Thăm làng nghề gạch gốm Mang Thít

Đây là nơi sản xuất gạch, gốm đỏ nổi tiếng và lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long, được mệnh danh là 'vương quốc gạch gốm'

 

Nghề làm gạch gốm Mang Thít (huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long - dọc sông Cổ Chiên) hình thành và phát triển đã hơn 100 năm. Đây là nơi sản xuất gạch, gốm đỏ nổi tiếng và lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long, được mệnh danh là “vương quốc gạch gốm”.

Điều độc đáo là các cơ sở sản xuất gạch gốm Mang Thít vẫn sử dụng loại lò nung truyền thống là lò bầu, mỗi lò nung cao từ 5 - 12m, hình tháp tròn, sử dụng nguyên liệu vỏ trấu, tạo nên quần thể kiến trúc đặc sắc với những lò tháp nhấp nhô.

Mang Thít được mệnh danh là “Vương quốc gạch gốm” bên bờ Cổ Chiên.

Trước kia, những lò nung ở Mang Thít chỉ dùng để sản xuất gạch. Ngày nay, trước áp lực của gạch máy, sản phẩm gạch thủ công không còn sức cạnh tranh, để đáp ứng nhu cầu của thị trường, người dân đã phát triển thêm nhiều dòng sản phẩm gốm trang trí ngoại thất, bình lọ... Sự kết hợp giữa làng nghề truyền thống và du lịch cũng tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, sống được với nghề truyền thống.

Ngày nay, người làm gạch gốm Mang Thít còn sản xuất nhiều sản phẩm gốm decor, gốm tiêu dùng, gốm trang trí ngoài trời độc đáo.

Tỉnh Vĩnh Long đã thông qua chính sách hỗ trợ cho người dân và tạo cơ chế đặc thù để xứ sở lò nung trở thành “di sản văn hóa đương đại Mang Thít” nhằm phát triển kinh tế - xã hội. Trên toàn huyện Mang Thít hiện còn khoảng 1.000 lò nung, trong đó chỉ 30 lò thường xuyên đỏ lửa, còn lại đang chờ được trùng tu phục vụ các dự án du lịch làng nghề.

Gạch gốm Mang Thít vẫn được nung bằng loại lò bầu truyền thống, sử dụng nguyên liệu trấu.

Gạch gốm Mang Thít được làm từ mỏ sét hình thành bởi phù sa sông Cổ Chiên.

Một mẻ gạch gốm ra lò.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận