mường Lay còn tổ chức giải dù lượn hạ cánh chính xác các câu lạc bộ toàn quốc với sự tham gia của hàng trăm VĐV dù lượn đến từ các CLB trên cả nước. Với điểm cất cánh tại bản Hô Huổi Luông có độ cao trên 1.000m so với mực nước biển và điểm hạ cánh tại bản Mo, xã Lay Nưa bên bờ Đà Giang.
Trong dịp lễ hội đầu năm mới 2024 này, bên cạnh việc các vận động viên dù lượn Paragliding thực hiện phần thi hạ cánh chính xác, tại khu vực diễn ra lễ hội đua thuyền đuôi én, người dân và du khách còn được mãn nhãn với những màn biểu diễn bay dù lượn có động cơ Paramotor và lướt ván thuỷ lực Jetsurf thu hút hàng ngàn người dân và du khách tham quan, trải nghiệm.
Ông Ngôn Ngọc Khuê, Bí thư Thị ủy Mường Lay, cho biết: Lễ hội đua thuyền đuôi én là hoạt động thường niên, khôi phục và phát triển văn hóa dân tộc ở thị xã Mường Lay. Trong không khí đầu năm, thường là ngày mùng 1 tổ chức Lễ hội đua thuyền đuôi én. Năm 2024 là năm thứ hai thị xã phối hợp tổ chức Giải vô địch hạ cánh chính xác các CLB dù lượn quốc gia. Đây là những hoạt động văn hoá, thể thao trọng điểm nhằm thu hút khách du lịch đến với Mường Lay. “Việc tổ chức lễ hội đua thuyền đuôi én năm kết hợp với giải vô địch hạ cánh chính xác các CLB dù lượn quốc gia đã mở ra bước khởi đầu mới cho du lịch Mường Lay. Bởi qua sự kiện này, các vận động viên đến từ khắp mọi miền của đất nước sẽ được biết đến về một Mường Lay xinh đẹp và chính họ sẽ là những sứ giả mang hình ảnh, con người, cảnh sắc thiên nhiên quảng bá đến nhiều nơi”, ông Ngôn Ngọc Khuê chia sẻ.
Đến Mường Lay hôm nay, cùng với tham gia các lễ hội văn hoá như: Then Kin Pang, lễ hội Xên Bản, Xên Mường, hội Hoa Ban, lễ hội đua thuyền đuôi én,… để hoà mình vào đời sống văn hoá đặc sắc của người dân bản địa, du khách tham quan có thể trải nghiệm làng nghề, khám phá những nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc địa phương, trải nghiệm đi thuyền trên hồ, tham gia đánh bắt tôm, cá. Đây vốn là nghề nhiều năm nay người dân ở phường Sông Đà vẫn gắn bó từ khi hồ Thủy điện Sơn La đi vào hoạt động. Du khách còn được trải nghiệm, thưởng thức các món đặc sản ẩm thực địa phương như: khảu lam (cơm lam) được chế biến trong ống nứa, nhứa mù khửa (thịt lợn hấp), nhứa giảng (thịt trâu sấy gác bếp), pà pỉnh tộp (cá nướng), cáy pỉnh (gà nướng), các loại rau măng và xôi gạo nương... Du khách có thể tự vào bếp làm những món bánh sản bản địa như khẩu xén, khẩu chí chọp để làm quà mang về cho người thân và giao lưu văn nghệ cùng đội xoè của đồng bào Thái trắng thị xã Mường Lay./.